ClockThứ Hai, 19/08/2019 08:45

Mỗi sản phẩm phải có một “đầu kéo”

TTH - Cuối tuần qua, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại trực tuyến về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, vụ hè thu năm nay, hạn hán gay gắt kéo dài gây thiệt hại nặng về trồng trọt, làm gần 5.000ha lúa, hoa màu mất mùa do khô cháy, thiếu nước. Về chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi bùng phát các tháng đầu năm 2019 làm giảm 10% tổng đàn lợn trên toàn tỉnh.

Cùng với yêu cầu thị trường ngày càng cao, chuyên nghiệp về chất lượng, an toàn vệ sinh và truy xuất nguồn gốc trong xu hướng hội nhập, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đặt ra trách nhiệm lớn cho ngành nông nghiệp là tái cơ cấu sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp, thích ứng, cho hiệu quả cao, bền vững.

Thời gan gần đây, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp được đặt ra. Toàn tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích trên 4 nghìn ha, phát triển theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó một số mô hình lúa vùng đất nhiễm mặn, các loại dưa, khoai lang, ớt... ở vùng đất cao mang lại hiệu quả thiết thực. Các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân vùng đầm phá. Chăn nuôi đang được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…, đặc biệt hướng đến chăn nuôi đại gia súc, theo hướng trang trại, sản xuất hàng hóa. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.400 trang trại, gia trại; từng bước hình thành các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao...

Một lợi thế của Thừa Thiên Huế là sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, không ít mô hình cây, con chủ lực, có thế mạnh được đầu tư khai thác, dần lộ diện, định hình các sản phẩm tạo được thương hiệu như dầu tràm, cây thanh trà, gạo thơm Thủy Thanh, măng muối Phong Mỹ, gà đồi Phú Sơn, thịt bò A Lưới, ném Điền Lộc, rau má Quảng Thọ, mướp đắng Thủy Châu ...Và gần đây là những mô hình mới như dưa lưới, bưởi da xanh, cao hoa Atiso, chuối già lùn...

Tuy nhiên, một thực tế là ngành nông nghiệp của tỉnh hiện chủ yếu vẫn tập trung ở cây lúa truyền thống. Các cây trồng có thế mạnh khác còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được sản phẩm chủ lực có tính đột phá. Một trong những cây trồng lâu năm, có thương hiệu như thanh trà vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ về diện tích, đầu ra mang tính tiểu ngạch, tiêu thụ nhỏ lẻ tại các chợ truyền thống... Hay ngành chăn nuôi, có thế mạnh và được biết đến như một đặc sản nhưng chăn nuôi bò ở A Lưới còn nhỏ lẻ, hiện cả huyện có chưa tới 10.000 con. Trong khi nuôi tôm trên cát từng được xác định là bước đột phá cho vùng cát ven biển đang trong tình trạng khó khăn do thời tiết, bất cập về hạ tầng, con giống, kỹ thuật...

Tại buổi đối thoại về tái cơ cấu nông nghiệp vừa được tổ chức, nhiều khó khăn về quy hoạch đất đai, hạ tầng, công nghệ, chính sách.... để tái cơ cấu nông nghiệp được đặt ra. Trong đó, vấn đề then chốt là mỗi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực phải hình thành ít nhất một doanh nghiệp mạnh giữ vai trò “đầu kéo”, tạo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, từ “sản xuất đến bàn ăn” vẫn còn khoảng hẫng. Ngành nông nghiệp của tỉnh đang thiếu những doanh nghiệp lớn làm đầu tàu.

Dù có nhiều sản phẩm có ưu thế, nhưng hiện cả tỉnh chỉ có 18 nhà cung cấp địa phương với gần 200 mã hàng đang phân phối tại siêu thị BigC Huế và 15 nhà sản xuất cung ứng khoảng hơn 150 mã hàng tại siêu thị CoopMart Huế. Đây là con số mà theo lãnh đạo BigC Huế là quá khiêm tốn..., phần nào phản ánh năng lực ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay về góc độ thị trường...

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch

Thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là khách Tây hiện nay không chỉ nằm ở tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử mà ở vẻ đẹp chân phương của con người, tính chuyên nghiệp trong cách làm du lịch và tạo được dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch, trải nghiệm của du khách.

Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch
Return to top