ClockThứ Ba, 14/07/2020 06:45

Một góc nhìn khác về đầu tư công

TTH - Giải ngân đầu tư công chậm, có thể hiểu, có tiền mà không biết tiêu. Có hai nguồn tiền để tiêu - tiền công và tiền tư ứng với hai lĩnh vực: công và tư. Chúng ta sốt ruột về đầu tư công chậm, nhưng ở một góc nhìn khác, cũng phải lo cho “đầu tư tư chậm”.

Đường Tố Hữu nối dài đang được đầu tư chỉnh trang. Ảnh:

Đầu tư công thường tập trung nhiều nhất vào các công trình hạ tầng như đường sá, cầu cống, đập thủy lợi; các công trình phúc lợi công cộng nhưng trường học, bệnh viện, trụ sở… Đầu tư tư tập trung nhiều nhất là vào công xưởng, nhà máy, địa điểm kinh doanh, nhà ở… Đầu tư công hoặc tư cũng đều có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Một con đường làm chậm tiến độ là làm ách tắc dòng chảy hàng hóa. Một nhà máy thi công chậm so với kế hoạch hoàn thành có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thậm chí một ngôi nhà, dù là tiền tư nhân bỏ ra, thi công chậm chẳng những làm đội giá thành mà nó còn ảnh hưởng đến sức phát triển kinh tế, ở chỗ: người bán sắt thép, xi măng, gạch ngói, hàng nội thất… không bán được. Nếu nhìn với góc nhìn như vậy, chúng ta sẽ thấy, đầu tư công hoặc tư chậm đều đáng lo ngại.

Nhưng tại sao người ta quan tâm đến đầu tư công nhiều mà ít quan tâm đến nguồn đầu tư tư nhân? Bởi vì, đầu tư tư nhân thì đã có tư nhân tự lo. Tiến độ giải ngân thường là nhanh, bởi nếu chậm thì túi tiền của họ ngay lập tức bị ảnh hưởng. Đồng tiền đi liền khúc ruột nên ai cũng nóng ruột với đồng tiền của mình. Còn tiền đầu tư công là tiền chung, nói chính xác là tiền của Nhân dân giao cho Chính phủ và các địa phương, ngành quản lý chi tiêu theo những luật lệ chi tiêu tài chính công quy định. Năm nào cũng vướng phải chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm, nghĩa là chúng ta hiểu các công trình làm chậm, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hữu. Vì sao? Theo người viết bài này, điểm mấu chốt nằm ở chỗ, chính là tiền thì của một người, quản lý chi tiêu lại là một người khác. Không chỉ một người khác mà có quá nhiều “người khác”. Trong nhiều người khác ấy thì có nhiều người “không nóng ruột” (nguyên văn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục: “Các đồng chí phải nóng ruột lên”).

Điểm lại vốn giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 chúng ta sẽ thấy: trên cả nước, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33%. Giải ngân nguồn vốn ODA (vốn vay) còn tệ hơn - 10%. Ở Thừa Thiên Huế, 5 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt gần 30%.

Như vậy, phải chăng, tình trạng “không sốt ruột” là tình trạng chung? Cũng có thể là có sốt ruột nhưng cách xử lý chưa hiệu quả, nghĩa là mục tiêu cuối cùng tiêu tiền (tất nhiên là phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy định) vẫn chưa đạt được. Nói một cách chung nhất là việc sử dụng đồng tiền công vẫn chưa hiệu quả.

 Đồng tiền công chi tiêu vào công việc gì, ở chỗ nào, người nào có trách nhiệm quản lý đều có địa chỉ cụ thể. Gói tiền A này đã giao cho anh A quản lý chi tiêu. Có nghĩa là có con người cụ thể, có địa chỉ cụ thể. Thế thì cách thức xử lý cũng phải cụ thể: vì sao anh chấp nhận nhận tiền (nhận công việc và kinh phí) mà “không biết chi tiêu”? Lúc anh nhận tiền và công việc thì anh không nói gì, giờ làm không được, làm không tốt thì anh đổ nguyên nhân khách quan này nguyên nhân khách quan kia. Không phải bây giờ mới có đầu tư công mà nó đã có từ rất lâu, gắn liền với từ khi có đồng tiền công, luật lệ cũng ngày càng hoàn thiện nhưng tại sao tình hình không được cải thiện là bao?

Có lẽ nó nằm ở chỗ, cách thức xử lý vấn đề thiếu kiên quyết. Anh đã nhận tiền, nhận việc là phải có trách nhiệm làm. Làm không tốt thì… nghỉ, để người khác làm tốt hơn làm, thế thôi. Phải chuyển hóa cho được từ tính chất công sang tính chất “tư”, tức là đồng tiền phải đi liền khúc ruột. Anh nào không xem đồng tiền công là khúc ruột của mình thì kiên quyết không giao. Chính phủ đã “dọa” nơi làm không tốt thì điều chuyển kinh phí đi nơi khác làm tốt hơn chỉ là giải pháp tình thế, không làm rõ được trách nhiệm giải trình. Phải làm rõ được trách nhiệm giải trình thì mới mong tình hình được cải thiện. Nói nôm na khi giao vốn phải trả lời cho được các câu hỏi sau: Việc này anh có làm được không? Anh có lường hết những khó khăn có thể gặp phải không? Cách thức anh giải quyết khó khăn vướng mắc như thế nào? Đã nhận rồi mà làm không được thì anh chịu trách nhiệm gì?

Rõ ràng, minh bạch, “sòng phẳng”. Vì thế cho nên nó mới dễ xử lý.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng

Ngoài việc dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, việc nhiều khu đô thị đang hình thành tạo ra diện mạo mới cho Hương Thủy. Không chỉ hứa hẹn tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân, phát triển hạ tầng sẽ góp phần giúp Huơng Thủy bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền tảng từ phát triển hạ tầng

TIN MỚI

Return to top