ClockChủ Nhật, 09/05/2021 20:39

Một đời đi ở

Nói cô Tám Tuyết cả đời đi ở kể cũng không ngoa. Khi còn là một phụ nữ lỡ thì chưa tới bốn mươi, làm việc gì cũng hùng hục, chưa thấy người đã nghe tiếng cho tới lúc trở thành bà cụ có vẻ mặt buồn đến tan chảy, đến đuổi ruồi không bay, sớm chiều ngồi trước cửa nhìn ra sân với cây gậy trong tay - cô vẫn ở nhà dì Sáu tôi. Cô khởi đầu bằng việc bồng bế Út Trinh, đứa con mà dì Sáu bảo là “đẻ ráng”; tiếp đó phụ giúp dì bán tạp hóa; sau lại quay về gian bếp và cuối cùng hầu như… ở không. Thời gian cô Tám ở nhà dì tôi lâu đến mức đủ để Út Trinh, từ con bé suốt ngày ốm đau dặt dẹo trở thành nữ giám đốc công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế thành đạt. Chưa hết, khi sắp thôi ở với mẹ, cô được dẫn dắt đến với con, dù không thể tiếp tục là người giúp việc mà dưới một hình thức khác, danh phận khác.

Nhớ lại năm tôi vừa học xong đại học và đang chờ việc thì dì Sáu gọi về, bảo vào giúp dì bán hàng thay cho cô Tám Tuyết. Trong khi tôi háo hức sắp được đi xa thì mẹ tôi chần chừ với lý do cổ điển: “Mày vào Long Khánh rồi có chồng luôn trong đó, cha mẹ mất con à!?”. Trước sự năn nỉ và áp lực bằng hờn dỗi của con cùng sự khẩn khoản liên tục của dì Sáu, mẹ tôi đành chiều theo. Hôm “bàn giao” việc, dì Sáu nhìn lướt qua cô Tám, hình như ái ngại sao đó rồi nhìn tôi hồi lâu, giọng nhỏ nhẹ, vẻ không vui: “Từ ngày mai, việc bán hàng là để cho cháu Huyền; còn chị Tám chuyên tâm lo cơm nước và việc nhà”. Dì nói gọn như mệnh lệnh rồi cả ba cùng ngồi lặng. Cô Tám thoáng bối rối, chắc bất ngờ trước ý định của bà chủ; tôi thì định hỏi một vài kinh nghiệm mua bán nhưng dì Sáu đã đứng lên, quay lưng đi về phía gian hàng. Ở đó các mặt hàng thiết yếu chất chạm tới nóc ngôi nhà rộng như cái hội trường.

Thường thì người kém nhan sắc lấy nết tốt bù vào nhằm vớt vát sự thua thiệt của mình, nhưng cô Tám Tuyết chắc không ý thức điều đó. Nghe tên Tuyết tưởng trắng nhưng người cô lại đen như cột nhà cháy; giọng oang oang cùng bước chân như vồ nện xuống đất khiến người ta có thể nhận ra cô trước khi thấy mặt. Nói năng của người này thì ngang thôi rồi; ai mới nghe có khi giật mình, sửng sốt. Cả với ông chủ là dượng Sáu, cô cũng chẳng ngán. Có lần cô nhờ dượng ra chợ Nhỏ mua thuốc cho bầy gà đang bị rù nhưng dượng quên, lần đầu cô chỉ càm ràm nhưng lần sau quên tiếp thì cô nổi khùng lên: “Không mua thuốc, để chúng chết cả đàn, ăn cho hết!”. Dượng Sáu lảng đi, không thèm chấp những lời bất nhã ấy của kẻ ở. Cô thậm chí còn ngăn ông chủ bớt nhậu, bởi mỗi lần bày ra nhậu thì nhà bếp, mà cụ thể là cô thêm mệt. Ngăn không được, cô liền xổ giọng hỗn xược: “Nhậu cho lắm thì mau chết, chứ ích gì!?”. Thấy dượng quắc mắt và chỉ thẳng mặt, cô mới cúi gằm, bước vội xuống nhà dưới.

Lâu thêm một chút, tôi nhận ra nơi cô Tám thấp thoáng tính mập mờ, lươn lẹo. Bằng chứng là cô luôn để mắt tới cây trái trong vườn, từ những trái điều đến ổi hay mận rồi cả mấy cái búp chuối, cô đều thu gom và đưa ra chợ Bảo Linh. Tiền bán được, cô ỉm luôn. Mỗi khi nhà có đám, thức ăn thừa (nhưng còn khá nguyên vẹn) chất đầy tủ lạnh; vậy mà mới quay qua ngó lại, không biết biến đâu mất sạch. Tôi không nghĩ cô Tám dùng hết, nhưng cũng không biết cô “giải quyết” bằng cách nào. Những hôm nhà có tiệc, cô hình như có thêm niềm vui thu dọn lúc xong bữa. Thường thì dọn trên bàn trước, dưới nền nhà sau nhưng cô làm ngược lại, vội vàng nhặt hết vỏ von bia cho vào bao lác rồi mới bắt đầu việc khác. Mấy đứa cháu trong nhà muốn gom vỏ lon làm “kế hoạch nhỏ” cũng chẳng thể nhanh tay hơn cô được.

Nghe tôi kể những biểu hiện chẳng mấy hay ho của cô Tám, dì Sáu xoa dịu: “Chuyện nhỏ nhặt ấy con để ý làm gì”. Thấy tôi vẫn chưa thôi bất bình, dì nói thêm: “Người ta nghèo khó nên mới vậy, con ạ”. Tôi không chịu: “Các cụ bảo đói cho sạch rách cho thơm mà dì”. Đáp lại là tiếng cười cùng lời giảng hòa đẫm chất vị tha: “Nhưng các cụ cũng bảo, đói ăn vụng túng làm liều”. Tôi vẫn chưa thôi thắc mắc: “Người như thế mà trước đây dì lại giao cô ấy đứng bán hàng, tiền bạc vô ra cả ngày…”. Dì thoáng bối rối rồi cười cười, trấn an trong bình thản: “Dì biết mà, mày không phải lo”.

Với cô Tám, nỗi lo lớn nhất mang tên tuổi già. Cha mẹ mất đã lâu, anh chị đều lần lượt quy tiên, cô chỉ còn hai đứa cháu gọi bằng cô và dì ruột ở quê. Lắm lần cô ngồi thẫn thờ, giọng bâng quơ trong tiếng thở dài: “Rồi sẽ về đâu…”. Nỗi lo của cô còn vắt sang thế giới bên kia khi nói về hậu sự của mình và cúng giỗ người thân đã khuất. Nhìn cũng đủ biết, cô ủy thác nỗi lo ấy cho hai đứa cháu bằng cách chăm chút, vỗ về họ ngay từ hiện tại. Hai cậu cũng biết “khai thác” lắm, lâu lâu lại điện vào cô Tám mượn tiền hoặc vàng, với muôn ngàn lý do, mượn nhưng không hẹn ngày trả. Mỗi tháng trả tiền công cho cô, dì Sáu đều nhắc “phải giữ để phòng thân” nhưng cô vẫn lén đưa cho hai ông cháu. Bị cháu rỉa dần nên cô chắc cũng chẳng tích góp được bao nhiêu sau nhiều năm đi ở.

Tôi đoán sau lần bị xe tông sém chết, cô Tám ngộ ra nhiều điều, không chỉ đau vì vết thương mà còn bởi do người thân đem lại. Khi sự sống của cô mong manh như chỉ mành treo chuông nhưng nghe tôi gọi về, người kêu cô bằng dì bảo bận gặt lúa, không vào được. Người cháu kia thì phải mười ngày sau khi cô vào viện mới đến thăm, cũng chỉ qua loa như đuổi gà qua đám giỗ rồi nhanh nhảu chuyển nỗi lo cho dì Sáu: “Thôi thì nhờ bác…”. Cô Tám nằm viện tháng rưỡi và trải qua mấy tháng dưỡng thương mới dần bình phục. Sau tai nạn, hình như sự cô đơn và buồn chán của cô nhân lên. Cô không nhắc đến hai người cháu như trước, cũng không còn nhờ tôi chuyển tiền cho họ. Cô hay ngồi trước cửa nhìn mông lung ra sân vườn, mặt buồn như đưa đám, lại thở dài cùng cái giọng chực khóc khi dự cảm khoảng bơ vơ cuối đời.

Rồi cũng đến lúc tôi rời nhà dì Sáu để theo chồng và tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đã học. Trước ngày chia tay gia đình dì dượng, tôi tình cờ thấy hai đứa nhỏ nhặt chai bao mặt mày lem luốc, thập thò trước cổng. Thoáng thấy chúng, cô Tám vội đưa tay ngoắc ngoắc và lên tiếng như ám hiệu, lại kéo dài như rao hàng: “Nè, bé… bé…”. Liền đó cô lật đật xách mấy thùng giấy carton và túi đựng vỏ lon bia đem cho hai đứa. Chúng còn nán lại chờ cô vào mở tủ lạnh, đem mấy hộp nhựa đựng thức ăn ra rồi mới rối rít cảm ơn trước khi quay lưng… Nhìn cảnh ấy và nhớ lại suy nghĩ u ám về cô (…) ngày nào, tôi lặng đi, tự trách.

Nhà dì Sáu đã qua những tháng năm đông vui bởi các con đều đã ra riêng, giờ chỉ còn ba người già là vợ chồng dì và cô Tám. Đã một thời có của ăn của để nhờ tiệm tạp hóa to vật vã, nay nhà dì dần sa sút bởi cậu con trai duy nhất ăn chơi như phá, lại ghiền cá độ bóng đá. Dì đã yếu lại buồn chán nên nghỉ buôn bán, chi phí trong nhà phần nhiều do Út Trinh chu cấp.

Với cô Tám thì nỗi lo về già ngày càng rõ ràng và nặng thêm. Mỗi lần gặp tôi, cô lại ứa nước mắt nhắc tới nỗi buồn không biết về đâu, bởi quê xa nhà chẳng có. Tôi cũng không cầm được nước mắt trước giãi bày xót xa: “Có ai như tôi không, đi ở nhưng lại thành gánh nặng cho gia chủ, bắt người ta phải nuôi báo cô thế này!?”. Dì Sáu từ nhà trên bước xuống nghe được, thoáng ái ngại rồi cất giọng từ tốn: “Để từ từ rồi tính, chị Tám!”.

Tưởng an ủi thế thôi nhưng hóa ra dì tính thật. Hôm dì gọi tôi đưa chồng con qua ăn cơm để chia tay cô Tám vào viện dưỡng lão, giọng vui lắm. Tôi thì ngỡ ngàng; sau mới biết, năm ngoái dì khuyên Út Trinh đầu tư xây trung tâm điều dưỡng người già. Trinh làm theo bởi tán đồng nhận định của mẹ: “Tuổi thọ càng cao, người già càng tăng”. Khi cơ sở điều dưỡng sắp đi vào hoạt động, dì Sáu “giao nhiệm vụ” cho con: “Ngày con còn nhỏ, cô Tám bồng bế; nay cô ấy già yếu, con đón cô lên chăm sóc nhé”. Đáp lại là tiếng “dạ” khẽ. Dì lại dặn: “Với cô Tám thì con không nên tính toán theo kiểu kinh doanh”. Út Trinh ôm lấy mẹ, vỗ về: “Con hiểu, mẹ yên tâm”. Thế là cô Tám chuẩn bị lên đường trong niềm vui bất tận.

Bữa cơm chia tay đã bày ra nhưng nhân vật chính là cô Tám vẫn mải chuyện trò với dì Sáu. Tôi vào phòng dì để mời nhưng tới cửa thì khựng lại, nhìn qua lớp kính thấy hai người đang nói cười trong nước mắt. Cô nắm chặt tay dì, bùi ngùi: “Chị và gia đình tốt với tôi quá…”. Người nói bỗng ngắc ngứ, lúc lâu mới tiếp: “Nhưng tôi có điều không phải với chị… Nói ra chị đừng khinh…”. Dì gạt ngang: “Thôi, nói chuyện vui đi. Đừng nhắc chuyện buồn”. Cô Tám hết cúi xuống lại ngước lên trần nhà, có vẻ khó diễn tả ý mình; rồi như tự nhủ: “Tuổi mình chẳng biết lìa đời lúc nào, thôi thì cứ nói ra cho nhẹ lòng, chị ạ”. Tiếp theo là giọng rời rạc, xa xăm: “Ngày đứng bán hàng cho chị, tôi đã vài lần… bớt xén tiền… để gửi cho mấy đứa cháu”. Cô thở dài, mắt buồn ngó qua cửa sổ. Vẻ bình thản của dì hình như cho cô mạnh dạn: “Chị chắc không biết điều đó?”. Dì Sáu mỉm cười, vỗ vai cô: “Tôi biết nhưng không nói vì sợ chị xấu hổ. Bởi biết nên tôi mới gọi bé Huyền vào thay chị bán hàng đấy chứ”.

Cô Tám tròn mắt rồi ôm lấy dì Sáu, đôi vai gầy chợt rung lên.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top