ClockThứ Sáu, 17/06/2016 14:24

Mối lo và lỗ hổng…

TTH - Từ nam cho chí bắc, nhiều năm rồi vẫn xuất hiện và “lưu hành” đủ kiểu đánh bắt, khai thác mang tính tận diệt mà chưa ai dẹp được. Đó là mối lo chung cho mái nhà sinh thái…

Hậu quả nhỡn tiền

Đọc bài của một đồng nghiệp viết về chuyện những chú chim sẻ tội nghiệp, vì ngây thơ cả tin mà đậu vào que nhựa, dính bẫy, rồi… vô chảo, lên bàn. Lại nhớ một kiểu đánh bắt dã man khác mà mình từng chứng kiến. Giữa cánh đồng vừa gặt xong, người ta giăng 2 tay lưới ngả về 2 phía đối xứng. Ở giữa thả những chú chim đã bị buộc chân để làm mồi. Lũ chim tội nghiệp bay qua, cứ tưởng đồng loại của mình đang nhặt thóc, vậy là cùng nhau sà xuống. Lập tức, kẻ đánh bẫy nấp sẵn trong lùm cây gần đó kéo dây. Hai cánh lưới ập vào. Cả bầy chim bị hốt trọn ổ. Chim sẻ ngày càng ít đi là điều tất yếu. Lại sẽ càng nhanh hơn nữa khi mà bây giờ xơi cái gì người ta cũng lo nhiễm độc, vậy là các cây, các con nguồn gốc thiên nhiên càng được chuộng. Chim sẻ là một trong những món ấy, lại là món cao cấp nên giá cứ thế nhích lên. Và như một logic hiển nhiên, giá càng lên thì những chú chim tội nghiệp càng bị săn bắt ráo riết.

Loài dơi nổi tiếng ở Sóc Trăng đang ngày càng ít đi do bị săn bắt

Nước Trung Quốc láng giềng đã từng phải trả giá cho nạn tận diệt chim sẻ trong chiến dịch có tên “đả tước vận động”. Cứ ngỡ diệt chim để chúng khỏi ăn lúa, ai dè, vắng bóng chim sẻ, châu chấu trở thành đại dịch. Và thế là mất mùa, là đói! Số liệu từng được công bố là có tới 30 triệu người chết đói vì hậu quả của chiến dịch “đả tước vận động” này. Thế mới thấy tầm quan trọng của sự cân bằng sinh thái.

Thiếu có mỗi chim sẻ đã vậy, thế mà ở ta, từ nam cho chí bắc, nhiều năm rồi vẫn xuất hiện đủ kiểu đánh bắt, khai thác mang tính tận diệt mà chưa ai dẹp được, mới đáng lo! Trên rừng thì khai thác lâm sản vô tội vạ, nhiều diện tích rừng bị “cạo trọc”, kể cả rừng cấm cũng không tha. Về biển, về sông suối thì nào kích điện, giã cào, lưới mắt nhỏ, cho đến thuốc nổ... Chim trời thì không chỉ riêng có chim sẻ mà nhiều loại chim khác nữa cũng cùng chung kiếp nạn. Kể cả nhiều loài trước đây thiên hạ chê, ví như loài cò, trước bị chê “khét”, nay cũng bị săn lùng, vặt lông. Hay như loài dơi khổng lồ ở chùa Dơi (Sóc Trăng), trước đây nhiều vô kể, nay hễ bay ra khỏi chùa là có thể “bay” thẳng vô quán, một đi không trở lại. Người ta lo sẽ đến một ngày nào đó loài dơi ở đây chỉ còn là hoài niệm. Ở nhiều vùng quê, có nhiều món ăn trước đây chỉ cần đi một vòng quanh ruộng hoặc dọc sông, dọc kênh mương là có. Nay tuyệt nhiên vắng bóng. Thậm chí như con cá lóc, tôi ra quê vợ Thái Bình, mấy ông chú muốn tìm về chiêu đãi thằng cháu một bữa cũng không phải dễ kiếm. Ở Thừa Thiên Huế chúng ta, sò huyết Lăng Cô nổi tiếng một thời nay thắp đuốc cũng đố tìm ra. Tam Giang-Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với nhiều loài thủy sản đặc hữu, ngon nổi tiếng, từng một thời là nơi kiếm sống dễ dàng cho hàng vạn ngư dân. Sau này để kiếm cho được cân tôm, cân cá ở đây không phải là chuyện dễ. Những năm gần đây, các ngành chức năng đã phải cho thả con giống, xây dựng các khu bảo tồn…để tái tạo nguồn lợi thủy sản cho Tam Giang- Cầu Hai, giúp người dân đầm phá có cơ hội sinh nhai. Hậu quả nhỡn tiền, vậy nhưng vẫn không phải đã hết người đeo bám mưu sinh với các kiểu đánh bắt hủy diệt (!)

Bịt ngay những lỗ hổng

Tôi có người bà con nay đã xuất cảnh định cư ở Canada. Lúc còn ở Việt Nam, ông này khoái nhậu mấy món cá ruộng, chim trời,… Biết tính cha mình, lúc vừa đón ông ở sân bay, đứa con gái đã dặn ngay: “Ba qua đây thấy chim chóc tùm lum vậy nhưng đừng…mợt mà bắt vặt lông chiên giòn. Pu-lít họ túm liền à nghen.” Cứ tưởng con dọa, ở một thời gian ông mới vỡ lẽ không phải chuyện chơi. “Không có bóng dáng pu-lít pu-liếc chi hết, nhưng mình chộp cái là họ biết liền. Phạt chết bỏ luôn, ớn lắm!”. Phạt nặng, phạt nghiêm, làm riết bây giờ trong cộng đồng thành ý thức tự giác luôn. Môi trường sinh thái của thiên hạ vì vậy ai đi về cũng trầm trồ là điều dễ hiểu.

Đánh bắt bằng lừ có mắt lưới nhỏ là tác nhân dự phần tận diệt nguồn lợi thủy sản

Lại chợt nhớ cách đây chưa lâu, mấy anh em dồn tiền “liều mạng” du lịch cái chơi. Hẻo, nên chỉ dám đi loanh quanh các nước bạn bè trong khu vực. Năm chục tuổi đầu, nghe thành ngữ “đầu như tổ quạ” đã không biết bao nhiêu lần, vậy mà phải đến lúc qua Malaysia tôi mới được tận mắt thấy cái tổ quạ nó ra làm sao. Là bởi, quạ nó làm tổ, đẻ trứng điềm nhiên ở các cây dương liễu trồng cảnh hoặc lấy bóng mát dọc theo đường phố mà không sợ bị ai phá, ai bắt. Qua Thái Lan, mấy tỉnh vùng Đông bắc dọc theo sông Mê Kông, nhiều nơi chiều về, chim sáo đậu kín các lùm cây, hoặc đen đặc đường dây điện dọc các con phố, đến mức có cảm giác chỉ cần mở cửa sổ tầng lầu, thò tay là có thể bắt được. Vậy mà không hề thấy ai quấy nhiễu đàn sáo… Có thể vì lý do văn hóa, tôn giáo mà chưa có thời gian tìm hiểu nên chúng tôi chưa được tỏ tường lắm. Song, có một điểm chung mà chúng tôi được cho biết là pháp luật làm nghiêm nên không ai dám xâm hại.

Nghĩ loanh quanh rồi lại ngẫm về nhà mình. Chúng ta cũng tuyên truyền, kêu gọi bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh thái. Lực lượng chức năng cũng bắt, cũng phạt, cũng tổ chức tiêu hủy tang vật, thả trở lại rừng các loại chim, thú bị đánh bắt trái phép... Vậy nhưng tình trạng xâm hại môi trường, coi thường pháp luật tại sao vẫn cứ tồn tại và có khi còn phức tạp, còn nghiêm trọng hơn? Đó chỉ có thể là do ta làm thiếu ráo riết, thiếu triệt để và mức chế tài chưa đủ răn đe. Phải bịt ngay những lỗ hổng ấy, may ra câu chuyện mới có hồi kết và “mái nhà chung” mới được bảo vệ một cách hiệu quả.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Return to top