ClockThứ Hai, 05/10/2015 14:35

Mỗi tấc đất, một tấc vàng...

TTH - Với ông Nguyễn Văn Chức, vùng đất tái định cư Bồ Hòn (xã Bình Thành, TX Hương Trà) đất đai dù cằn cỗi đến đâu nhưng biết chịu khó thì “sỏi đá sẽ biến thành cơm”.
Ông Chức chăm sóc đàn gà vừa nuôi thử nghiệm

Chúng tôi đến thăm nhà ông Chức lúc đồng hồ điểm giữa trưa. Ở cái tuổi lẽ ra phải “vui thú điền viên” nhưng ông Chức vẫn cần mẫn, đều đặn hàng ngày chăm từng con gà, cuốc từng nhát đất. Chính phẩm chất người lính Cụ Hồ đã hun đúc cho ông tinh thần hăng say lao động ấy. Ông bảo, những năm tháng chiến tranh, việc chiến đấu và sản xuất kinh tế luôn song hành, kinh tế cũng là “mặt trận” đầy cam go và thử thách.

Ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Văn Chức là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế giỏi. Gia đình ông vừa kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Năm 2014, ông Chức được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen về nông dân sản xuất giỏi.
Lúc vừa tròn đôi mươi, như bao thanh niên khác thời ấy, ông tình nguyện tham gia quân ngũ thuộc đơn vị C6-E5-Quân khu Trị Thiên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ với tỉ lệ mất sức lao động 68%. Tưởng chừng sức khỏe giảm sút làm ông nhụt chí nhưng sự cần cù, hăng say lao động giúp ông tự đứng vững trên đôi chân của mình. “Đã là bộ đội Cụ Hồ thì không thể nhụt chí, dù thế nào đi nữa cũng quyết không để trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, ông Chức khẳng khái.
Quê gốc ở xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), nhường đất cho các công trình thủy lợi, thủy điện ông và nhiều người dân phải rời xa vùng đất quê cha đất tổ để đến định cư tại thôn Bồ Hòn. Ông Chức cho biết: “Sau khi xuất ngũ, sức khỏe tui giảm sút nhiều. Cuộc sống lúc ấy cũng gặp nhiều khó khăn, khi đưa cả gia đình đến khu tái định cư Bồ Hòn sinh sống càng khó khăn hơn vì thiếu đất sản xuất và đất đai cằn cỗi”.
Trước cảnh khó, không chịu bó tay, ông Chức nghĩ ngay đến việc khai hoang để trồng rừng. Ban đầu một tay ông khai hoang gần 5ha đến nay ông khai hoang được gần 20ha đất rừng để trồng keo và 4ha đất rừng trồng lồ ô. “Hầu như tất cả các người dân khi được tái định cư đều gặp khó bởi thiếu đất sản xuất. 55 hộ dân người Cơ Tu ở thôn Bồ Hòn không thể tự phát triển kinh tế ngoài cách đi làm thuê làm mướn cho các chủ rừng. Nhà nước có chủ trương vận động người dân khai hoang để trồng rừng nhưng ít người tham gia vì ai cũng nghĩ trồng rừng vất vả lại chưa chắc có cái ăn. Là người lính, dù sức khỏe không được tốt nhưng tui quyết định khai hoang trồng rừng, mỗi ngày khai hoang một ít, thế là đồi Khe Mốt từ đó xanh màu rừng keo. Tui làm thế để bà con nhìn vào mà hiểu rằng, đất đai dù có cằn cỗi đến đâu thì mỗi tấc đất cũng là một tấc vàng”, ông Chức chia sẻ.
Ngoài trồng rừng, ông Chức còn mạnh dạn đầu tư vốn để chăn nuôi vịt, gà, bò, dê và đào ao nuôi cá. “Hiện ông đang nuôi 20 con bò, 15 con dê, 10 con trâu và 2 ao cá (mỗi ao có diện tích 1000m²). Mỗi năm cộng thu nhập tất cả các thứ, gia đình ông kiếm được gần 500 triệu đồng. Hiện nay, ông đang đi học hỏi kĩ thuật, kinh nghiệm để thử nghiệm đầu tư nuôi vịt và gà thả đồi”.
Không chỉ là người đi đầu trong phát triển kinh tế ở vùng đất khó, ông Nguyễn Văn Chức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Đồng thời, ông góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, giúp bà con từng bước thoát nghèo. Trước lúc chia tay, ông Chức nói: “Tui từng là công an viên rồi thôn trưởng nên tự nhủ phải có trách nhiệm với bà con chòm xóm. Những cái chi mình biết thì phải chia sẻ với bà con cùng biết. Mình phải là người đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động ở địa phương, đặc biệt là việc phát triển kinh tế”.
Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Return to top