ClockThứ Năm, 18/10/2018 20:36

Mỗi người lao động là một nhà bảo hiểm xã hội

TTH.VN - Bảo hiểm xã hội (BHXH) là nội dung được phản ánh trong rất nhiều chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) , trên cả ba loại hình: phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Nội dung về BHXH tuy không thường xuyên nhưng cũng xuất hiện trong các chương trình “ Nông nghiệp- nông thôn”, “ Hộp thư truyền hình”, “ Sống khỏe”, “ Vấn đề quan tâm”, “ “Công đoàn”, “ 60 phút bạn và tôi”, “ Lao động và xã hội”...

Người lao động làm thủ tục hành chính tại BHXH tỉnh. Ảnh: L.T

Năm 2017 và 2018, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký kết hợp đồng tuyên truyền với Đài Phát thanh và Truyền hình TTH TRT nên công tác tuyên truyền được tập trung chuyên sâu hơn; các chủ trương, chính sách về BHXH được tuyên truyền rộng rãi và đến với người dân nhanh chóng tạo sự hiểu biết về BHXH. Thời gian phát sóng định kỳ thu hút được sự quan tâm theo dõi của nhiều người.

Từ trong chuyên môn của mình, chúng tôi đã “ đặt lên bàn” của BHXH TTH một số vấn đề mà BHXH tỉnh cần quan tâm như “Người dân vẫn chưa mặn mà với BHXH tự nguyện”, cụ thể như ở Phong Điền, sau hơn 10 năm triển khai mới chỉ có 204 người tham gia. Đó là những khó khăn khi triển khai Bảo hiểm Y tế tại các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới với hai lý do chính là sự thiếu hiểu biết của người dân về Bảo hiểm Y tế và tâm lý ỷ lại vào sự trợ cấp của nhà nước. Đặc biệt, phóng viên đài chúng tôi cũng đã tìm hiểu và đưa ra con số hơn 1.900 doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố Huế chưa tham gia đóng BHXH bắt buộc cho người lao động cũng như chỉ ra tình trạng doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa quan tâm đến BHXH cho người lao động, việc tuyên truyền phổ biến chính sách cũng khó đến với doanh nghiệp khi 300 giấy mời được phát ra nhưng chỉ có rất ít người đến tham dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH đầu năm này.

Bên cạnh những “điểm khó” trên, TRT cũng đã giới thiệu những cách làm sáng tạo thu hút người dân tham gia Bảo hiểm như mô hình mua BHYT trả góp ở chợ Cầu Đất- phường Thuận Hòa- TP Huế và hiện nay mô hình này đã được nhân rộng, góp phần vào việc triển khai sâu rộng BH Y tế đến với mọi thành phần. Với khoảng trên 1,1 triệu người tham gia,  Thừa Thiên Huế hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân.

Với tình trạng người lao động rút BHXH một lần ồ ạt như hiện nay, rõ ràng thách thức lớn nhất đối với BHXH là việc mở rộng đối tham gia theo như định hướng của BHXH Việt Nam.

Sau năm 1995, chính sách BHXH tập trung vào các đối tượng công nhân viên chức nhà nước được mở rộng cho nhiều loại hình đơn vị doanh nghiệp. Từ đầu năm 2018, BHXH đã được phê duyệt mở rộng đến lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đó là những chuyển động cho thấy sự thay đổi nhưng cần nhìn vào thực tế tại sao có tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội, tại sao họ biết “rút là hết” nhưng vẫn rút hết BHXH một lần. Câu hỏi đặt ra là có phải người lao động quá khó khăn hay họ mất niềm tin, tại sao họ lại chấp nhận sự bấp bênh cho tương lai của mình. BHXH cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ trong việc góp ý xây dựng các chính sách về an sinh xã hội chung, nhằm bảo đảm đời sống và quyền lợi của người lao động. Trong bức tranh chung toàn cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự dịch chuyển lao động và sự thay đổi tính chất công việc, nghề nghiệp cũng sẽ tác động trực tiếp đến BHXH của người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp.

Hội nghị Ban chấp hành Hiệp Hội An sinh xã hội ASSA lần thứ 35 khu vực ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Cơ hội, thách thức của các tổ chức An sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” cho chúng ta thấy rằng những thách thức đối với ngành BHXH không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà khắp khu vực và trên thế giới. Bức tranh BHXH trở thành một bức tranh động với nhiều thay đổi, dịch chuyển. Những cải cách chính sách BHXH, xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đã trở thành yêu cầu cấp thiết  đối với ngành và đối với an sinh xã hội của mỗi nước. BHXH ở Thừa Thiên Huế cũng sẽ ở trong môi trường hoạt động với nhiều chuyển biến mới đó. Nhận chân bức tranh về Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cũng như ở Thừa Thiên Huế trong tương lai những năm đến sẽ là liên tục phát triển và nhiều thách thức hơn.

Hiện tại, cả nước có 13 triệu người tham gia BHXH, mô hình BHXH tự nguyện triển khai đã 10 năm nhưng vẫn chưa thu hút nhiều người tham gia và Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 có 3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì việc tăng cường tuyên truyền là một giải pháp quan trọng. Không phải người lao động nào cũng hiểu rõ những nội dung của bảo hiểm xã hội, những quyền lợi của họ khi tham gia và việc cập nhập những chính sách mới. Chẳng hạn như tại sao lại giao sổ BHXH cho người lao động tự giữ; những việc ghi sai trong sổ bảo hiểm xã hội thì việc khắc phục như thế nào? Nếu mất sổ bảo hiểm xã hội, người lao động phải làm gì? Cách khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH? Đó là những câu hỏi thiết thực mà người lao động cần biết một cách ngắn gọn, đầy đủ. Do vậy, về mặt truyền thông, BHXH cần tăng cường với các cơ quan báo chí để tuyên truyền.

Với riêng Đài TRT, BHXH tỉnh cần kết hợp tuyên truyền nhiều hơn. Với phát thanh, hiện nay hệ thống loa phường, xã hoạt động hàng ngày, ở 9 Đài huyện, thị xã và thành phố của TTH đều có hệ thống phát thanh nên BHXH tăng cường chương trình tuyên truyền trên sóng phát thanh; Với truyền hình, chương trình ký kết hợp đồng tuyên truyền một số/tháng như hai năm qua, tuy có nhưng chưa thật sự chưa nhiều. Cần tăng cường tuyên truyền trên truyền hình với những lợi thế vừa nghe tiếng, vừa thấy hình, chân thực và thuyết phục. Trang thông tin điện tử cũng là một kênh rất cập nhập, nhanh chóng, cần tận dụng kênh này.

Hiện tại, BHXH tỉnh chỉ mới hợp tác với TRT trên sóng truyền hình, hai loại hình báo phát thanh và thông tin điện tử chưa tham gia. Bảo hiểm xã hội và lãnh đạo Đài TRT cùng bàn bạc để đưa thông tin, kiến thức về BHXH bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động hơn như xây dựng tiểu phẩm, âm nhạc, chương trình giao lưu, tọa đàm, tăng cường trailer giới thiệu về các nội dung mới có gắn đến chính sách bảo hiểm xã hội, hỏi -đáp trên sóng phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử.

Nguyễn Khoa Diệu Hà - Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần
Vui vì được tăng ca

Doanh nghiệp (DN) dồi dào đơn hàng, người lao động phấn khởi khi được tăng ca, cải thiện thu nhập.

Vui vì được tăng ca
Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi đơn hàng và mở rộng phát triển sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
Return to top