ClockThứ Tư, 26/10/2016 14:19

Một nghi lễ đặc biệt trên sông Hương

TTH - Trong Souvenirs de Hué, Michel Đức Chaigneau (Paris: Imprimerie Impériale, 1867) từng phác họa không khí sôi động, đầy ấn tượng của dòng sông Hương - sông Trường Tiền thơ mộng, trữ tình qua một nghi lễ đặc biệt là một cuộc tập trận nhỏ trong ý nghĩa đón mừng năm mới.

Trước lúc bình minh, một số binh lính, cầm đuốc và đèn lồng, với súng ống và những thớt voi, đã vào vị trí ở bên bờ sông Hương, phía trước kinh thành Huế. Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, lệnh được ban ra, các pháo thủ mồi lửa vào ba cỗ pháo, tức thì ngay sau đó, lính sử dụng súng trường bắn một loạt liên hồi. Ba chiến thuyền sẽ khởi động, rời bờ và ra giữa dòng để xếp thành hàng. Phía trước mỗi chiến thuyền có một võ quan với đầy đủ phẩm phục: áo dài lụa xanh dương có thêu nổi, mang hia đội mũ. Trên thuyền có đến bảy mươi tay chèo.

Chiến thuyền chính giữa có một dụng cụ để ấn định nhịp chèo, đó là cái trống hình ống làm từ một khối gỗ trắc, khoét ruột chỉ còn vỏ mỏng, kéo dài hết thân gỗ. Người chỉ đạo thủy thủ đoàn gõ vào đây với hai chiếc đùi trống, âm thanh trong trẻo và vang xa để ấn định nhịp chèo. Khi vị võ quan ra dấu khởi động lên đường qua một cử động bằng đầu và cánh tay, người chỉ đạo sẽ đánh nhiều tiếng trống: các tay chèo bắt đầu hạ mái chèo, ba vị quan đứng phía trước ở mỗi mũi thuyền bắt đầu một điệu múa bản xứ kéo dài suốt buổi lễ. Ba vị này quay qua phía này rồi quay qua phía kia, lúc thì đứng im phăng phắc, lúc thì khoa tay múa chân, luôn chuyển động, tay bắt nhịp, khớp theo với âm thanh sau cùng của trống. Từng lúc, họ lại có những tiếng hét chát chúa, tựa như những tiếng cười ghê rợn từ cõi địa ngục. Và rồi, các tay chèo của cả ba chiến thuyền đồng thanh đáp lại với một tiếng thét không kém phần kinh hoàng như kiểu hùm - hoát. Đó có lẽ là những tiếng la hét như nhằm dọa nạt khi đối mặt với quân thù. Các tay chèo của ba chiến thuyền rất chăm chú cùng nhất loạt thực hiện chính xác mọi thao tác đề ra, hoặc là cho thuyền đi chậm, hoặc theo nhịp tiến bình thường, hoặc cho dừng lại đột ngột, nhưng luôn luôn cùng một nhịp chung, không sao chê trách được. Tương tự như những diễn tập của binh lính ở Âu châu, những thao tác vận động của các tay chèo ở xứ này là cực kỳ chính xác. Buổi thao diễn này diễn ra trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi thủy quân và lính tráng trở về trại để chứng kiến vài giờ sau đó một dạng tiểu chiến (petite guerre) gần như luôn luôn diễn ra vào cùng ngày hôm đó.

Đó là một trò múa rối vũ trang nguyên sơ. Mục đích là tập cho các thớt voi làm quen với tiếng súng đại bác, mà voi vốn rất sợ. Trận địa thường là khoảnh đất nằm giữa sông Trường Tiền với hoàng thành: người ta xếp đặt ở hai đầu nhiều hàng lính trang bị lao và súng ống, trước mặt họ là những thớt voi được trang bị như khi xung trận, với người nài phía trước, phía sau có người cầm lao, ở giữa trên lưng là hai ba người lính, tất cả trông như một loại thiết giáp có cờ xí. Chính giữa sân là nhiều hàng hình nộm trông như lính tráng phe địch, cạnh đó là vài khẩu pháo. Có tín hiệu, người ta đánh ba lần vào một cái trống lớn, binh lính từ cả hai phía bước lên hai hay ba bước, vừa tiến vừa hò hét! Rồi đến lượt các thớt voi cùng tiến lên. Ba tiếng trống như thế lặp lại nhiều lần, về sau mỗi lúc càng nhanh, phía binh lính cũng nhanh chân hơn nữa tiến lên, đồng thời cứ mỗi lần như thế lại la lên giá - há. Khi các thớt voi còn một khoảng cách nào đó trước các hình nộm, người ta ra lệnh hành động bằng cách đánh nhanh hơn vào chiếc trống lớn và không theo nhịp. Như thế đã đến hồi hành động: các pháo thủ cho phát hỏa, súng trường thi nhau nổ, binh lính có lao thì lăm le hạ lao và tiến lên, toàn bộ lính mang súng và lao vừa cùng tiến bước vừa la to những tiếng xung trận hé hé hé! Quản tượng và người cầm dùi sắt cán dài thúc voi về phía các hình nộm.

Khi tất cả hình nộm bị tiêu diệt và chẳng còn phải đánh đấm gì nữa thì ai nấy trở về vị trí: người ta lại cho dựng hình nộm và một trận thứ hai diễn ra, có khi kéo dài đến trận thứ ba.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Return to top