ClockThứ Hai, 24/02/2020 14:29

Mùa dâu chín

TTH - Cây dâu có mặt ở khắp các vùng miền trên đất nước ta và mang đến cho con người rất nhiều lợi ích.

Sáng nay, dậy sớm, mở cánh cửa phía sau nhà nhìn qua mảnh vườn nhỏ bên nhà hàng xóm, tôi thật ngạc nhiên khi thấy cây dâu lớn ở góc vườn, quả đã chín đỏ trên các cành cây. Xen giữa những quả dâu màu đỏ là những quả dâu chín tới, đã chuyển qua màu tím sẫm. Quả dâu chín chỉ to bằng 2 đốt ngón tay út nhưng hình dáng và màu sắc của nó thì trông rất bắt mắt. Nhìn cây dâu lớn khoe cành lá tươi xanh và những chùm quả chín đỏ dưới ánh nắng mai, tôi lại nhớ tới vườn dâu ở quê nhà, ở những bãi đất bồi ven những con sông lớn, nhỏ mà tôi có dịp đi qua.

Cây dâu có mặt ở khắp các vùng miền trên đất nước ta và mang đến cho con người rất nhiều lợi ích. Trái dâu chín ngâm đường, ngâm rượu trở thành một thứ nước uống tốt cho sức khỏe. Vỏ cây, rễ cây dâu dùng làm thuốc (tang bạch bì). Ngay cả con sâu nhỏ bám trên cành dâu, lá dâu cũng có thể bắt về để chữa bệnh cam cho trẻ em. Nhưng có lẽ nói đến cây dâu là người ta nói nhiều đến lá dâu nhất. Lá dâu xanh hình trái tim không chỉ trông rất bắt mắt, không chỉ đem tới ngọn gió lành cho xóm làng mà còn mang đến một lợi ích rất lớn cho con người, bởi đó là thứ lá dùng để nuôi tằm, để tạo nên nghề ươm tơ, dệt lụa. Hẳn là vì vậy mà kho tàng ca dao cổ truyền nước ta đã sản sinh ra rất nhiều câu nói về lá dâu, con tằm:

- Dâu kia hết lá vì tằm

Nỗi sầu biết gỡ mấy năm cho rồi.

- Tằm ơi, say đắm nơi đâu

Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu không nhìn?

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là những nghề có lịch sử lâu đời vào bậc nhất ở nước ta. Truyền thuyết dân gian có một câu chuyện rất hay nói về bà Ngọc Hoa, con gái của vua Hùng thứ 6 dạy dân nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Bởi vậy, thuở xưa, các làng chung quanh núi Tản Viên thường tổ chức “Hội tiến lụa” với đoàn diễu hành gồm những cô gái mặc toàn tơ lụa, tay cắp rổ lá dâu đi sau những người mang nong kén... Sang đời Lý Huệ Tông (1210- 1224), cô Thụ La là người rất giỏi nghề dệt lụa và bỏ rất nhiều công sức để dạy cho dân làng làm nghề này. Bởi vậy, bà được suy tôn là “Bà chúa dệt”. Tương tự bà Thụ La, đời Hậu Lê có bà Phạm Thị Ngọc Đô và Quỳnh Hoa công chúa được người đương thời tôn vinh là “Bà chúa lĩnh”, “Bà chúa tằm”. Sự khéo tay, hay làm của các bà, các chị ở các làng quê, phường phố đã tạo nên biết bao sản phẩm vải lụa nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc, ví như lụa Hà Đông, lụa Tân Châu...

Thừa Thiên Huế là vùng đất kinh kỳ giàu truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa của nước ta. Những bãi dâu xanh mướt bên bờ sông Hương, sông Ô Lâu... cùng những tà áo lụa duyên dáng của các cô gái Huế từ lâu đã trở thành những bông hoa đẹp trong nhiều câu hò, điệu hát nổi tiếng gần xa.

Núi Truồi ai đắp mà cao

Sông Dinh ai bới, ai đào mà sâu

Nong tằm, ao cá, nương dâu

Đò xưa bến cũ, nhớ câu hẹn hò...

Mùa dâu chín đã về. Ngắm nhìn những quả dâu chín đỏ bên cành lá xanh, lại nhớ bao việc làm hay, bao câu chuyện đẹp trong công việc làm ăn, trong đời sống văn hóa của nước ta.

Trần Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nét đẹp của Hội làng, Hội xuân xứ Huế

Thuở xưa, người bình dân gọi các lễ hội mở ở các làng xã là “Hội làng”. Hội làng ở xứ Huế mùa nào cũng có, nhưng mùa có Hội làng nhiều nhất chính là mùa xuân.

Nét đẹp của Hội làng, Hội xuân xứ Huế
An Truyền, làng hiếu học

Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang) được người địa phương xưng gọi bằng một cái tên rất dân dã, thân thương: “làng Chuồn”.

An Truyền, làng hiếu học
Return to top