ClockThứ Sáu, 07/01/2011 06:35

Một người Mỹ yêu Việt Nam

TTH - Người đầu tiên tôi được biết là Larry Rottmann khi thực hiện chương trình học bổng từ nguồn kinh phí của ông gửi qua Bệnh viện Trung ương Huế. Larry Rottmann đã tổ chức triển lãm ảnh chung với Trọng Thanh tại 15 bang của nư­ớc Mỹ trong suốt một năm, sau đó được xuất bản thành sách với chủ đề Những tiếng nói từ đ­ường mòn Hồ Chí Minh. Lần thứ hai khi bốn nhà thơ thuộc Trung tâm William Joiner (WJC), Trung tâm Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả xã hội của chiến tranh thuộc Đại học Massachusetts Boston đến Huế làm việc hồi đầu năm 2007.
Họ đều có chung một tiếng nói phản đối chiến tranh. Các hoạt động của họ đều nhằm giúp mọi người hiểu biết những hậu quả chiến tranh và góp sức mình vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Lần này là GS-TS Bruce Weigl. Ông từng giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ, hiện là giáo sư danh dự ngành nghệ thuật và nhân văn học của Trường cao đẳng Lorain County Community - thành phố Ohio. B.Weigl trở lại Việt Nam rất sớm, từ năm 1985, và đã đến Huế nhiều lần.
Tại cuộc gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ Huế ở toà soạn Tạp chí Sông Hương, nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết: “B.Weigl là người có công rất lớn trong xây dựng và phát triển mối quan hệ, hợp tác của các nhà văn Việt – Mỹ sau chiến tranh, chỉ đứng sau giáo sư Kevin Bowen, giám đốc WJC”.
B.Weigl giải thích lý do trở thành nhà thơ của mình: “Sau chiến tranh Việt Nam, ông đến các trung tâm lưu trữ tìm hiểu những tài liệu ghi chép của đối phương mà quân đội Mỹ thu giữ được. B.Weigl rất bất ngờ khi được biết trong những cuốn sổ tay của bộ đội Việt Nam chép đầy thơ, lưu bút, nhật ký... Lúc đó B.Weigl mới hiểu được rằng kẻ thù của mình có tâm hồn rất đẹp, rất yêu thơ và nhiều người biết làm thơ...”. Từ đó, B.Weigl bắt đầu làm thơ để bày tỏ thái độ của mình đối với chiến tranh, để cứu rỗi tinh thần. Không chỉ làm thơ, B.Weigl và bạn bè của ông đã dịch nhiều bài thơ trong sổ tay người lính Việt Nam sang tiếng Anh, nhằm giúp người Mỹ hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không ngờ, từ thơ cứu rỗi, thơ sám hối, ông trở thành một nhà thơ có tên tuổi của nước Mỹ đương đại và trở thành một sứ giả nối kết những cựu chiến binh từ hai phía.

B.Weigl đọc thơ ở Tạp chí Sông Hương
B.Weigl cho biết lý do ông trở lại về Việt Nam lần này là để tổ chức đêm thơ Trở về ngôi nhà Việt vào tối 16-12 tại Hà Nội (Trường ĐH Văn hóa) và ra mắt tập ký Sau mưa thôi nã đạn (NXB Trẻ). Tập thơ do Nguyễn Phan Quế Mai, người vừa được giải thưởng thơ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chuyển ngữ Anh-Việt. Sau khi nghe B.Weigl trò chuyện và đọc hai bài thơ, một chương trình thơ đã tự phát. Không có đề dẫn nhưng chương trình rất tập trung vào mạch thơ hồi ức chiến tranh và chống chiến tranh, mạch thơ sám hối, nguyện cầu hoà bình, do các nhà thơ ở Huế từng tham gia cuộc chiến nối tiếp mạch thơ của B.Weigl.
Họ say sưa đọc thơ. Khi Nguyễn Đắc Xuân đọc đến hai câu của Thích Nhất Hạnh: Kẻ thù ta không phải là người/Giết người thì ta ở với ai, tôi ngộ ra: Huế đâu chỉ là thành phố thơ, thành phố di sản văn hoá, mà Huế còn là một thành phố ngời sáng tinh thần hoà bình, và Huế đã có phong trào hoà bình từ rất sớm. Tôi lại nhớ thơ di cảo của Chế Lan Viên. Một trong những người lĩnh xướng các nhà thơ tham gia kháng chiến nhưng đến nửa cuối thập niên 1980, trong khoảng 10 năm trước khi đi xa, Chế Lan Viên đã mở ra một dòng thơ khác, ông đã nhận ra: thơ yêu nước khác với thơ xung trận.
Đêm đầu tiên đến Huế, B.Weigl đi dạo phố, cánh xích lô bám theo chào mời. Bruce Weigl giải thích là ông muốn thả bộ để được thi vị Huế trong sự yên tĩnh. Ông biếu họ một ít tiền như là sự chia sẻ. Khi quay trở về khách sạn ông bắt gặp lại họ đang ngồi bên vỉa hè uống rượu gạo với đồ mồi là dĩa hến xào xúc bánh tráng. Họ mời ông cụng ly. Ông ngồi xuống uống rượu cùng họ. Ông hỏi họ có ai biết làm thơ không. Tức thì một anh xế xích lô đã đọc thơ của mình tặng B.Weigl. Trong cuộc gặp mặt với các bạn thơ ở Tạp chí Sông Hương, ông bày tỏ: “Tôi thấy họ (cánh xế xích lô) rất thích thú khi gặp một du khách yêu thơ. Càng thú vị hơn khi được một người đạp xích lô đọc thơ tặng tôi. Đó là một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng mà tôi không thể nào quên”. B.Weigl rất cảm động khi nhận được những tập thơ tặng của các nhà thơ xứ Huế. Khi Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Sông Hương tặng truyển tập 700 năm thơ Huế, B.Weigl vừa mừng rỡ vừa thành thật: “Không biết tôi có sống nổi trên đời cho đến khi dịch xong tập thơ này hay không?”.
B.Weigl còn là một người Mỹ rất Việt Nam: theo đạo Phật và nghiện nước mắm. Ở Mỹ ông từng mua nguyên liệu về nấu nước mắm ngay trong nhà của mình, khiến cho những người xung quanh hoảng hốt khi nghe nồng nặc vị mặn, cảnh sát môi trường phải đến kiểm tra.
B.Weigl nhận một bé gái có tên là Hạnh, ở trại trẻ mồ côi Bình Lục – Hà Nam, về nuôi. Khi nhận bé Hạnh, ông nói với mọi người rằng: “Tôi nhận từ các bạn một bé gái. Khi nó khôn lớn tôi sẽ trả lại các bạn một cô gái Việt Nam, tôi sẽ không biến nó thành người Mỹ”. Hạnh đã học xong đại học. B.Weigl đã đưa Hạnh về Việt Nam tìm mẹ. Cuốn truyện ký Best-seller của B.Weigl có tựa đề Vòng tròn của Hạnh đã được Hạnh, dịch sang tiếng Việt. Như để khẳng định lời hứa của mình, gặp bạn bè ở Việt Nam, B.Weigl thường hỏi: Các bạn thấy tiếng Việt của con tôi như thế nào?
B.Weigl đọc cho bạn thơ Huế nghe bài thơ tặng Hạnh, bài thơ đã khắc trên bia mộ mẹ Hạnh, và kể thêm: Khi mẹ Hạnh mất, người ta tìm thấy trong nhà một chiếc hộp, bên trong đựng tất cả các món quà Hạnh tặng mẹ. Có lần đến thăm mẹ Hạnh B.Weigl tặng quà. Khi ra về, bà chạy theo trả lại B.Weigl cái phong bì. B.Weigl hiểu rằng, ngoài tình cảm ra bà không muốn nhận quà, dù rất nghèo.
B.Weigl nói: “Những chuyến trở về Việt Nam để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Tôi rất vui sướng về buổi gặp gỡ này vì đã được nghe rất nhiều bài thơ của các bạn. Tôi sẽ cố gắng viết hết những kỷ niệm. Tôi sẽ còn trở về Việt Nam. B.Weigl thường nói trở về Việt Nam - chứ không phải là sang Việt Nam”.
Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sách luôn là người bạn thân thiện

“Cho dù thế giới phát triển đến mức độ nào thì việc đọc sách vẫn có giá trị của riêng nó và khó mà thay thế. Bởi vì, đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng để định hình nhân cách và phát triển tư duy. Như lời Terfaut: "Một quyển sách có thể quyết định cuộc đời hay dở của một đứa trẻ’, ông Hoàng Trọng Thủy, Trưởng Văn phòng Dự án Tổ chức Zhi-Shan Foundation tại Việt Nam, người sáng lập Dự án “Làm bạn với sách” chia sẻ. Nói về ý tưởng hình thành dự án ý nghĩa này, ông Hoàng Trọng Thủy cho biết:

Để sách luôn là người bạn thân thiện
Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Return to top