ClockThứ Ba, 01/11/2016 13:31

Một địa chỉ trong lòng dân

TTH - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Huế là một trong những đô thị miền Nam chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, bị tàn phá nặng nề nhất mà cao điểm là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1968 với việc chiếm giữ Huế 26 ngày đêm, mở ra một bước ngoặc mới của cách mạng miền Nam, viết nên 8 chữ vàng truyền thống: “ Tấn công - nổi dậy – anh dũng – kiên cường”.

Tại Nhà bia tưởng niệm đội phẫu thuật tiền phương Trung đoàn 6 Phú Xuân.

Một địa chỉ đỏ trong lòng dân

Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập một địa chỉ đỏ mà tầm vóc của nó không hề nhỏ. Đó là một địa chỉ ở kiệt 27, đường Tôn Thất Thiệp, phường Thuận Hoà (TP. Huế) nằm sát Hoàng Thành. Đây là trụ sở của Đội phẫu thuật tiền phương Trung đoàn 6 (Phú Xuân) trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Trong 26 ngày đêm chiếm giữ Huế, gần như toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đội đã anh dũng hy sinh. Sau năm 1968, nơi đây trở thành một địa chỉ tâm linh của người dân xung quanh; những ngày rằm, mồng 1, các dịp lễ tết, bà con thường xuyên hương khói.

Sau ngày Huế hoàn toàn giải phóng, người dân vẫn thường xuyên hương khói và chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ nằm xung quanh. Những năm 1989, 1990 khi thành phố bắt tay xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, người dân và chính quyền địa phương đã cất bốc toàn bộ về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố. Đồng thời, Đảng bộ và Nhân dân phường Thuận Hoà đã khởi công xây dựng Nhà bia tưởng niệm và khánh thành vào tháng 5/2000 nhằm thể hiện tình cảm, nguyện vọng của người dân.

Nhà bia ghi: “Tại nơi đây, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, 20 cán bộ, chiến sĩ Đội phẫu thuật tiền phương Trung đoàn 6 đã anh dũng hy sinh. Cán bộ và nhân dân phường Thuận Hoà phụng lập tháng 5/2000.” Trong khu tưởng niệm có di ảnh đồng chí Lê Đức Huấn, Đội trưởng Đội phẫu thuật. Sau khi xây dựng nhà bia, bên cạnh việc hương khói của người dân; trong các dịp lễ Tết, phường Thuận Hoà, Trung đoàn 6 đều tổ chức dâng hương, đặt vòng hoa kính viếng. Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ phường thường xuyên tổ chức tu bổ, quét dọn vệ sinh xung quanh khu vực này.

Tầm vóc của địa chỉ đỏ

Trong những dịp đến viếng nơi đây, chúng tôi thường nghĩ đến tầm vóc của địa chỉ đỏ này và liên tưởng đến những địa chỉ đỏ trong cả nước như: Truông Bồn (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An); Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)... Đây là một đơn vị y tế có phiên hiệu hẳn hoi, đóng quân nơi địa điểm cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất (từ đây đến Cửa Hữu toàn bộ bị bom đạn cày nát), làm nhiệm vụ cấp cứu không chỉ quân giải phóng mà cả người dân Nội thành. Và  thật oai hùng, lẫm liệt, toàn bộ 20 cán bộ, chiến sĩ của đội đều hy sinh.

Mỗi lần đến đây viếng, tôi miên man nghĩ: Trong cách mạng miền Nam, không riêng ngành y tế tỉnh nhà, ngay cả ngành y tế cả nước có địa chỉ đỏ nào của ngành anh hùng như địa chỉ đỏ này không?.

Hướng đến Kỷ niệm 50 năm chiến thắng mùa Xuân 1968. Tỉnh và TP. Huế cần xem xét tầm vóc của địa chỉ đỏ này để có những hoạt động truyền thống tương xứng: 20 cán bộ, chiến sĩ Đội phẫu thuật tiền phương - Trung đoàn 6, ngoài đồng chí Lê Đức Huấn Đội trưởng, những người còn lại gồm những ai? Đã là Đội phẫu thuật thì nơi phẫu thuật như thế nào? Dẫu có muộn nhưng còn kịp thời gian để chúng ta giải mã về địa chỉ đỏ này.

Bài, ảnh: HảI LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top