ClockThứ Hai, 08/06/2015 11:01

Mới mẻ và đầy cảm xúc

TTH - Tại Trường đại học Nghệ thuật Huế - nơi đang diễn ra Triển lãm Dấu ấn lần thứ 2 - The 2nd imPRINTs Exhibition, 52 tác phẩm đồ hoạ đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc mới mẻ, trong trẻo và thi vị. Điều thú vị là những tác phẩm đồ hoạ mới cả về kỹ thuật thể hiện và ý tưởng nghệ thuật này lại chính là đồ án tốt nghiệp của những sinh viên Bộ môn Đồ hoạ (khoá 2010-2015).

Trên bãi cỏ xanh tác phẩm đồ hoạ trúc chỉ Đi qua thời gian của Trần Ánh Phi (sinh viên lớp Đồ hoạ 5, Bộ môn Đồ hoạ) nổi bật Đi qua thời gian là một cái nhìn đầy vị tha và nhân hậu của Ánh Phi, một người trẻ thế hệ 9X, về nỗi đau và sự mất mát từ chiến tranh. “Em lấy chủ đề về quê hương Quảng Trị và sử dụng những hoạ tiết xuyên suốt trong tác phẩm là cây lá vằng, loại cây đặc trưng của quê mình. Những hình ảnh về hoa lá đâm chồi nảy lộc thể hiện sức sống vượt thời gian, vượt qua nỗi đau để hướng tới cuộc sống tươi đẹp” Phi cho biết. Bằng chất liệu và kỹ thuật đồ hoạ trúc chỉ theo tranh trục, khai thác hiệu ứng ánh sáng xuyên suốt khi treo ngoài trời, tranh của Ánh Phi và thiên nhiên đã có một cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng, tạo nên hiệu ứng thị giác thú vị đối với người xem.

Trần Ánh Phi với đồ án tốt nghiệp đồ hoạ Trúc chỉ Đi qua thời gian
Một tác phẩm khác không kém phần bất ngờ là tác phẩm đồ hoạ sắp đặt Hồi ức của Nguyễn Đình Quang. Khai thác hiệu ứng phản chiếu trong nghệ thuật sắp đặt qua tranh gương, Hồi ức với hình thức bookart của Quang như một cuốn sách mà ở đó, mỗi trang sách là một đoạn hồi ức tuổi thơ với những hình ảnh về trò chơi dân gian xưa. Hiệu ứng thị giác càng lung linh và ấn tượng khi tác giả đã tinh tế đặt để những trò chơi này trong những mảng hình tròn, hình tam giác tượng trưng cho chiếc nón, hình ảnh gắn với người mẹ. “9 bức tranh ghép lại mang ý nghĩa 9 chữ cù lao nặng công ơn sinh thành và sự đùm bọc của mẹ. Mẹ em đã đi xa nhưng hình ảnh mẹ phản chiếu trong gương mãi là hồi ức đẹp của em”, Quang chia sẻ.
Tác phẩm Vẫn còn mùa xuân của Nguyễn Thị Tới
Bên cạnh những tác phẩm sắp đặt ngoài trời, những tác phẩm đồ hoạ trưng bày trong phòng cũng tràn đầy cảm xúc. Đó là Vượt sông của Nguyễn Tiến Việt bằng chất liệu khắc gỗ phá bản kết hợp truyền thống và hiện đại. Là Bay trong mơ cũng bằng chất liệu khắc gỗ phá bản, thể hiện giấc mơ tuổi thơ ngọt ngào của Ngô Thuỵ Miên. Cũng về giấc mơ nhưng tác phẩm Giấc mơ của Trần Thị Phương Thảo với chất liệu drawing (bút sắt) - chỉ bằng ngòi bút đã tạo ra nhiều độ đậm nhạt trong tác phẩm và không gian 3 chiều sâu lắng. Trong khi đó Hoa xuân ca, chất liệu tổng hợp của Nguyễn Thị Hiền lại lãng mạn, bồng bềnh với khu vườn nhỏ đầy tiếng chim; tác phẩm Tĩnh 1 và Động 2, chất liệu silkcreen của Nguyễn Thị Gấm mang đến cho người xem ấn tượng về cái động mạnh mẽ và sự tĩnh lặng ngọt ngào; không kém phần tinh tế là tác phẩm Vẫn còn mùa xuân bằng chất liệu drawing, watercolor của tác giả Nguyễn Thị Tới...
Tác phẩm Giấc mơ của Trần Thị Phương Thảo, chất liệu drawing tạo không gian 3 chiều sâu lắng
Theo hoạ sĩ Nguyễn Thị Hoà, Trưởng bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật Huế “từ trước đến nay phần lớn đồ án tốt nghiệp là tranh đồ hoạ truyền thống, như khắc gỗ, khắc đá, in lưới, in đá, in kẽm. Nhưng lần này những kỹ thuật mới được đưa vào đào tạo những năm qua đã được các em sử dụng để phát triển thành những đồ án tốt nghiệp. Đây là một hướng mở lớn trong đào tạo bộ môn Đồ hoạ của Trường đại học Nghệ thuật Huế so với các trường đại học mỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những kỹ thuật này là do Trường đại học Nghệ thuật Huế có sự giao lưu rất đặc biệt với một số nước ngoài. Tác phẩm của các em có nét riêng, những kỹ thuật mới mang tính đương đại, thuyết phục.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top