ClockThứ Bảy, 30/07/2016 05:31

Mòn mỏi chờ di dời

TTH - Dù chính quyền TP. Huế đã nỗ lực trong chủ trương giải tỏa mồ mả ra khỏi các khu dân cư, nhưng tình trạng chôn cất và xây dựng lăng mộ trái phép trong nội thị vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp.

Âm dương” lẫn lộn

Lâu nay, nhiều ngôi mộ do người dân tự ý xây dựng “mọc” lên ngày càng nhiều tại các phường ven thành phố như: Thủy Xuân, An Tây, Thủy Biều, Hương Long… bất chấp lệnh cấm xây dựng lăng mộ trong nội thị của tỉnh và thành phố. Đơn cử, tại khu vực độn Án (phường Thủy Xuân), hàng loạt lăng mộ trái phép đang được xây dựng, sửa sang “công khai” ngay phía sau bảng cấm chôn cất, xây dựng mồ mả của UBND phường.

Nhiều ngôi mộ trái phép vẫn mọc lên ở đồi Bàu Hồ (P. Thủy Biều) 

Ở phường Thủy Biều, tình trạng xây dựng, cải táng lăng mộ “chui” cũng rất nhức nhối. Tại đồi Bàu Hồ (khu vực Trường Đá – P. Thủy Biều), đứng từ xa có thể thấy lăng mộ, bao gồm cả “mộ gió” nằm chi chít và bao quanh cả ngọn đồi. Với diện tích trên 40ha, hội đủ các tiềm năng về du lịch, đồi Bàu Hồ được đưa vào quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận đã được phê duyệt từ năm 2015 để làm điểm ngắm cảnh, thư giãn và du lịch sinh thái… nhưng nay bị “bỏ phí” vì chưa thể di dời, giải tỏa lăng mộ.

Nhiều người còn rất bức xúc vì phải đối mặt với tình trạng “âm dương lẫn lộn” khi mồ mả chỉ cách nhà dân từ 5-10m. Cá biệt, có nơi, nhiều người phải len lỏi qua các ngôi mộ mới vào được nhà. “Không hiểu tại sao lại có nhiều người vô ý thức bất chấp lệnh cấm, qua mặt chính quyền địa phương để chôn cất mồ mả ở sát khu dân cư như thế. Như gia đình tôi phải cương quyết lắm mới khiến một số người từ bỏ ý định đào huyệt ngay sau lưng nhà. Nghe đâu có dự án giải tỏa mồ mả, bà con cũng phấn khởi lắm nhưng chờ đợi lâu quá cũng chưa thấy động tĩnh gì ” – ông Võ Đại N., trú đường Huyền Trân Công Chúa (P. Thủy Xuân), cho biết.

 Những ngôi mộ “chui” xuất hiện nhiều dẫn đến hình thành những “nghĩa địa tự phát”, gây ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc và mỹ quan đô thị. Ngoài ra, còn có nguy cơ phát sinh các vấn đề vệ sinh môi trường, nguồn dịch bệnh, cũng như về an ninh trật tự, bởi các nghĩa địa này thường xuyên trở thành “bãi đáp” của nhiều con nghiện.

Cần giải pháp cụ thể, lâu dài

Nhiều năm qua, TP. Huế đã đầu tư nguồn lực cho chương trình giải tỏa mồ mả ra khỏi các khu dân cư và đạt được kết quả đáng ghi nhận.  Từ năm 2000 đến nay, chương trình di dời nghĩa địa đã giải tỏa ước đạt 70ha, với nguồn kinh phí 4,6 tỷ đồng. Những khu nghĩa địa cũ được di dời, “nhường” chỗ cho nhiều công trình văn hóa, công viên xuất hiện như: khu quy hoạch Bàu Vá, Lịch Đợi; khu tượng đài Quang Trung (núi Bân)… làm bộ mặt thành phố ngày càng khang trang, văn minh.

Tuy nhiên, con số mồ mả được giải tỏa còn khá “khiêm tốn” so với thực tế. Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân - Nguyễn Văn Hòa, chia sẻ: “ Trong khi tổng diện tích của phường có hơn 700ha thì đã có 100ha đất nghĩa trang. Với địa bàn lớn như vậy nên rất khó để quản lý. Đã có nhiều trường hợp bị bắt quả tang, đình chỉ thi công và lập biên bản khi đang đào bới, xây dựng nhưng khi “vắng bóng” lực lượng chức năng, họ lại tiếp tục xây dựng “chui” ”. 

Theo Chủ tịch UBND phường Thủy Biều - Hoàng Thăng Long, cái “khó” chung của các địa phương là mồ mả thuộc về yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân, “nghĩa tử là nghĩa tận” nên rất khó can thiệp. Không những thế, sự bùng phát dịch vụ phân lô, bán đất mồ mả “chui” cũng làm tình hình trở nên phức tạp”. 

Ngoài những yếu tố trên, nguyên nhân chính vẫn là sự buông lỏng quản lý từ các cơ quan chức năng, chưa bố trí được quỹ đất và nguồn lực đầu tư chưa đủ “mạnh” để giải tỏa, di dời. Việc triển khai đề án giải tỏa mồ mả ra khỏi khu dân cư là việc làm bức thiết nhằm tạo “đà” cho quy hoạch phát triển đô thị, cảnh quan… Vì vậy, bên cạnh việc những giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô, cần có lộ trình di dời, giải tỏa cụ thể. Từ đó, lập đề án phân kỳ đầu tư chi tiết, có cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia vào việc giải tỏa lăng mộ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho các thành phần kinh tế cùng tham gia. Bởi kinh phí dành cho quy hoạch hệ thống nghĩa trang là rất lớn, không chỉ để xây mộ mà còn xây nhà hỏa táng, hệ thống xử lý chất thải, trục giao thông, bãi đỗ xe, sân tưởng niệm…

“Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục yêu cầu các phường phải nắm bắt tình hình mai táng, kịp thời xử lý vi phạm, tránh trường hợp xây xong mới phát hiện. Sớm hoàn chỉnh kế hoạch, cơ chế hỗ trợ, vận động người dân trong việc di dời mồ mả và đưa ra các giải pháp hợp lý để đóng cửa các nghĩa trang nhỏ lẻ, tạo đà cho phát triển quy hoạch đô thị” – Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành thông tin. 

Diện tích đất lăng mộ của TP. Huế ước tính khoảng 600ha, nếu tính bình quân 3m2/mộ thì số lượng lên đến 2 triệu ngôi mộ. Theo quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, dự báo quỹ đất để phục vụ mai táng, cải táng của toàn thành phố đến năm 2020 là trên 76 ha.

Bài, ảnh: Thái Hùng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế

Sáng 23/3, tại Công viên Trịnh Công Sơn, UBND TP. Huế tổ chức lễ khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 78 năm Ngày truyền thống ngành Thể thao Việt Nam, 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2024.

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP Huế
Return to top