ClockChủ Nhật, 10/10/2010 05:43

Một vài nhận diện về tâm lý công chức

TTH - Để một bộ máy Nhà nước vận hành, điều hành đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, chắc chắn những người tham gia trực tiếp vào các công việc vận hành bộ máy ấy, điểm tốt bao giờ cũng vượt trội. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi người đã hài lòng tất cả. Trong bài viết này, thử nhận diện một vài dạng tâm lý không tốt của cán bộ công chức.

Không phải vơ đũa cả nắm nhưng từ kết quả hoạt động và quan sát thực tế, cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức có làm việc nhưng làm việc không hết mình. Ở đây có 3 dạng:

Vì một lý do nào đó mà những người không có năng lực hoặc năng lực không đáp ứng yêu cầu được nhận vào bộ máy hành chính Nhà nước. Kết quả công việc của những người này không nói chúng ta cũng có thể hiểu nó như thế nào.
 
Một đối tượng khác cũng có thể là có năng lực nhưng bố trí công việc không phù hợp. Vậy là, thế mạnh không được phát huy. Kết quả công việc của bộ phận công chức này cũng chẳng khác mấy so với những người không có năng lực chuyên môn. Đôi khi lại cõng thêm một điều tai hại khác là sinh ra tâm lý bất mãn, chán nản. Mâu thuẫn nội bộ cũng thường phát sinh từ những trường hợp như vậy.
 
Một biểu hiện khác về làm việc không hết mình của cán bộ công chức, là nhóm người có năng lực thật sự, có khả năng xử lý công việc tốt, trôi chảy nhưng lại không chịu làm theo đúng chức trách, chức năng nhiệm vụ của mình. Những việc đáng lý cần xử lý nhanh thì lại xử lý tà tà. Bộ phận công chức này thường phát sinh ở những cơ quan lãnh đạo thiếu quan tâm sâu sát, hoặc lãnh đạo cấp cao không đủ tầm và khả năng điều hành công việc. Sự lơ là, chậm trễ trong công việc là để gây khó dễ để bắt ép hoặc ngầm đưa ra thông điệp để những người quan hệ công việc, cần giải quyết công việc nhờ vả, chạy chọt, thông qua đó để tư lợi. Biểu hiện này thường xảy ra ở những cơ quan, ở những bộ phận có quyền hành.
 
Với những dạng công chức như vậy, có những dạng ứng xử cũng khác nhau.
 
Trong hoạt động của một cơ quan thuộc khu vực Nhà nước bao gồm hoạt động Đảng, chuyên môn, đoàn thể... từ các hoạt động này phát sinh ra “muôn vàn” dạng hội họp. Đại hội, hội nghị, giao ban hội ý… Trong tất cả các hoạt động này đều có một phần quan trọng là tham gia ý kiến để làm rõ các kết quả đã làm được và những việc chưa làm được. Thế nhưng có người dường như không bao giờ có một ý kiến nào. Không thể hiện chính kiến trước mọi vấn đề đôi khi cũng là một thói thờ ơ vô trách nhiệm, được chăng hay chớ. Biểu hiện này có 3 dạng:
 
Có thể là bản tính nhu mì, ngại đụng chạm. Những người này chắc chắn là năng lực “không dồi dào”, sợ mình đụng đến họ thì họ đụng đến mình. Đây là tâm lý yên thân.
 
Có những người thấy vấn đề cần nói, cần trao đổi để công việc tốt hơn nhưng không nói. Vì nghĩ rằng, những vướng mắc đó mình không nói thì cũng sẽ có người nói nói hộ. Không phát biểu chính thức nhưng những cuộc gặp mặt “vỉa hè” thì nhóm người này nói rất nhiều. Nói theo cách như là một sự thỏa mãn nhu cầu suy nghĩ. Đây chính là tâm lý nhờ vả, đùn đẩy. Cũng có thể nói dạng người này là “khôn lỏi”. Thế nhưng ở đời không ai dại để cho mình khôn. Một lần, hai lần… rồi dạng người này thường nhận được sự “cảnh giác” ở những người chung quanh.
 
Nếu hai dạng người nói trên thuộc về bản tính của chủ thể, thì dạng người sau thuộc về môi trường – dạng người không thèm nói. Không thèm nói trước một vấn đề đáng nói thường là những người có chuyên môn tốt, sắc sảo. Trước khi không thèm nói họ cũng từng nói, từng góp ý nhưng những người có trách nhiệm không tiếp thu. Vậy là ngày càng họ rút vào trong vỏ bọc để mọi việc mặc kệ. Thường môi trường cho dạng tâm lý của công chức này phát sinh là môi trường dân chủ không được phát huy. Cán bộ lãnh đạo thường gia trưởng, độc đoán. Nếu dạng tâm lý đầu tiên gây hại một thì hai dạng tâm lý sau gây hại nhiều lần. Bởi sự thật không được mổ xẻ đến nơi đến chốn. Những sai trái đôi khi đến lúc phát hiện ra thì vấn đề trở nên trầm trọng, khó khắc phục.
 
Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top