ClockThứ Sáu, 10/06/2016 05:50

Một thoáng Dinh III

TTH - Là nơi còn giữ được nhiều nhất về kiến trúc, trang thiết bị nội thất và những kỷ vật của một thời vàng son so với các địa chỉ khác ở Đà Lạt, nên cạnh giá trị du lịch, Dinh III của cựu hoàng Bảo Đại có lẽ còn là một địa chỉ lý thú, hữu ích cho những ai quan tâm nghiên cứu lịch sử...

Dinh Bảo Đại (Dinh III) nay là điểm du lịch được du khách yêu thích

Đã vài lần đến Đà Lạt, nhưng mãi dạo gần đây chúng tôi mới thu xếp được công việc để ghé thăm Dinh Bảo Đại- ông vua cuối cùng của Triều đình nhà Nguyễn, cũng là ông vua cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam.

Tại xứ sở ngàn hoa, Bảo Đại có 3 dinh thự lớn mà người ta vẫn quen gọi bằng những cái tên rất dễ nhớ là Dinh I, Dinh II và Dinh III. Dinh thự mà chúng tôi ghé thăm vừa rồi là Dinh III- một trong những dinh thự lớn và sang trọng bậc nhất không chỉ nơi “Hoàng triều cương thổ” một thời mà kể cả đến nay vẫn được xem là một trong những dinh thự đẹp nhất của Đà Lạt.

Theo giới thiệu, Dinh III được kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng một kỹ sư người Pháp thiết kế và được thi công trong khoảng thời gian từ 1933-1938. Thời gian này, vật liệu xây dựng đã được người Pháp nhập sang và sử dụng để xây dựng nên kiến trúc của Dinh III mang hơi hướng hiện đại. Dinh bao gồm 25 phòng, tầng dưới có nơi hội họp, tiếp khách, yến tiệc…; tầng trên là nơi sinh hoạt của gia đình nhà vua. Dinh tọa lạc trên một đỉnh đồi có bình độ hơn 1.500m so với mực nước biển. Bao bọc chung quanh là rừng Ái Ân quanh năm ngát xanh và dặt dìu nhạc thông reo hát.

Khởi thủy, Dinh III là biệt thự mùa hè của vua Bảo Đại. Sau này khi trở về làm “quốc trưởng” theo sự sắp đặt của người Pháp, Bảo Đại đã ban hành Dụ số 6 ngày 15/4/1950 tách riêng phần cao nguyên Trung Bộ ra và thành lập “Hoàng triều cương thổ”, bấy giờ, Dinh III được gọi là Biệt điện Quốc trưởng.

Khi Bảo Đại thất thế trước đối thủ Ngô Đình Diệm sau cuộc bầu cử nhiều tai tiếng và qua Pháp sống lưu vong, Dinh III trở thành nơi nghỉ mát cao cấp lần lượt của “các nền cộng hòa” ngụy quyền miền Nam.

Sau ngày đất nước Thống nhất, Dinh III thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đến giữa năm 2000 được giao cho Công ty du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý khai thác. Dinh III trở thành điểm du lịch được du khách chọn lựa khi đến với Đà Lạt với tên gọi: Dinh Bảo Đại.

Thời điểm chúng tôi đến không phải là dịp cuối tuần, nhưng Dinh Bảo Đại vẫn đón khá nhiều khách. Ngay từ cửa dẫn sảnh chính của dinh, mỗi người được phát một đôi vớ bọc giày để mang trong suốt quá trình tham quan để hạn chế làm tổn hại di tích. Nhiều người nhận xét, Dinh III là nơi còn giữ lại được nhiều nhất về kiến trúc, trang thiết bị nội thất và những kỷ vật của một thời vàng son “Hoàng triều Cương thổ”. Ở đây, ngoài kiến trúc, cảnh quan nội ngoại thất, khách tham quan còn có dịp được thấy tận mắt rất nhiều những hiện vật, những hình ảnh liên quan về sinh hoạt, công việc thường nhật của ông vua tây học phong tình Bảo Đại và gia đình. Bởi vậy, bên cạnh giá trị du lịch, đây có lẽ còn là một địa chỉ lý thú, hữu ích cho những ai quan tâm nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử không ít biến động của đất nước.

Một cô gái điềm nhiên tót lên ghế “quốc trưởng” để chụp ảnh

Điều rất đáng phàn nàn, đáng lo ngại khi đến thăm Dinh III là mặc dù ngay từ ngoài cửa đã có quy định rất rõ “không được sờ vào hiện vật”, vậy nhưng khi vào dinh, thấy các bộ ghế dành cho khách chờ yết kiến Hoàng đế có vẻ... “ngon ăn” quá, vậy là không ít người ghé mông ngồi làm vài kiểu ảnh, thậm chí để nghỉ chân cho nó... thoải mái. Ngay cả cái ghế ở bàn làm việc của “quốc trưởng”, dù đã có rào chắn vẫn có người cố nhảy vào ngồi chễm chệ chụp ảnh cho bằng được. Thấy người Việt ta là thế, khách nước ngoài cũng chẳng ngán chi bèn cùng “trải nghiệm”. “Của chúng mày chúng mày còn chưa quý, mắc mớ gì bắt bọn tao phải quý” - Có lẽ những vị khách phương xa đang nghĩ như thế về di tích. Có quy định nhưng không thấy có người quản lý, giám sát, nhắc nhở. Với đà ấy, chẳng mấy chốc hiện vật sẽ tan nát cả. Hy vọng là lần ghé thăm sau, những hình ảnh đáng buồn như vậy sẽ không còn lặp lại.

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top