ClockThứ Năm, 01/11/2012 11:31

Một cách nhìn cuộc đời của Lãng Hiển Xuân

TTH - Lãng Hiển Xuân không phải là cây bút mới, nhưng đến nay anh mới cho công bố cuốn sách đầu tay - tập “Điểm nhìn”, chỉ với 7 truyện ngắn. Sự thận trọng, khiêm tốn của tác giả cùng nhan đề tập truyện gợi nhiều suy nghĩ, có lẽ là sức hút đầu tiên của Điểm nhìn đối với độc giả.

Đối với nhà văn, “điểm nhìn” – nói rõ hơn là cách nhìn cuộc đời của tác giả là một yếu tố quan trọng tạo nên phẩm cách và nét riêng của tác phẩm. “Điểm nhìn”, truyện ngắn được tác giả lấy làm tên cho cả tập sách, là truyện đặc sắc hơn cả, đồng thời thể hiện cách nhìn cuộc đời không hời hợt, cũng không “chụp giật” những chuyện giật gân câu khách rẻ tiền, mà cẩn trọng, tỉ mỉ đi sâu vào lòng người, quan tâm đến những số phận thua thiệt. Có thể nói đó là một cách nhìn đậm chất nhân văn, yếu tố quan trọng đầu tiên của người cầm bút. “Điểm nhìn” có cốt truyện khá đơn giản: Một sinh viên mỹ thuật nghèo, thấy tờ bạc 50 ngàn rơi nơi cổng bệnh viện và cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra dai dẳng. “Có nên lấy không? Liệu có ai thấy không?” Rút cục, khi anh cúi nhặt thì có một phụ nữ giành lấy và bảo là của mình. Và thật bất ngờ, mụ ta đã cài bẫy một chỉ vàng giả trong đồng tiền đó… Câu chuyện diễn ra có lẽ chỉ vài chục phút, nhưng độc giả có cảm tưởng như đã “sống” với hai số phận lam lũ – hơn thế, với nhiều số phận, nhờ thủ pháp miêu tả lặp lại nhiều lần cái nhìn của chàng sinh viên nghèo với nhiều đôi chân bụi bặm qua lại nơi đồng tiền bị đánh rơi – những số phận không may mắn ngày ngày phải vật lộn trong cuộc mưu sinh giữa hai bờ thiện-ác. Cả hai nhân vật đều có hành vi đáng trách, nhưng nhờ cách nhìn nhân văn của tác giả, độc giả không căm ghét họ, mà thông cảm và muốn chia sẻ. Có lẽ chính là với tinh thần đó, tác giả dành cho cậu sinh viên một “phần thưởng” vào cuối truyện – bán được bức tranh đầu tiên trong đời, nhờ phút “lóe sáng” kịp bổ sung chi tiết hình tờ bạc 50 ngàn vào góc bức tranh.

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: T.Ninh

Nhân vật chính trong một số truyện khác cũng là người thua thiệt – thua thiệt và không may mắn vì sống “khác người”, như một “Gàn sĩ” không chịu hy sinh nghệ thuật và làm nô lệ đồng tiền, nhưng đã dám lao vào chặn bọn cướp xe để rồi bị trọng thương. Một lão “nhà thơ” nát rượu, ăn mặc rách rưới lại được sở hữu một tình yêu với những bài thơ đẹp và đã “chết trong sạch sẽ đến bất ngờ”… Tác giả không cao giọng “lên lớp”, cũng tránh được việc phân chia nhân vật “tốt-xấu” một cách đơn giản, hầu hết các truyện trong Điểm nhìn đều viết ở ngôi thứ nhất (“tôi” là một nhân vật trong truyện). Đây là một thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo độ tin cậy cho độc giả và cũng là cách tác giả bộc bạch cách nhìn đời của mình, nhờ đó, đã thu hẹp khoảng cách giữa tác giả và độc giả.

 Tôi không phải là người có kinh nghiệm viết truyện ngắn, nhưng có cảm giác ở một số truyện, tác giả chưa làm chủ được đề tài, còn hơi tham kể chuyện, trong khi truyện ngắn hiện đại nhiều khi “không có chuyện”, hoặc chỉ chọn một “lát cắt” đặc biệt trong cuộc sống để gửi gắm ý tứ (mà thuật ngữ nghiên cứu văn học thường gọi là “chủ đề”). Theo tôi, truyện “Hắn và Julia” thuộc dạng đó. Một câu chuyện có nhiều kịch tính – hai người “con hoang” là bạn thân, cùng yêu một cô sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học tập, khi nhân vật “tôi” nhường cho bạn và họ sắp kết hôn thì không ngờ bạn và Julia lại là anh em cùng cha khác mẹ… Mỗi “phân khúc” chuyện đời của hai nhân vật, nếu khai thác sâu, đều có thể viết thành một truyện ngắn.
 
Hy vọng là với kinh nghiệm có được sau cuốn sách đầu tay, tác giả sẽ thêm những tác phẩm mới để lại được ấn tượng trong lòng bạn đọc như truyện “Điểm nhìn”.
 
Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top