ClockThứ Năm, 15/08/2013 14:39

Một công trình công phu và bổ ích

TTH - Từ lâu, Trường Quốc học Huế đã nổi tiếng là một ngôi trường có truyền thống lâu đời, là cái nôi đào tạo nên rất nhiều nhân tài của đất nước. Nhiều sách báo đã giới thiệu về ngôi trường có lịch sử hơn trăm năm này, nhưng cuốn sách “Quốc học Huế xưa & nay” gồm hai tập, dày 1.612 trang khổ lớn là công trình đồ sộ và công phu nhất từ trước đến nay. Bộ sách do các tác giả Trần Phương Trà (chủ biên), Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Xuân Hoa, Phạm Khắc Lãm, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục biên soạn, NXB Văn hoá Thông tin vừa ấn hành trong tháng 8 này.

Bộ sách có giá trị về nhiều mặt. Chỉ kể đến số lượng tư liệu mà các soạn giả cung cấp cho bạn đọc đã thấy đây là một công trình lớn: Qua 1.612 trang sách, trong đó có 24 trang ảnh màu, độc giả sẽ được tiếp cận 850 mục từ với tiểu sử và hình ảnh thầy trò cũ - đặc biệt, có 100 cặp vợ chồng “Trường Anh” - “Trường Em” (Quốc Học-Đồng Khánh) – 1.460 ảnh, 133 bài viết, hồi ký, 155 bài thơ, 20 bản nhạc, 15 bức tranh, tượng, ảnh (trong đó có những tác phẩm nổi tiếng của họa sĩ Lê Văn Miến, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Điềm Phùng Thị, Bửu Chỉ…), 40 bìa sách, đặc san đã được in trong những dịp kỷ niệm ngày thành lập trường từ nhiều năm trước; cuốn sách còn giới thiệu một số tư liệu cá nhân của các cựu học sinh Quốc học như bút tích, bản sao học bạ, giấy giá thú, lệnh bắt… Với một khối lượng phong phú như thế, các mục từ được sắp xếp theo vần A, B, C…, có thể nói bộ sách gần như là một cuốn từ điển sinh động về Trường Quốc học Huế với tuổi thọ gần 120 năm.

Do vị trí của Huế trong lịch sử đất nước, Trường Quốc học Huế trở thành nơi hội tụ danh tài cả ba miền Bắc-Trung-Nam – những thầy giáo ưu tú nhất đã đành, mà còn rất nhiều học sinh từ Trường Quốc học Huế ra đi đã trở thành nhân tài đất Việt. Vì thế, có thể nói, hầu hết những tên tuổi lớn của đất nước trong hơn một thế kỷ qua đều hiện diện trong bộ sách quý này; từ Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Sinh Côn) đến Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Lân, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận, Tôn Thất Tùng… Một danh sách dài khó có thể kể hết, những con người đã làm rạng danh đất Việt.

Mảng hồi ký, tư liệu và những tác phẩm văn học nghệ thuật in trong bộ sách lại có giá trị góp phần dựng lại đời sống cụ thể và bộ mặt tinh thần của nhiều thế hệ qua những khúc quanh của lịch sử đất nước. Chỉ qua vài dòng trong hồi ký “Khóa bản lề Trường Trung học Khải Định Huế” của bác sĩ Bùi Minh Đức viết về giai đoạn sau ngày “Nhật đảo chính” (9-3-1945) đã thấy ngôi trường danh tiếng này cũng vượt qua lắm nỗi gian nan để có ngày lớn mạnh như hôm nay:

“…Vài tháng sau, quả nhiên thấy lính Tàu “gồng gánh qua giải giới quân Nhựt, lúc nhúc như troi, đem theo “gãi ngứa” cùng chí rận, lận theo bạc Quan Kim “vô giá” rồi lại chiếm là cả ngôi trường Khải Định của chúng tôi, bắt buộc chúng tôi phải nhường chỗ để vào học trong Đại Nội, chỗ vua chúa ở ngày xưa. Thiệt là đại họa nhãn tiền! Cái “khóa bản lề” của chúng tôi quả thật lao đao. Lên thấu lớp Đệ nhị niên (tức Đệ lục bây giờ) thì trường sở lại dời về Trường Việt Anh. Học được vài tháng thì có lệnh tản cư…”

Hình ảnh hơn một trăm cặp vợ chồng “Trường Anh - Trường Em” (trong đó có những “cặp đôi hoàn hảo” lừng danh như nhà sử học Đào Duy Anh - bà Trần Thị Như Mân, tướng Cao Văn Khánh - Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Phước Ngọc Toản, rồi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh…) cùng nhiều gia đình “toàn gia” xuất thân từ Quốc học Huế đều là những con người thành đạt không chỉ gợi nhắc những kỷ niệm êm đẹp “thời học trò” của rất nhiều người nổi tiếng mà còn chứng tỏ ngôi trường đã tạo ra một môi trường văn hoá - giáo dục mẫu mực.

Đọc bộ sách về ngôi trường nổi tiếng này vào lúc một năm học mới sắp bắt đầu, chúng ta hy vọng đội ngũ thầy giáo, học sinh thế hệ hôm nay sẽ phấn đấu theo gương những người đi trước, vừa “dạy giỏi, học giỏi”, vừa coi trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách để đào tạo ra lớp người đáp ứng được những yêu cầu của đất nước trong thời đại mới…

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

TIN MỚI

Return to top