ClockChủ Nhật, 22/09/2019 08:30

Mưa đã thôi rơi

TTH - Con út, lại là gái nên ông thương nó hơn hai thằng anh; tên gọi Út Thương rất đồng nghĩa với tình cảm bậc sinh thành dành cho con. Đến cả cách dạy con gái của ông cũng khác hẳn với con trai.

Anh đừng đem theo muối nữaTừ thiện

“Thương cho roi cho vọt” đã thành một phần tất yếu với ông trong răn dạy hai thằng con hoang như giặc. Cả khi con đã có vợ và ra ở riêng, sự uy nghiêm của người cha vẫn sừng sững đối với chúng. Chẳng thế mà khi vợ chồng trẻ to tiếng với nhau, chỉ cần ông cất giọng sang sảng “có chuyện gì đấy” là chúng đồng thanh xuống giọng “dạ, không có gì, ạ”; liền đó, hòa khí được vãn hồi. Đến giờ, con trai có việc nhờ bố hoặc muốn góp ý với bố điều gì đều thông qua “kênh” trung gian là mẹ.

Với Thương thì ngược lại, khi nhỏ nó còn đè đầu cưỡi cổ bố. Ấy là mỗi khi cho con ăn, ông công kênh nó trên vai; chờ lúc bé khoái chí, cười toe toét là mẹ nhanh tay đưa một thìa cơm “điền vào chỗ trống”. Chẳng biết có phải do được nuông chiều quá hay không mà con bé hay làm nũng, khóc khỏe như người ta khóc thuê và kéo rê như mưa dầm tháng Chạp. Khi đi mẫu giáo, bé còn bắt bố mẹ ngồi chờ bên ngoài; nếu ngó ra không thấy lại lăn ra khóc. Cả thói quen ưa thích của con là được bố vác trên vai đi long nhong quanh phố cũng được ông chiều, cả vào ngày đông tháng giá. Lắm lúc bực con, ông tự “làm mát” bằng cách bỏ đi đâu đó, tuyệt nhiên không nặng tay như với hai thằng anh của nó. Chỉ một lần, dỗ con không được, ông tức quá, bồng bỏ nó vào chuồng vịt. Con bé khóc thét lên trước tiếng “cạp, cạp” của lũ vịt đang nhao nhao khiến ông hốt hoảng, vội vàng đưa tay ôm chặt lấy con, xuýt xoa.

Ông vui khi con gái chăm ngoan học giỏi từ phổ thông đến đại học. Những tưởng niềm vui ấy sẽ kéo dài để ông thỏa lòng hãnh diện với thiên hạ; nhưng không… Khi Thương vướng chuyện yêu đương vào năm thứ hai đại học, ông phấp phỏng lo và dự cảm chẳng lành. Vẫn biết bọn trẻ thương nhau thì có gì phải xoắn lên, thi sĩ còn quả quyết “làm sao sống được mà không yêu/không thương không nhớ một kẻ nào” nhưng thật tình ông chẳng thể bình tâm khi con vội vã, si cuồng.

Nhìn bạn trai của con, ông nén tiếng thở dài. Nghe hỏi về học hành, cậu ú ớ lảng tránh; hỏi nghề nghiệp thì cậu lập lờ “chờ việc” khiến ông càng rầu. Ông thấy cậu uống rượu hút thuốc chẳng phải dạng vừa; ở nhà người yêu mà cũng “dzô” tới bến và “cháy” hết mình như ở quán. Và nữa, ra mắt nhà vợ tương lai khác nào đi giới thiệu sản phẩm, không tinh vi nhưng phải tinh tươm; vậy mà cậu cứ chúi vào điện thoại, chốc chốc lại chạy ra ngoài, giọng đột ngột thầm thì, đầy vẻ mờ ám. Ông loáng thoáng nghe cậu nói về các đội bóng, với “cửa trên, cửa dưới”, “kèo thơm, kèo thúi” “nửa trái, một trái” rồi “chai, xị”… Chẳng hiểu đầu đuôi nhưng vẻ lấm lét như kẻ trộm kia khiến ông nghi hoặc, dè chừng.

Nghe bố bàn ra, con liền tán vào: “Anh ấy đàng hoàng mà”. Bố vạch ra mặt trái của người yêu thì con cố che lại và vẫn hy vọng ở tương lai: “Chuyện nhỏ mà, rồi anh ấy sẽ sửa thôi”. Bố chia sẻ lo lắng buồn rầu thì con lập tức trấn an: “Yên tâm đi, bố”. Ông thả tay bất lực, ngồi lặng trong cay đắng dâng đầy.

Người đời bảo, cái nết đánh chết cái đẹp nhưng với con ông chắc cái đẹp đè bẹp cái nết. Của đáng tội, bạn trai nó đẹp như minh tinh màn bạc; ăn nói thì thôi rồi, ngọt như đường hóa học; lại như người của công chúng, lúc nào cũng chải chuốt láng bóng và thoang thoảng hương thơm dìu dịu. Thấy con không cần giấu lời yêu thương và cử chỉ âu yếm dành cho bạn trai ngay trước người thân, cứ như muốn công khai khẳng định sở hữu tình yêu của nhau, ông biết mọi lời cản ngăn lúc này đều vô vọng.

Bố buồn; con cũng chẳng khá hơn, khuôn mặt vốn xinh tươi bỗng nhợt nhạt xanh xao, mắt thâm quần, đứng ngồi bần thần. Khoảng cách bố-con càng lúc càng xa; con gái không còn nhũng nhẵng bám bố xin tiền hay nũng nịu như mọi khi. Nhiều đêm không ngủ được, ông vật vờ đi ra đi vô; nghĩ về con, lại giận thương lẫn lộn.

Bà nhỏ nhẹ bảo ông: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, ông ạ. Mình làm căng, nhỡ có chuyện gì lại hối không kịp”. Ông dằn lòng, xót xa nói với con điều không mong đợi: “Con vẫn quyết theo ý mình thì bố mẹ không ngăn nữa, tôn trọng chuyện tình cảm cũng như cuộc sống tự lập của con”. Chẳng từ mặt hay đoạn tuyệt bố con, nhưng lời ông khác nào từ nay con đã vuột khỏi vòng tay bố mẹ, phải tự lo cuộc sống cho mình. Lời đau thương ấy bỗng vỡ vụn trong tiếng khóc không thể kìm nén của hai bố con.

Chẳng chờ cô dâu học xong đại học, cũng chẳng thể bàn lùi thêm nữa, đám cưới diễn ra vội vã theo lời khuyên của bác sĩ. Suốt tiệc vui, ông như diễn viên bất đắc dĩ; cũng ngượng ngùng nói cười và cảm ơn, cũng nâng cốc mời chào và nép vào người thân để chụp ảnh nhưng lòng thì héo hon, buồn tủi. Khách về hết, ông nằm vật ra giường, cứ như vừa trải qua một cuộc hành hạ.

Vẻ như không để ý đến con gái, thậm chí khi vợ vừa mở mồm định nói về con, ông đã khoát tay lia lịa: “Tôi không quan tâm!”. Là nói thế, nhưng ông vẫn biết con nghỉ học khi bầu đã to, chỉ quanh quẩn chăm lo nội trợ; may mắn là xin được suất nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, cách nhà bố mẹ không xa. Riêng thằng rể thì vẫn lông bông, lại nghiện cá độ đến mức không thể dứt, thành ra vợ chồng hục hặc dài dài. Khi nghe hai đứa đã li thân sau ngày có con chưa lâu, ông chì chiết trong câm lặng: “Đã bảo mà…”. Sau khoảnh khắc đắc ý vì thấy lời mình ứng nghiệm là nỗi đau mênh mông làm ông chết lặng.

Ông biết con gái vẫn lén về nhà khi bố đi vắng, thường vào lúc ông đi tập thể dục sáng và chơi cầu lông buổi chiều. Bố biết điều này bởi thấy chiếc khẩu trang của con hay khăn quàng cổ hoặc đồ chơi của cháu bỏ quên. Lại có chiều mưa, con gái tới cổng, nhìn cái túi đựng vợt cầu lông của bố treo trước cửa liền vội vàng quay lui. Lúc ấy, ông những muốn gọi con lại nhưng không cất nên lời. Nhìn dáng gầy gầy, tất bật, với bộ quần áo bạc màu toát lên vẻ lam lũ của con, ông thấy thương nhưng không vượt qua được lòng tự ái để dang tay đón con, nhất là lúc nó đang khó khăn chồng chất. Ông còn biết những lần con về nhà chỉ để được ăn cơm mẹ nấu; nhìn nồi cơm lớn vơi đi rất nhiều và rất nhiều chén bát cần rửa mỗi bữa, ông biết điều đó.

Những sáng đi thể dục và chiều chơi cầu lông của ông đột nhiên dài hơn trước đây. Sáng thì sau đi bộ là nhâm nhi cà phê, kéo rê từ tinh mơ cho tới lúc mọi người đi làm, ông mới về nhà. Chiều thì ông mang vợt đạp xe đi từ lúc chưa tan tầm cho tới khi phố lên đèn. Đã thế, ông thường ăn cơm một mình, với cơm canh đều nguội rồi dọn rửa.

Vợ ông ngạc nhiên thấy tinh thần thể dục của chồng đột ngột dâng cao. Trời mưa, ông vẫn đi thể dục; bị giãn cơ lưng, người nghiêng nghiêng như dáng cây sau bão nhưng vẫn không nghỉ thể thao. Bà lẩm bẩm, thuốc bổ mà quá liều còn có hại, huống chi rèn luyện thể lực!? Lại nữa, tập cả buổi nhưng người chỉ loáng thoáng mồ hôi và chẳng có vẻ gì như vừa lăn lộn trên sân. Bà nghĩ xa xôi rồi nhìn chồng, nửa đùa nửa thật: “Sao siêng thế, hay có em nào cùng đi bộ, đánh cầu?”. Ông trợn mắt, phì cười: “Tầm bậy, tầm bạ!”. Đáp lại cũng là nụ cười nhưng những lúc ông vắng nhà lâu đến bất thường khiến bà không yên; đã có lần bà lẳng lặng chạy xe bám theo chồng nhưng được một đoạn thì quay về khi thấy mình khuất tất như kẻ trộm.

Bắt đầu mùa mưa, ba ngày liền trời sầm sập xối nước; có việc ra ngoài còn ngại huống chi thể dục thể thao. Ông cứ đi ra đi vô, vẻ bồn chồn bứt rứt, chẳng rõ vì không được rèn luyện thân thể hay nỗi niềm chi. Bà thì mỗi sáng nhìn bầu trời đen kịt, sũng nước, lại than: “Mưa suốt!”.

Ngày thứ tư thì mưa đã thôi rơi. Thức dậy khi đèn đường còn giăng giăng trên phố, ông ra sân nhìn trời nhìn đất, hừng đông vằng vặc và sao dày chi chít. Ông vội xỏ giày, mở cổng, nôn nóng cứ như muốn tập bù những ngày nghỉ. Nhưng vừa bước ra đường, ông bỗng khựng lại, tần ngần một lúc rồi quay vô. Ông cất giày, khóa cổng rồi lặng lẽ lên phòng riêng trên lầu. Có lẽ vợ ông cũng không ngờ chồng lại bỏ thói quen thể dục vào một ngày đẹp trời như này.

Tầm sáu giờ, con gái đến, tự mở cổng và gọi mẹ rối rít; cứ như cô chờ lúc này đã lâu. Thấy bố đi ra, cô giật mình, tròn mắt. Con cúi xuống, lúng túng quay lưng; bố cất tiếng nhẹ nhàng: “Vào nhà đi”. Vẫn chưa hết bối rối nhưng không thể né đi đâu được nữa, cô đứng lặng, cũng không dám nhìn bố. Giọng ông nghẹn lại, hờn dỗi lẫn oán trách: “Không phải tránh bố nữa! Mày định bắt bố ra khỏi nhà đến lúc nào nữa, hả!?”. Bà từ dưới bếp chạy lên; hai mẹ con cùng nhìn ông sững sốt, có vẻ như họ chưa hiểu lời ông.

Ngạc nhiên cũng phải thôi; bởi họ đâu hay, những lúc ông vắng nhà lâu đến đáng ngờ kia chẳng phải vì quá đam mê thể dục thể thao mà là để con gái được thoải mái trở về ăn cơm mẹ nấu.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top