Thể thao

Mong một kết thúc có hậu

ClockThứ Sáu, 03/07/2015 16:31
TTH - VĐV là một nghề có tuổi thọ ngắn. Và khi giã từ sân tập, hiếm ai kiếm được cho mình một công việc ổn định để đảm bảo cho tương lai…

Một miếng giữa làng…

Trở về từ SEA Games 28 cùng 1 HCĐ (100m rào), 1 HCB (tiếp sức 4x100m), Yến Hoa đã ghi được dấu ấn trong lòng người hâm mộ Cố đô. Tuy chưa thể bằng đàn chị Đỗ Thị Bông nhưng điều quan trọng là tuổi đời Hoa còn khá trẻ (sinh năm 1990) và theo như đánh giá của HLV tuyển điền kinh quốc gia thành tích của Hoa tại SEA Games 28 chưa phải là giới hạn cuối cùng trong sự nghiệp.

Phước Thành trên bục nhận HCV tại giải vô địch karatedo Đông Nam Á 2014

Tuy chưa đủ điều kiện để tham dự SEA Games nhưng với sự “mát tay” của HLV Đinh Văn Kiên, nhiều năm qua, tuyển vật Huế xuất hiện nhiều cá nhân nổi bật. Tính từ 2013 đến nay, tuyển vật Huế có không dưới 10 VĐV giành hàng chục HCV quốc tế, trong số đó, điển hình là 2 VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Huệ vô địch liên tiếp 3 năm liền (2013, 2014, 2015) tại các giải vô địch trẻ Đông Nam Á.

Không hoành tráng bằng nhưng ở bộ môn karatedo, Bùi Phước Thành với tấm HCV Đông Nam Á 2014 và Văn Sửu, HCV giải vô địch karatedo Hàn Quốc mở rộng 2013 cũng góp phần giúp thể thao Thừa Thiên Huế nâng cao vị thế của mình trên bản đồ thành tích quốc gia.

Điểm qua để thấy, tuy “vẫn chưa là gì” so với những VĐV nổi bật tại SEA Games 28 hay ASIAD như Ánh Viên, Lâm Quang Nhật, Vũ Thành An, Nguyễn Thị Huyền, Đỗ Thị Thảo, Lê Trọng Hinh… nhưng ở cấp độ địa phương, đây là những thành tích xứng đáng được ghi nhận. Dẫu vậy, HLV các bộ môn nói trên đều cho rằng, sự động viên của địa phương đối với những VĐV này vẫn chưa kịp thời, nếu không muốn nói là không có.

Theo quy định, VĐV đạt huy chương quốc tế đều nhận được mức khen thưởng từ phía Tổng cục TDTT và địa phương chủ quản không có trách nhiệm về vấn đề này. Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, hiếm có địa phương nào không khen thưởng VĐV sau khi giành huy chương quốc tế.

Khoan nói đến vật chất, khi được tuyên dương, khen thưởng, không chỉ bản thân VĐV mà các phụ huynh cũng thấy “sướng” khi con em mình được lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương bày tỏ sự quan tâm, ghi nhận sau những cống hiến cho quê hương. Tiếc là lâu nay, Huế vẫn còn cứng nhắc trong vấn đề này – HLV tuyển vật Đinh Văn Kiên nhìn nhận.

Tương tự, HLV karatedo Huế Lê Văn Lộc cũng cho rằng, sau khen thưởng của Tổng cục TDTT, những động thái của địa phương đối với VĐV chính là yếu tố quan trọng, không chỉ kịp thời động viên, cỗ vũ VĐV có thành tích xuất sắc mà còn là động cơ để các lứa VĐV kế cận phấn đấu, cống hiến hết mình cho thể thao tỉnh nhà.

Lo lắng chuyện tương lai

Bà Lương Thị Bạch Yến – Trưởng Bộ môn điền kinh nói rằng, với thực trạng đang thiếu nhân tài, Yến Hoa là một bổ sung cực kỳ hợp lý cho tuyển điền kinh Huế. Hiện bộ môn điền kinh đang đề xuất cho Yến Hoa được ký hợp đồng dài hạn, tiến tới kiêm luôn HLV. Nếu được, đây xem như vừa để ghi nhận những thành tích tại SEA Games 28, vừa tạo điều kiện để Hoa nỗ lực cống hiến hơn nữa cho thể thao tỉnh nhà.

Nhưng đó là “nếu được”, và không phải VĐV nào cũng được như Yến Hoa.

Ở môn bóng đá, vài mùa giải qua, nòng cốt của tuyển bóng đá tỉnh được xây dựng trên cơ sở lứa U17 và U19. Với việc Huế luôn là một trong những ứng cử viên sáng giá cho suất thăng hạng V-League đã chứng tỏ, tuy chưa bì được với một số “lò” đào tạo của Nghệ An, Hà Nội… nhưng so với mặt bằng chung trên toàn quốc thì Huế là địa phương khá thành công trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ.

Nhưng bên cạnh tự hào, bóng đá Huế cũng có không ít nỗi niềm. V-League là sân chơi mà bất cứ cầu thủ Việt Nam nào cũng hướng đến và cầu thủ Huế cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với những lý do “không nói ra thì ai cũng biết” khiến đội bóng cứ quanh quẩn ở giải hạng Nhất, chỉ e không chóng thì chầy, những chân sút hiện tại của bóng đá Huế lại như các đàn anh (Tuấn Tú, Ngọc Luận, Cảnh Lâm…) ra đi tìm bến đỗ mới để tìm kiếm cơ hội phát triển. Và điều này khiến lớp cầu thủ đàn em ít nhiều mất đi động lực phấn đấu khi nhìn về tương lai phía trước.

Có thể bây giờ các em chưa suy nghĩ nhiều, chỉ biết tập luyện, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, nhưng đến khi tài năng và suy nghĩ đủ độ chín, liệu các em có chịu “chôn chân” suốt đời ở sân chơi hạng Nhất, có chịu gắn bó với nghiệp thể thao, ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó đoàn Bóng đá Huế bộc bạch.

Những môn như vật, karatedo, taekwondo, cờ vua… cũng vậy. Khi nói về tương lai của mình, hầu hết các VĐV đã và đang có thành tích chỉ cười cười: “Em cũng chưa biết tính sao…”.

Động viên kịp thời và bảo đảm tương lai cho các VĐV là 2 vấn đề nói khó thì khó nhưng nói dễ thì cũng dễ. Quan trọng là những người làm thể thao có “chịu” nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để từ đó mở ra một kết thúc có hậu cho VĐV hay không mà thôi, bà Lương Thị Bạch Yến chia sẻ.

Hàn Đăng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m

Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2024 do Tổng cục Thể dục - Thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức, chính thức được khởi tranh ngày 28/3, tại bể bơi Trung tâm Thể thao tỉnh.

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m
Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn

Sau một tuần tranh tài sôi nổi, Giải vô địch các Câu lạc bộ Vật tự do, Vật cổ điển quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã khép lại. Kết thúc nội dung vật tự do nữ, đoàn Thừa Thiên Huế đã xuất sắc vượt lên xếp thứ nhất toàn đoàn.

Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn
Return to top