ClockThứ Bảy, 30/12/2017 14:03

Món Huế trên xứ sương mù

TTH - “Ở thành phố ngàn hoa này đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp các quán bún bò, bánh bèo, nậm, lọc của các o, các mệ người Huế. Các món ăn này rất “được lòng” người dân và du khách”. Nghe anh bạn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) kể, tôi không thể ngồi yên.

Nhớ thương vị thanh đạm mà ngon đến vấn vương của cơm chay xứ HuếNét duyên trong bánh & chè Huế

Chị Thúy làm bún bò Huế cho khách

Trên đường chở tôi đến ấp Ánh Sáng (phường 1, TP. Đà Lạt) bạn kể, ấp được thành lập khoảng từ 65 năm trước, là điểm hội tụ của người dân Huế lên đây lập nghiệp an cư. Họ sống bằng nhiều nghề, nhưng sau này nhiều nhất vẫn là bán các món ăn của Huế. Nằm ở trung tâm thành phố, nhà cửa nhếch nhác nên những năm trước, ấp Ánh Sáng được quy hoạch, chỉnh trang, nhiều hộ dân được giải tỏa đến nơi khác. Có diện tích chưa giải tỏa xong nên người dân vẫn còn kinh doanh buôn bán.

Trên con đường nhỏ bên vườn hoa, có đến cả chục quán bún bò Huế và bánh bèo, nậm, lọc. Ghé quán bánh của chị Lê Thị Liễu, chúng tôi gọi một ít bánh vừa để thưởng thức hương vị quê nhà ở xứ lạ vừa tranh thủ hỏi chuyện. Chị là dân Niêm Phò, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) lên Đà Lạt lập nghiệp từ 20 năm trước. Ngày ở quê, khá rành việc chế biến các món bánh Huế nên khi lên đây, chị đã chọn nghề này để mưu sinh. Dần dần, chị truyền nghề cho chồng con nên cả nhà ai cũng thạo nghề. 5 giờ sáng chị đã dọn hàng và trở về nhà lúc 6, 7 giờ tối. “Tui phải đi sớm để các khách sạn còn lấy bánh về dọn buffet sáng phục vụ du khách”, chị Liễu giọng nhỏ nhẹ.

Hương vị các món bánh Huế mà tôi thưởng thức ở quán chị Liễu không khác với nhiều quán ở Huế là mấy. Giá cũng rất bình dân, 15.000 đồng/đĩa. Khác chăng là tôm làm nhân bánh được đưa từ Ninh Thuận lên nên vị không thơm ngon bằng tôm ở vùng đầm phá và biển ở quê nhà. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy ngon. Nhìn chị tất bật bán bánh cho khách liên tục vào ra, chúng tôi khẽ chào tạm biệt chị nhưng không quên hỏi nhỏ về thu nhập. Chẳng giấu giếm gì, chị cho biết: “Một ngày tất bật rứa chớ cũng kiếm được 500 đến 700 nghìn đồng”. Cạnh quán chị Liễu là quán bèo, nậm, lọc của chị Lê Thị Nga (quê xã Quảng Phú, Quảng Điền). 25 năm theo nghề không giàu có, nhưng chị cho hay cuộc sống của gia đình rất ổn định.

Cuối ấp Ánh Sáng có một quán bún bò Huế khá đông khách vào ra. Khá bận rộn nhưng khi nghe chúng tôi giới thiệu từ Huế đến, chủ quán là chị Huỳnh Thị Thúy thốt lên “rứa à”, rồi tranh thủ vừa bán cho khách vừa kể cho tôi nghe chuyện rời quê lên xứ ngàn hoa lập nghiệp. 40 năm trước, chị một mình khăn gói lên Đà Lạt, sau đó 3 người em ruột cũng theo con đường chị đã đi. Bây giờ, 3 trong 4 chị em chị đều bán bún bò Huế. Chỉ cần quan sát mấy nồi nước bún to đùng tôi cũng hiểu khách đến quán chị đông như thế nào. Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở xã Phú Đa (Phú Vang) sau khi thưởng thức bún ở quán của chị Thúy nhận xét: “Nước bún ở đây đậm đà, có hương vị của sả, của ruốc… và nhất là vị ngọt của xương bò. Hương vị giống bún bò quê mình nên tôi thường đến đây ăn”.

Nói về món bún bò Huế trên đất Đà Lạt và các nơi khác của tỉnh Lâm Đồng, nhiều người khen nhất vẫn là bún ở quán o Đàn, o Luống, Thiên Trang… Trên đường từ Đà Lạt đến sân bay Liên Khương để trở ra Huế, anh Ngô Văn Đức, một người con của Quảng Điền đang công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng giới thiệu và dẫn chúng tôi đến thưởng thức bún bò Huế tại quán Thiên Trang cơ sở 1 ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Có đến cả trăm khách trong quán. Chủ quán là chị Dương Hoàng Thiên Trang, quê ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) tay không ngừng múc bún cho khách. Có người mua cả 10 tô đưa mang về. Tranh thủ trò chuyện mới biết, chị gắn bó với nghề này đã 25 năm. Mỗi buổi sáng, quán bán khoảng trên 500 tô bún. 

Trong cái lạnh căm căm đầu ngày, bên tô bún nóng hổi với miếng khoanh giò ướp thấm trước khi hầm, thêm cả bò bắp, chả, huyết với dĩa rau sống có nhiều xà lách cà rốt thái nhỏ, chúng tôi xì xụp ngon lành. Lúc này tôi mới hiểu, tại sao có người lại cho rằng, nhiều quán bún bò Huế ở xứ sở sương mù ngon chẳng kém gì ở đất Cố đô.

Bài, ảnh: Bích Thùy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Return to top