ClockChủ Nhật, 20/09/2020 10:48

Một cuộc hôn nhân

TTH - Lúc Thảnh về đến nhà má, trời đã chạng vạng. Cả căn nhà chìm trong thứ ánh sáng mờ mờ. Con vện nhìn thấy Thảnh thì vẩy đuôi mừng quấn quýt, cứ nhảy bổ hai chân lên người Thảnh. Thằng con được Thảnh địu trước ngực vẫn còn thiu thiu ngủ, bị con Vện đụng trúng liền khóc ré lên vì hoảng.

Trăng trên đỉnh đồiNgười yêu quê

Bà Liên đang nằm đu đưa hóng gió nơi cái võng đặt trước hiên, tưởng chồng về. Bà đứng dậy quơ chân mang đôi dép, lẹt xẹt ra sau hè. Thấy con gái, bà có vẻ ngạc nhiên. “Ủa, sao lên tối thế?”. Khi cặp mắt già nua đụng phải chiếc va ly to đùng còn nằm chình ình trên xe Thảnh, bà hơi bất ngờ. Thảnh có vẻ bơ phờ, hai con mắt vẫn còn đỏ quặc, sưng húp. Mấy câu hỏi vừa trồi lên khỏi cổ bị bà dằn lại, nuốt vội xuống. “Đã ăn tối chưa? Lên nhà ngồi đi, má dọn cơm cho bây”.

Thảnh ẵm thằng con đặt lên giường. Thằng nhỏ lăn qua lăn lại mấy cái rồi ngủ tiếp. Trong nhà tối thui. Sau khi dém mùng cẩn thận cho con trai, Thảnh mới ra trước bật công tắc điện. “Chạng vạng muỗi nhiều lắm, sao má không bật đèn trong nhà. Lỡ muỗi chích, bị sốt xuất huyết thì khổ”, Thảnh nói với bà Liên. Như chợt nhớ ra, cô đưa mắt nhìn quanh. “Ba đi đâu mà giờ chưa về hả má?”. “Đi nhậu chứ đi đâu”. Má Thảnh trả lời tỉnh queo. “Hôm trước ổng nhậu say, may mà còn biết bỏ xe ở quán đi bộ về nhà. Ổng nằm nguyên ngày, uống hết mấy hũ nước yến mới khỏe lại. Vậy mà hôm nay điện thoại vừa reo là xách xe chạy ngay”.

Mỗi lần có con gái về, trong nhà bà Liên mới rổn rảng tiếng nói chuyện. Bình thường, bà chẳng thèm nói với ông một câu. Để coi, từ hôm ông Hùng cho bà hàng xóm sang chặt đám củi trước nhà, thì má Thảnh đâm ra ghét ông tợn. Cây vú sữa trước nhà gãy đỗ. Sau khi cưa lấy gỗ, đám cành cây bà gom lại ở biền đất trước sông, định hôm nào thư thư hãy xuống chặt. Sáng đó má Thảnh đi chợ về, liền thấy bà hàng xóm đang lù lù đứng trước ngõ nhà mình chặt củi. Chồng bà kêu người ta đến cho chặt. Má Thảnh ôm một bụng tức, nuốt mãi không trôi. Mỗi lần nhà hết củi, bà phải vô tận rẫy để mót. Đôi chân già nua muốn đi không nổi. Vậy mà củi nằm ngay trước nhà, ông đã không chặt giúp, còn đem cho hàng xóm.

Cơm nước xong xuôi, má con Thảnh lại ra ngồi trước hiên hóng gió. Đêm mùa hè oi nồng đến khó chịu. May mà nhà Thảnh nằm ngay bên con sông. Gió đêm từ triền sông thổi lên, mát rười rượi. “Lần này bồng con đi, mang theo cả cái vali to đùng thế kia, là sao?”. Bà Liên hỏi con gái. “Má, cho con ở đây với má ít bữa nghe”. “Nhà của má, cũng là nhà của bây, muốn ở bao lâu thì ở. Ở luôn đây cả đời cũng được”, má Thảnh nói, giọng trầm trầm. “Con cũng có nhà riêng mà”, Thảnh cãi, rồi chêm thêm một câu: “Nhưng ở nhà má vẫn thích hơn”. Thảnh cười. Bà Liên nhìn nụ cười của con gái mà thấy lòng xon xót. Thảnh là đứa hay cười. Mỗi lần con gái bà cười lên, đôi con mắt cũng cong cong rất ưa nhìn. Vậy mà bây giờ, mỗi lần Thảnh cười, bà lại thấy khó coi vô cùng.

***

Thảnh hay ngồi nghe má kể chuyện hồi trẻ. Có những chuyện má đã quên. Nhưng có những chuyện, má cứ nhớ hoài, có muốn quên cũng không quên được. Ví như chuyện má lấy ba làm chồng. Hồi đó, hội bạn gái của má, ai cũng mê ba. Ba không đẹp mà đào hoa ghê gớm. Má chẳng thích mấy người đào hoa. Vậy mà chả hiểu sao, má với ba lại bị số phận run rủi đẩy về chung một nhà.

Mỗi lần nghe má đổ cho số phận, Thảnh lại cười to. “Số phận gì má ơi! Không phải tại mấy quả na, quả ổi, giáng châu trong vườn bà nội hả? Má cũng dễ bị mua chuộc quá đi”. 20 tuổi, má đã làm chủ tiệm may ngay chợ quận. Bà nội mỗi lần qua sông đi chợ, đều gói ghém mấy thứ trái cây chín ngon ngọt nhất trong vườn, mang cho má. Má nói, không hiểu sao bà nội thương má lắm, cứ muốn má về làm dâu trong nhà. Khi bà nội hỏi cưới má cho ba, má liền gật đầu đồng ý. Má bảo, duyên số nó vậy.

Hôm trước ngày cưới, má một mình chạy xe từ chợ quận về trung tâm thành phố làm tóc. Từ nhà về phố hơn chục cây, má đi một mình. Ba lúc đó còn bận chia tay với mấy cô bạn của má. Những cô bạn trước giờ vẫn mê ba như điếu đổ. Má bảo, lúc má dắt xe ra khỏi cửa, còn nhìn rõ cảnh cô bạn mình ôm ba khóc. Má nhớ rõ chuyện đó, vì hôm ấy làm tóc xong, má chạy xe lên nhà, gió ngoài đường tạt miết vào mặt, khiến tóc má vừa uốn xong ở tiệm, cũng bay tung tóe, hư hết nếp. Không biết có phải tại gió không, mà hai mắt má cũng cay xè, đỏ hoe.

Má bắt đầu giận ba, là từ hồi má sinh anh hai. Má còn nhớ rõ, hôm đó đến ngày dự sinh, ba đưa má đến bệnh viện. Nữ hộ sinh nói, sản phụ nhập viện, phải 15 ngày mới được xuất viện. Vậy là ba đi một lèo nửa tháng sau mới ghé bệnh viện đón má, chẳng cần biết má sinh con trai hay con gái. Mà chỗ ba làm việc, chỉ cách bệnh viện đâu chừng hai chục cây số.

Má nằm một mình trong bệnh viện, chỉ có bà ngoại lủi thủi chăm sóc. Bà ngoại ban ngày đi làm, tối mới ghé lại. Mấy người cùng phòng với má, thấy má chỉ có một mình, nghĩ má chửa hoang, cứ thì thầm chỉ trỏ, nhìn ngó suốt ngày. Má tủi thân, khóc miết.

Mỗi lần nhắc chuyện này, ba hay bảo, hồi đó tại ba bận quá, với lại chiến tranh, đạn bom khắp nơi, không ghé về được. Má liền trề môi, xùy xùy một hơi dài. “Tui đẻ con, ông không thèm ngó ngàng, mà con Sài nó đẻ, sao ông kêu tui đi thăm?”. “Ờ, thì tui thấy nó một mình cui cút, nên mới kêu má bây đến xem sao cả tội”. “Vậy hồi tui sinh, sao ông không thấy tội”. Vậy là ba im re.

“Con Sài” mà má nói, là người ba có qua lại hồi mấy lúc ba xa nhà. Rồi người ta có con. Ba nói không phải con mình, nhưng tại ba đã từng qua lại, nên cứ nhận vơ cho đứa trẻ có cha. Ba nói ba chỉ chơi qua đường, chứ má với hai anh em Thảnh mới là quan trọng nhất. Vậy mà má cũng tin.

Má lặn lội về thăm mẹ con Sài trong một ngày tháng năm bỏng rát. Làng nằm ven biển, ban trưa cát nóng đến bỏng chân. Má chân mang giày, tay che dù, ung dung ghé nhà người ta. Má nhìn người ta xong, chẳng thèm ghen. Người gì đâu, mà xấu hết phần thiên hạ. Đã vậy, đứa nhỏ sinh ra còn giống má nó như đúc. Má về thăm, mang theo bao nhiêu là quà cáp. Dân làng biển thấy người lạ, bu đen bu đỏ lại xem.

Má nói, đàn ông có tính trăng hoa, chỉ tổ làm khổ phụ nữ. Má cam chịu một đời rồi, tụi bây phải khác. Nghe má nói, mà mắt Thảnh cay xè.

* * *

Lần đầu tiên Thảnh biết chồng mình có phụ nữ khác bên ngoài, là khi Thảnh chỉ mới sinh xong hơn tháng. Hồi đó, lúc sinh con, Thảnh hơn má ở chỗ, chồng Thảnh đưa vợ đi sinh, rồi ở luôn trong viện cùng Thảnh cho đến ngày về. Má chồng, má đẻ đều già, không thể chăm sóc Thảnh, nên Thảnh đã thuê sẵn người chăm sóc. Chồng Thảnh đưa vợ từ viện về nhà, thì đi một mạch suốt tháng không về.

Chồng Thảnh công tác xa nhà, nhưng trước đây mỗi cuối tuần đều về phép. 4 tuần liền thấy chồng không về, lại không liên lạc được, Thảnh cứ ôm điện thoại gọi quanh, nhưng chẳng ai biết. Khi con đầy tháng, Thảnh ôm thằng bé, bắt taxi vượt trăm cây số đường đèo đến nơi chồng công tác. "Thằng Hùng tuần nào cũng về phép. Mấy hôm nay nó nghỉ phép năm. Thế nó không về nhà à?". Người trạm trưởng ngạc nhiên, trợn mắt hỏi Thảnh. Thảnh chẳng nhớ hôm đó mình đã về nhà như thế nào, chỉ thấy trong lòng hoang mang vô cùng. Cho đến khi người họ hàng bên chồng gọi điện, bảo Hùng dắt một cô gái về quê ở mấy ngày. Thấy họ sáng sáng dắt tay nhau đi chợ, chị nhìn không được mắt mới gọi điện mách Thảnh. Thảnh hoảng hốt. Vậy mà Thảnh gọi điện cho mẹ chồng, bà còn bảo cả tháng nay cũng không liên lạc được với con trai.

Chồng Thảnh nói, anh chỉ yêu vợ. Những ngày công tác xa nhà, mới không may lạc lối. "Anh sẽ cắt đứt với cô ta". Chồng Thảnh thề thốt khi thấy Thảnh đặt lên bàn tờ đơn lý hôn. Thảnh nhìn đứa con trai đỏ hỏn nằm trong nôi, lòng cứ xoắn xít lại. Tờ đơn ly hôn đã viết, bị chồng Thảnh vo tròn, rồi ném trong sọt rác. Thảnh nhặt lại, vuốt phẳng phiu, rồi cất kỹ dưới đáy tủ.

Người phụ nữ kia mang thai. Thảnh chết lặng. Vậy mà cô ngây thơ nghĩ rằng, hai người họ đã không còn qua lại. Lời hứa của Hùng một năm trước, Thảnh vẫn còn nhớ rất rõ. Hóa ra, những thề thốt ấy, chỉ như dòng nước nơi con sông trước nhà Thảnh, chảy đi không dấu vết.

* * *

Thảnh nhớ đến hình ảnh má lui cui một mình trong căn nhà trống trải. Mâm cơm trên bàn nguội ngắc. Hai cái chén úp ngay ngắn trong mâm. Má ngồi trước hiên, nghe tiếng xe chạy ngang trước ngõ lại nhấp nhổm nghiêng đầu ngó ra, cứ tưởng ba về. Mà ba Thảnh, có thể đang vui vẻ ngồi trong quán rượu ở một nơi nào đó, bên cạnh còn có mấy bà luống tuổi không chồng, vừa cụng ly, vừa cười toang toác. Thảnh chẳng muốn sống cuộc đời cam chịu như má.

Sáng nay, Thảnh gửi con cho má, rồi chạy xe ra thị xã. Trong giỏ xách Thảnh mang trên người, có lá đơn Thảnh viết gần một năm trước. Lần này, Thảnh chẳng cần chữ ký của chồng.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Tết muộn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven biển quanh năm đượm mùi tôm cá. Tết của những làng chài ven biển cũng không khác gì ở những nơi khác, có chăng chỉ là tuổi thơ của tôi gắn liền với những chuyến đi biển xa biền biệt của ba. Vì thời gian tết về thì ở chỗ chúng tôi cũng là lúc bắt đầu mùa cá. Khi ấy những người đàn ông sẽ dong thuyền ra khơi và có khi đi cả tháng trời mới về. Tết của chúng tôi khi ấy vừa là hòa vào không khí chung của ngày lễ cổ truyền, vừa là sự chờ đợi và cầu bình an cho những người chủ gia đình đang lênh đênh trên sóng.

Tết muộn
Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng

Vòng xe chúng tôi lăn bánh từ Nghệ An rồi trở lại Huế, chưa có chuyến đi nào đầy cảm xúc như chuyến đi này. Mỗi gia đình người hiến mô/tạng là một câu chuyện khác nhau, song tựu trung vẫn là cái nhìn vị nhân sinh, sự cho đi nặng trĩu tình người…

Cuối năm, thăm gia đình người hiến tạng
Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

Bánh tiến cung tưởng lùi vào dĩ vãng vẫn được gìn giữ theo cách riêng mỗi gia đình. Nhờ vậy, một dòng mạch ngầm ẩm thực âm thầm chảy trong đời sống người Huế, mang theo tình yêu và niềm tự hào một thuở…

Quý nghề xưa, giữ nếp nhà

TIN MỚI

Return to top