ClockChủ Nhật, 18/08/2013 16:05

Mới có giải pháp tạm thời

TTH - Sau bao năm mai một, làng nghề gia truyền dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc) đã phục hồi nhờ những động thái tích cực của chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, để làng nghề này tiếp tục phát triển bền vững, còn nhiều chuyện đáng bàn.

Khói, bụi tràn đường

Vượt qua đèo Phước Tượng, làng nghề dầu tràm Lộc Thủy hiện ra trong nghi ngút khói bụi. Giữa cái nắng, hàng chục lò dầu tràm tại đây thi nhau đỏ lửa.

Các lò dầu tràm nằm sát Quốc lộ 1A đoạn qua Lộc Thủy

Bà Trần Thị Hoa, người theo nghề này nói: “Tui gắn bó với cái lò dầu tràm từ nhỏ. Chỉ biết bám vào nghề gia truyền mà sống dù có thời gian dài, nghề này bị lãng quên”. Theo lời bà Hoa, sau ngày giải phóng, người dân ngoài việc đồng áng, ruộng vườn đều đỏ lửa nấu dầu. Sau này, cả làng chỉ còn chưa đến 10 hộ bám nghề. Cách đây mấy năm, xã, huyện vận động quay trở lại với nghề, bà Hoa đưa lò ra cạnh đường vừa bán, vừa nấu. “Nhà gần đường quốc lộ nên tui thấy cần làm một cái tủ bỏ dầu ra ngoài đường bán cho khách vãng lai. Thời gian gần, đây khách du lịch đến Huế nhiều, xe du lịch dừng lại lò dầu của tui vừa xem, vừa mua. Thế là dân làng cùng nhau đem lò ra cạnh đường cho tiện” - bà Hoa thật thà.

Trên đoạn đường Quốc lộ 1A chưa đầy cây số chạy qua xã Lộc Thủy có hàng chục quán bán dầu tràm kèm theo lò nấu. Điều đáng ngại là hầu hết những lò dầu này đều được đặt rất sát quốc lộ, thậm chí có lò chỉ cách mặt đường 3-4m.

Anh Nguyễn Văn Hưng, giáo viên dạy kỹ thuật lái xe, Trung tâm Masco Huế thường xuyên hướng dẫn học viên lái xe qua địa bàn xã Lộc Thủy cho biết, khói, bụi và hơi nóng từ các lò nấu dầu tràm của người dân địa phương tràn ra đường rất nguy hiểm, làm che khuất tầm nhìn, cản trở giao thông. “Việc đốt, nấu dầu tràm cạnh Quốc lộ 1A của bà con là không ổn. Nguy cơ tai nạn cho xe cộ rất lớn, chưa nói là việc gây ô nhiễm môi trường do khói, bụi” - anh Hưng khẳng định.

Giải pháp tạm thời

Mang mối quan tâm về chuyện đốt lò tinh chế dầu tràm ở xã Lộc Thuỷ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với địa phương. Anh Trương Viết Đính - Chủ nhiệm HTX dầu tràm Lộc Thuỷ nói, nghề luyện dầu tràm là nghề gia truyền của làng. Từ năm 2009, với những động thái tích cực của người dân, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ từ huyện, tỉnh, nghề dầu tràm Lộc Thủy bắt đầu khôi phục trở lại. Năm 2011, sản phẩm dầu tràm ở đây được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức công nhận, là điều kiện quan trọng trong việc vực dậy làng nghề. Đến nay, trên địa bàn xã có 52 hộ gia nhập HTX với 54 điểm bán. Tất cả các xã viên thuộc HTX đều cam kết sản xuất kinh doanh giữ uy tín sản phẩm dầu tràm của làng, như đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất; không bán dầu dỏm, dầu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Về thực trạng tinh luyện dầu bằng đốt lò thủ công bằng rác, củi gây khói bụi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ông Trương Viết Đính nói: “Khi vực dậy làng nghề, chúng tôi đã tính đến quy trình sản xuất đảm bảo yếu tố môi trường. Tuy nhiên, nội lực người dân hạn chế nên chưa thể tiếp cận công nghệ thiết bị mới dù ở làng đã có một cơ sở”. Đó là mô hình chưng cất dầu tràm lôi cuốn bằng hơi nước, giúp tăng năng suất, tiết giảm chất đốt và nhân công của cơ sở chế biến dầu tràm Thanh Bình do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ xây dựng với kinh phí 40 triệu đồng vào năm 2012.

Với những khó khăn của làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ, ông Đính cho biết thêm, mới đây, xã đã phối hợp với Phòng quản lý đô thị và các ban, ngành chức năng huyện Phú Lộc tổ chức họp dân, đề nghị các hộ theo nghề dầu tràm cam kết khi đốt nấu bằng nhiên liệu củi phải đặt vị trí lò cách lề Quốc lộ 1A 9,5 mét, giảm đối đa tình trạng khói bụi, lửa ảnh hưởng đến giao thông, môi trường trong khu vực. Đến nay, đã có 1/3 xã viên của HTX dầu tràm Lộc Thuỷ cam kết thực hiện, với khoảng hơn 30 lò.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thuỷ, giải pháp di chuyển các lò nấu vào xa so với Quốc lô 1A chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, để làng nghề dầu tràm Lộc Thuỷ phát triển bền vững, chính quyền địa phương rất mong các cấp, ngành tổ chức, đơn vị hữu quan giúp đỡ cho bà con tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới trong chưng cất, tinh luyện dầu tràm, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng khói, bụi ảnh hưởng đến vấn đề giao thông, môi trường như hiện nay.

Bài ảnh: Khánh Quan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top