ClockThứ Tư, 26/01/2011 20:01

Molokai - Cội nguồn nuôi dưỡng tài năng…

TTH - Năm nay, nhà điêu khắc Molokai, người con của dân tộc Cơ – Tu (Hương Lâm, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã 64 tuổi, ông nguyên là giảng viên của Khoa Điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế. Trong giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, nhất là các nghệ sĩ điêu khắc khi nói đến Molokai, mọi người nghĩ ngay đến tác phẩm nổi tiếng của ông là Tiếng cồng Tây Nguyên (Thạch cao - 1972 - Hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) - một tác phẩm không chỉ được biết đến trong nước mà còn được biết đến ở nhiều nước XHCN trước đây.

Nhà điêu khắc Molokai là con em miền Nam được đưa ra Bắc từ năm 1960, rời làng bản ở với cộng đồng dân tộc Cơ - Tu, Molokai ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa học tập và ngay từ đầu, các cô bác của Đoàn chăm sóc thiếu niên miền Nam đã nhận ra cậu thiếu niên Molokai rất có năng khiếu mỹ thuật qua sự ham thích vẽ tranh, nặn đất sét tạo hình rất lạ. Thế rồi Molokai đã được đưa đến dự tuyển vào trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và đỗ vào khoa Điêu khắc vào năm 1962, ông được học dưới sự hướng dẫn của các nhà điêu khắc lừng danh là Phạm Gia Giang, Nguyễn Thị Kim. Năm 1972, sau 10 năm học tập trung cấp rồi đại học, ông đã sớm ghi nhận tên tuổi vào làng điêu khắc khi bảo vệ tác phẩm tốt nghiệp Tiếng cồng Tây Nguyên, tác phẩm giờ đây đã đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sự thành công của Molokai đã không làm mọi người ngạc nhiên, vì tố chất tạo hình của Molokai suốt bao năm học tập đúng là phải tạo nên được những tác phẩm như vậy.


Mô lô Kai bên một tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên
Trong tác phẩm Tiếng cồng Tây Nguyên, ta nhìn thấy trong mỗi hình khối là bóng dáng của sự suy tư, sự biểu hiện khí phách Tây Nguyên hừng hực của ông. Hình tượng một người đàn ông Tây Nguyên khỏe mạnh giơ cao cồng chiêng như là sự thức tỉnh của núi rừng, là khí phách quật cường, là trung thành với cách mạng của những người con Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Từ khi có tác phẩm này, hầu như mọi cuộc trưng bày về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nào cũng dành chỗ để trưng bày tác phẩm nói trên của ông. Năm 1974, tại liên hoan Thanh niên dân chủ Thế giới tại Berlin, tác phẩm của ông đã được chọn gửi dự triển lãm và sau đó được trưng bày tại Liên Xô, Bulgary, Tiệp Khắc. Sau một thời gian, Molokai lại công bố loạt tác phẩm mới đáng chú ý khác như Mạnh hơn bom đạn, Em là du kích, Người cộng sản ngục Kon Tum... Những tác phẩm đánh dấu chặng đường nghiên cứu, thử nghiệm đa chất liệu của ông.

Em là du kích  
Năm 1983, Molokai về công tác tại Trường đại học Nghệ thuật Huế, từ đó ông đã đem sức lực, trí tuệ để đào tạo những nhà điêu khắc trẻ, ông có cách tư duy về khối dứt khoát mạnh bạo và rất cá tính, ấn tượng nên sinh viên rất thích học, đặc biệt là học sáng tác từ chất liệu gỗ đá từ. Tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Huế vào năm 1998 Molokai đã được BTC mời tham gia và để lại tác phẩm Tình hữu nghị(đá, cao 2m20) bên dòng sông Hương thơ mộng. Năm 2009, ông tham dự Trại sáng tác điêu khắc tại Daklak và ông đã sáng tác nên tác phẩm Người mẹ bản Đôn (gỗ, cao 2m50), cũng với phong cách khép kín khối, giấu nén xúc cảm vào trong và làm cho mỗi diện khối có sắc âm của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Tiếng cồng Tây Nguyên
Chính sự am tường của ông về mỹ thuật điêu khắc đã đem lại cho ông những lợi thế trong hướng dẫn sinh viên NCKH thành công. Nhà điêu khắc Molokai là con người đúng như Zamatov nói: “Những ai không yêu con sông ngọn núi của quê hương mình thì cũng sẽ không biết yêu quê hương của người khác”.
Nhà điêu khắc Molokai còn vẽ tranh và làm nhiều phác thảo tượng đài có giá trị, Molokai không chỉ nghiên cứu lịch sử dân tộc Cơ - Tu sáng tác về đề tài Tây Nguyên và quê hương mình, mà còn nghiên cứu cả văn hóa khu vực, văn hóa miền Trung Tây Nguyên để vận dụng trong giảng dạy. Có thể nói, t-rên nền tảng nghề nghiệp được đào tạo kỹ càng ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam, suốt bao năm qua, Molokai luôn tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, ông tạc, đục không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm là một dấu ấn cá nhân, một tìm tòi khám phá đậm nét, trong đó toát lên sắc thái tâm hồn của người con dân tộc Cơ - Tu thiết tha yêu quý cuộc sống và sảng khoái bộc lộ cảm xúc qua những khối hình điêu khắc hiện đại thể hiện tình yêu quê hương xứ sở. Có thể nói, Molokai đã hòa nhập vào đời sống điêu khắc hiện đại của đất nước một cách bình dị, chân chất mà bền vững ở vị trí của người nghệ sĩ độc đáo, người con của dân tộc Cơ - Tu hết lòng vì cái đẹp với phong cách riêng trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Hiện nay, tuy đã nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên đến trường để tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên thực hành sáng tác, nghiên cứu. Ông còn tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Molokai có một sự mẫn cảm và tinh tế lạ thường khi nói về điêu khắc Tây Nguyên, điêu khắc đình làng Bắc Bộ và các giá trị nghệ thuật của các dân tộc ít người ở Việt Nam và điêu khắc thổ dân ở Phi Châu. Nhà điêu khắc Molokai tự hào với cội nguồn của mình, tự hảo là người con của dân tộc Cơ - Tu, nơi nuôi dưỡng và hun đúc nên một nghệ sĩ tạo hình tâm huyết và có vị trí xứng đáng trong mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Phan Thanh Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top