ClockThứ Sáu, 01/07/2016 05:06

Mong biển “lành” để ra khơi

TTH.VN - Có hướng xử lý kịp thời sau khi nguyên nhân cá chết chính thức được công bố để tiếp tục ra khơi đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm thủy sản ổn định là điều mà ngư dân trên địa bàn tỉnh đang mong đợi.

Đi dọc các “làng biển” từ Phong Điền về Phú Vang, Phú Lộc, tâm lý của ngư dân nơi đây đang dần ổn định sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường. Mấy ngày gần đây, nhiều người sử dụng cá biển trở lại nên ngư dân đánh bắt gần bờ đã bắt đầu trở lại với nghề. Giá các loại cá biển mặc dù vẫn còn thấp so với trước song cũng đang nhích dần lên. 

Ngư dân Trương Viết Hùng (thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) tâm sự: “Hơn tháng qua, nhờ Nhà nước hỗ trợ tiền, gạo nên bớt phần khó khăn, không xảy ra thiếu đói. Mấy ngày nay, người dân đã bắt đầu ăn cá biển (đánh bắt gần bờ), cũng như hải sản gần bờ vẫn còn dồi dào nên tâm lý, cuộc sống dần ổn định”.

Ngư dân bãi ngang Phú Thuận chuẩn bị ra khơi

Thuyền của anh Hùng chỉ 12 CV, đánh bắt tầm 5 hải lý trở vào. Chừng 10 ngày nay, hầu như ngày nào thuyền của anh cũng đi biển. Anh Hùng thông tin, các loại hải sản gần bờ như nục, me, cá cơm, thởn, mó, mực ống… rất nhiều. Mỗi chuyến đánh bắt chỉ từ nửa ngày đến một ngày có thể thu được vài chục ký hải sản. Giá cá, mực hiện nay tuy vẫn chưa cao, chỉ bằng 60-70% so với trước, nhưng cũng mang lại thu nhập cho ngư dân mỗi ngày trên dưới 500 ngàn đồng. “Chỉ mong biển lành để bà con yên tâm ra khơi”, ngư dân Hùng trải lòng.

Gắn bó với với nghề biển mấy chục năm nay, ngư dân Phạm Bé ở xã Phú Thuận không có nghề nào khác. Từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. “Mấy ngày này, thấy cá tiêu thụ trở lại nên  tui thấy rất vui. Mỗi ngày đánh bắt thu được vài trăm nghìn đồng, ngày nhiều được thu nhập cả triệu đồng. Mới đây, vợ chồng tôi mạnh dạn vay ngân hàng 20 triệu đồng, mua thêm lưới đánh bắt cá mó, trích, nục…”, ngư dân Phạm Bé niềm nở.

Trong cuối tháng 4 vừa qua, nhiều ngư dân Phú Thuận phấn khởi khi được mùa cá đục. Không ít những ngư dân đã “thức thời” mua sắm thêm lưới đục để tham gia đánh bắt gần bờ. Ngư dân Nguyễn Dĩnh (thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) cho hay: “Thông thường mọi năm, cá đục đến vụ cuối tháng 3, đầu tháng tư, dù nhiều thì mỗi ngày cũng đánh bắt tầm 10-15kg/ thuyền nhỏ gần bờ. Năm nay, cá đục xuất hiện nhiều, bình quân mỗi thuyền kiếm được 70-100kg/chuyến, với giá bán 60 nghìn đồng/kg, hộ gia đình tui cũng kiếm được mấy chục triệu đồng”.

Nhiều ngư dân cho biết, cá đục xuất hiện trở lại với số lượng lớn, kéo dài hơn một tháng không chỉ mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân bãi ngang mà còn cho ngư dân hy vọng về một mùa biển “đang lành”. Nhiều ngư dân sau vụ cá đục, tiếp tục ra khơi với nhiều loại hình đánh bắt khác nhau, tiếp tục nghề truyền thống.

Niềm vui sau một chuyến đi biển

Mong mỏi của ngư dân hiện nay là sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết ở các tỉnh miền Trung sẽ tiếp tục có sự định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa nghề, ngư cụ cho ngư dân để tiếp tục vươn khơi. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - Nguyễn Quang Dân nói: “Những ngày qua, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân ổn định tâm lý, không hoang mang khi tiếp nhận được thông tin nguyên nhân cá chết. Sau khi chính thức công bố nguyên nhân, xã sẽ có kế hoạch hỗ trợ, đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, chế biến hải sản, nước mắm là các ngành nghề chính được địa phương định hướng, khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất.

Bán cá ngay tại bãi biển

Tại  “xã biển” Phú Diên - nơi có trên 200 phương tiện đánh bắt gần bờ của hàng trăm ngư dân bãi ngang, cũng là nơi chịu tác động khá mạnh kể từ sau vụ cá chết, anh Nguyễn Văn Thanh, thôn Diên Lộc (xã Phú Diên) cho rằng, nếu hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở vào an toàn thì cần có thông tin rộng rãi bởi khá nhiều ngư dân theo nghề bãi ngang, đánh bắt gần bờ đang ra khơi trở lại. Còn trong trường hợp không thể sử dụng an toàn thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, cho ngư dân vay vốn mua sắm lưới cụ, cải hoán ghe, gọ để đánh bắt xa hơn (ngoài 20 hải lý).

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho hay: “Hiện nay tâm lý một bộ phận người tiêu thụ hải sản vẫn còn e ngại nên việc đánh bắt gần bờ của các ngư dân địa phương phần nào bị ảnh hưởng. Vì vậy, sau khi có thông tin chính thức từ việc cá chết, việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn cần được duy trì và thường xuyên để người dân yên tâm tiêu thụ”. 

Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Minh Đức cho biết, ảnh hưởng đợt cá chết bất thường thời gian qua, Sở đã xây dựng dự thảo đề án khôi phục và phát triển sinh kế cho ngư dân. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ tiêu thụ thủy, hải sản cho ngư dân; hỗ trợ nâng cao năng lực đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để vươn khơi; có chính sách hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống cho ngư dân…

Bài, ảnh: Triều- Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Return to top