ClockThứ Năm, 09/06/2022 14:59

Môn chính và môn phụ

TTH.VN - Con gái tôi than phiền trước kỳ thi đánh giá năng lực vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương: “Nếu trường cho thi vẽ, thi lịch sử thì con khỏe rồi!”. Dĩ nhiên, chuyện đó không bao giờ có thể xảy ra. Thế nên, cha con tôi quyết định không thi, tôi tôn trọng quyết định của con.

Nhiều hoạt động tại ngày hội Toán học mở Huế - năm 2022Nên đưa môn khoa học giao tiếp vào đào tạo chính khóaGiáo dục địa phương, đừng làm học sinh… sợ - kì 1: Khám phá cuộc sống quanh ta

Học sinh muốn vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương phải trải qua kỳ thi tuyển đánh giá năng lực. Ảnh: L.T

Con tôi từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ say mê vẽ, yêu thích lịch sử và đặt hàng nghìn câu hỏi “vì sao?” cho mọi thứ xung quanh. Nhưng môn toán thì luôn là điểm yếu, đặc biệt là các bài toán đòi hỏi suy luận logic. Cũng như thế, cháu có thể viết, đọc suôn sẻ, nhưng hơi khó khăn với trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ và nhiều thứ “phong ba bão táp” khác.

Nếu như nhiều phụ huynh khác, ngay từ lớp 3, lớp 4, cháu sẽ có đều đặn mỗi tuần 3 buổi toán, 3 buổi tiếng Việt, chí ít 2 buổi tiếng Anh ở các lớp học thêm. Đích đến là ngôi trường danh giá Nguyễn Tri Phương, niềm mong mỏi của hầu hết phụ huynh thành phố. Cá nhân tôi lại khác. Tôi cho rằng, nếu những đứa trẻ ngày ngày sáng, chiều đến lớp mà còn phải đi học thêm, thì đó là sự thất bại của một nền giáo dục!

Có thể hiểu được điều này. Thứ nhất, ngành giáo dục đặt yêu cầu quá cao và thiên lệch các môn. Môn toán quá nhiều và quá khó. Tôi vẫn thường lén lút tra Google mỗi khi con hỏi bài. Thứ hai, cha mẹ ít ai không kỳ vọng con. Cháu nào không đạt loại giỏi thì cũng khó yên thân. Vì vậy mà cứ đến mùa, phụ huynh lại truyền tai nhau thầy A chuyên luyện đề toán, cô B chuyên luyện văn, cô C hay trúng tủ tiếng Anh.

Mỗi đứa trẻ đều có một thiên hướng khác nhau, tương tự như thiên hướng của não trái và não phải. Đứa trẻ não trái sẽ giỏi về tư duy logic, suy luận, tính toán và hệ thống. Đứa trẻ não phải sẽ xử lý hình học, không gian tốt hơn, mạnh về cảm thụ âm nhạc, trực giác và trí tưởng tượng. Vì vậy, nắm bắt thiên hướng sẽ giúp thầy cô, cha mẹ có hình thức giáo dục phù hợp, phát triển sở trường của con em mình lên đến mức cao nhất.

Tiếc thay, nền giáo dục chúng ta đang xây dựng dường như chỉ ưu ái cho những đứa trẻ não trái. Xem nhẹ các thế mạnh của não phải. Tiếng Việt, toán, ngoại ngữ ở tiểu học, và sau đó là lý, hóa, sinh cho cả THCS và PTTH. Luật giáo dục Việt Nam không phân biệt môn chính môn phụ. Nhưng cách phân bổ thời lượng, cách nhìn nhận đánh giá từng môn học đã khiến cho sự phân biệt này ngày càng rõ rệt. Từ giáo viên cho đến phụ huynh, học sinh đều biết môn nào cần ưu tiên, môn nào học vừa phải

Một hiệu trưởng ở Singapore đã viết thư cho học sinh của mình đại ý như thế này: “Trong số các em, sẽ có một em là nghệ sỹ và không cần phải hiểu môn toán. Sẽ có một nhạc sĩ và môn hóa không phải là vấn đề. Sẽ có một vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn vật lý..." Hãy nói với con rằng đó chỉ là một bài thi và con được nuôi dạy cho những điều lớn lao hơn thế... Và hãy nên nhớ rằng, đừng nghĩ bác sỹ hay kỹ sư mới là người duy nhất hạnh phúc trên cuộc đời này!

Không biết bức thư đó lay động các bậc phụ huynh, những nhà giáo dục của chúng ta như thế nào? Nhưng sau mỗi mùa thi, cõi mạng tràn ngập giấy khen, điểm số. Đâu đó là những ngợi ca “con nhà người ta” và phiền não về "con nhà mình". Và giáo dục toàn diện vẫn được hiểu là giỏi đều tất cả các môn. Bất chấp não trái hay não phải.

Gia Mẫn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top