ClockThứ Tư, 10/08/2016 14:13
MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC KIỂU MỚI Ở TRƯỜNG THCS VINH PHÚ:

Mong mỏi của nhiều học sinh

TTH - Năm học 2015 – 2016, Trường trung học cơ sở (THCS) Vinh Phú (Phú Vang) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai mô hình trường học kiểu mới (VNEN) đã có từ cấp tiểu học.

Học sinh có nhiều kỹ năng sống khi được học mô hình trường học kiểu mới

Vượt khó

Năm học 2012 – 2013, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm mô hình trường học kiểu mới cho cấp tiểu học bắt đầu từ lớp 2 tại một số địa phương, như TP. Huế; các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… . Năm học 2015 – 2016, khóa học đầu tiên chuyển cấp, hầu hết học sinh các trường đều bị phân tán, riêng 100% học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vinh Phú chuyển cấp lên Trường THCS Vinh Phú. Đây là điều kiện thuận lợi để Sở GD&ĐT chọn Vinh Phú là đơn vị tiếp tục triển khai mô hình trường học kiểu mới ở cấp THCS.

Tiếp nhận 2 lớp, với 70 học sinh đang theo học chương trình VNEN, Trường THCS Vinh Phú không vất vả trong việc phát huy những mặt tích cực của mô hình này. Nhà trường có đội ngũ giáo viên trẻ, hầu hết đều muốn được tiếp cận đổi mới trong dạy và học nên hăng hái tham gia các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức. Khó khăn là cơ sở vật chất chưa đảm bảo, cần tăng cường thêm phòng học; phụ huynh chịu áp lực với các khoản đầu tư phụ trội so với các lớp học bình thường như tiền mua sách giáo khoa gấp đôi, học sinh có nhu cầu tài liệu tham khảo nhiều.

Để tổ chức 2 lớp học cả ngày, nhà trường phải chuyển các lớp phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi sang phòng học mượn tạm của Nhà Văn hóa cộng đồng xã; đồng thời, huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để đầu tư lớp học và bù lỗ các khoản phụ trội.

Mong muốn được học tiếp mô hình mới

Sinh hoạt theo nhóm trong lớp học, cùng nhau thảo luận, giáo viên chỉ là người hướng dẫn... cách học này giúp học sinh yếu, kém tiếp thu kiến thức từ bạn bè nhẹ nhàng; học sinh khá giỏi có cơ hội thể hiện khả năng, phát huy tính sáng tạo; giáo viên giảng bài theo cách trò chuyện, tạo sự gần gũi giữa thầy và trò, giảm nhiều áp lực so với cách “thầy giảng, trò nghe”. Mô hình cho thấy, ngoài dễ dàng tiếp nhận kiến thức cơ bản, học sinh còn được trang bị nhiều kỹ năng sống, tự tin hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Thầy Trần Đức Đông, giáo viên môn địa lý Trường THCS Vinh Phú chia sẻ: “Để trả lời những thắc mắc của học sinh, giáo viên phải tự nâng cao kiến thức toàn diện. Tuy cường độ công việc nhiều hơn, nhưng được chủ động trong mỗi tiết dạy, có điều kiện phát huy sự sáng tạo trong bài giảng; đồng thời, có thời gian nắm rõ năng lực để bổ sung kiến thức cho từng học sinh, tạo cảm giác hứng thú cho thầy cô giáo”.

Mỗi năm học, chưa kể những khoản đầu tư cứng mà các trường tiểu học tham gia mô hình VNEN nhận được, như máy photocopy, trang thiết bị dạy học… thì mỗi trường còn được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng/năm để phục vụ chi phí chuyên môn như: tài liệu sách cho giáo viên, tăng cường thiết bị dạy học… Các nguồn tài trợ này không thực hiện với cấp THCS.

Em Nguyễn Thanh Vân, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vinh Phú, tâm sự: “Con được học mô hình VNEN từ lớp 2 nên đã quen cùng các bạn và cô giáo trao đổi kiến thức trong môi trường thân thiện, nhất là việc được thay nhau hoạt động trong Hội đồng tự quản. Con chỉ mong lên lớp 6 tiếp tục được học mô hình này”. Đó cũng là suy nghĩ của nhiều học sinh Trường tiểu học Vinh Phú đang được học theo mô hình VNEN mà chúng tôi có dịp khảo sát. Thế nhưng, đã là những ngày đầu tháng 8, chuẩn bị bước vào năm học mới, nhưng Ban Giám hiệu Trường THCS Vinh Phú vẫn thấp thỏm chờ quyết định về việc có hay không tiếp tục triển khai mô hình trường học kiểu mới với học sinh lớp 6 để có công tác chuẩn bị.

Hiệu trưởng nhà trường, ông Mai Xuân Phước cho biết: “Triển khai mô hình này. Nhưng để nhà trường ‘đơn thương độc mã’ vượt khó là điều ngoài khả năng.”. Ông Phước cho biết, năm học vừa qua, việc triển khai mô hình trường học mới, ngoài bố trí lại phòng học, nhà trường phải đầu tư hàng chục triệu đồng cho kinh phí phục vụ chuyên môn, nhưng chỉ được xã hỗ trợ 5 triệu đồng. Tuy nhiên về khoản này, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa. Khó khăn nằm ngoài khả năng là việc bố trí phòng học, mượn nhà văn hóa cộng đồng xã chỉ là giải pháp tạm thời, cho nên việc nhà trường không đủ lực là điều dễ thấy.

Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, nhận định: “Với những ưu điểm của mô hình trường học kiểu mới, phòng không chỉ mong được tiếp tục triển khai mà thậm chí nên nhân rộng. Kinh phí đầu tư thực ra chỉ khó với cấp trường. Nếu có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của xã hội thì việc tiếp tục triển khai mô hình trường học kiểu mới sẽ không còn nan giải”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

'Báo cáo VNEN khác xa thực tế'

"Báo cáo đánh giá VNEN ở những tỉnh thành nào? Số lượng mẫu để đánh giá là bao nhiêu?​ Cộng đồng nào đón nhận rất lớn, đề nghị nêu cụ thể".

Báo cáo VNEN khác xa thực tế
Bước trưởng thành ở một chi bộ trường học

Chi bộ Trường THCS Vinh Phú (huyện Phú Vang) thành lập năm 2009 với 3 đảng viên. Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong trường học, Chi bộ nhà trường đã quan tâm bồi dưỡng, phát triển đảng viên để làm nòng cốt xây dựng ngành giáo dục tại địa phương.

Bước trưởng thành ở một chi bộ trường học
Bộ GDĐT thừa nhận triển khai VNEN còn “nóng vội, máy móc”

Ngày 18/8, Bộ GD - ĐT gửi công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2016-2017. Theo đó, Bộ GD – ĐT lần đầu tiên thừa nhận nhiều bất cập của VNEN, xin rút kinh nghiệm và đề nghị các địa phương triển khai trên tinh thần tự nguyện.

Bộ GDĐT thừa nhận triển khai VNEN còn “nóng vội, máy móc”
Return to top