ClockThứ Ba, 05/03/2013 14:05

Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống tội phạm

TTH - Năm 2012, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến tích cực, đưa phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.   

“Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều…”

Tháng 12/2012, trên địa bàn phường Trường An xảy ra một vụ giết người cướp tài sản trong một nhà nghỉ. Em Huỳnh Thị Thanh Thảo (sinh viên-đang làm lễ tân tại nhà nghỉ) đã thông báo lực lượng công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường, bắt nóng hung thủ. Giám đốc Công an tỉnh và Công an TP Huế đã khen thưởng thành tích xuất sắc của em Thảo. Tại buổi khen thưởng, Đại tá Mai Văn Hà, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, qua phong trào TDBVANTQ đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó có sự mưu trí, dũng cảm và nhanh nhẹn của em Thảo. Đồng chí nhấn mạnh: Muốn làm tốt phong trào TDBVANTQ phải dựa vào dân. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn, đây là biện pháp công tác quan trọng hàng đầu.
 

Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế khen thưởng 2 quần chúng có thành tích xuất sắc trong phong trào phòng chống tội phạm

 
 
Thực tế, trong quá trình công tác, lực lượng công an đã được sự hỗ trợ tích cực từ nhân dân để đấu tranh phòng chống tội phạm. Đó là những nhân viên bảo vệ chợ An Cựu giữ chân đối tượng và báo công an bắt đối tượng phát tán truyền đạo Pháp luân công trái phép; hai công nhân công viên cây xanh hỗ trợ giúp công an bắt nhóm đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy; một người dân cung cấp thông tin cho công an bắt nhóm đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp tài sản ở vùng giáp ranh TP Huế-Hương Thủy-Phú Vang; bảo vệ Bệnh viện T.Ư Huế phát hiện bắt giữ đối tượng truy nã trà trộn vào bệnh viện để hoạt động… Năm 2012, thông qua phong trào TDBVANTQ, nhân dân đã phát hiện, cung cấp gần 3.000 nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT giúp lực lượng công an điều tra làm rõ hàng ngàn vụ phạm pháp xảy ra trên địa bàn dân cư. Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen 35 trường hợp, công an cấp huyện khen thưởng 89 trường hợp có thành tích xuất sắc trong phong trào TDBVANTQ.
 
Xây dựng, củng cố địa bàn trọng điểm
 
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành, đoàn thể đề ra nhiều hình thức, phương pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực trong từng thời gian, chú trọng xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến để nhân rộng. Nhiều mô hình, tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự ở xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp như: “Xây dựng tổ đội tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Khu phố bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Xứ họ đạo tiên tiến, không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Câu lạc bộ pháp luật” của Đoàn Thanh niên, “Câu lạc bộ phụ nữ không để chồng, con em mắc các tệ nạn xã hội” của Hội Phụ nữ, “Học sinh, sinh viên với chương trình phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội” trong các nhà trường, “Nông dân với an toàn giao thông”, mô hình “3 không”...
 
Đến nay, toàn tỉnh có 1.106/1.486 thôn, khu dân cư, tổ dân phố đăng ký xây dựng “Không có tội phạm và tệ nạn xã hội” (đạt 76,7%); Ban Chỉ đạo phong trào TDBVANTQ tỉnh đã xét công nhận cho 434 đơn vị đạt chuẩn cấp xã, cấp huyện (chiếm tỉ lệ 39,24%). Kết quả xếp loại phong trào cơ quan, doanh nghiệp có 523/615 đơn vị đạt loại khá (85,04%), 13,82% đạt trung bình; khối xã, phường, thị trấn có 137/152 đơn vị đạt loại khá (90,13%), 9,87% đạt trung bình, không có yếu kém; ban công an xã, thị trấn có 89/111 đơn vị đạt khá (80,18%), 19,82% đạt trung bình; ban bảo vệ dân phố có 33/34 khá (97,06%)…  
Song song với việc đẩy mạnh phong trào đến tận khu dân cư, người dân, Ban Chỉ đạo phong trào TDBVANTQ các cấp đã chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố địa bàn trọng điểm và tăng cường phối hợp liên ngành. Đặc biệt, nội dung phong trào luôn được lồng ghép với các phong trào của các ngành, tổ chức, đoàn thể trong từng thời gian và thông qua các tổ chức này thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ... Các tổ chức, đoàn thể đã tham gia cảm hóa, giáo dục 2.254 đối tượng vi phạm; trong đó, có 1.567 người thực sự tiến bộ; vận động 38 đối tượng truy nã ra đầu thú; vận đọng nhân dân giao nộp 25 khẩu súng, 145 viên đạn, 6 quả lựu đạn, 746 kíp nổ, trên 40kg thuốc nổ. 
 
Đưa phong trào phát triển toàn diện
 
Tại hội nghị triển khai phong trào TDBVANTQ năm 2013, ông Ngô Hoà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDBVANTQ tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành phải gắn công tác xây dựng và nhận rộng mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào phòng chống tội phạm với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; phù hợp với địa bàn, đặc điểm của từng địa phương. Các thành viên Ban chỉ đạo phong trào TDBVANTQ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng công an để tìm ra giải pháp, hình thức thích hợp để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; lôi cuốn các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình tập trung xây dựng mô hình phòng chống tội phạm, đấu tranh mạnh mẽ, phát hiện tố giác tội phạm tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, phát hiện, biểu dương kịp thời và nhân rộng điển hình tiên tiến của phong trào TDBVANTQ, để phong trào phát triển sâu rộng, trở thành phong trào của toàn dân.  
Bài, ảnh: Thái Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top