ClockThứ Bảy, 18/04/2020 06:18

Mùa dịch bệnh, nhân viên cấp dưỡng “gặp eo”

TTH - Lâu nay, nhân viên cấp dưỡng ở các trường học sợ nghỉ hè vì họ sẽ không có lương. Giờ đây, dịch bệnh COVID-19 ập đến, họ xem như “nghèo lại gặp eo”.

Gỡ khó cho nhân viên cấp dưỡng

Lâu nay, nhân viên cấp dưỡng ở các trường học sợ nghỉ hè vì họ sẽ không có lương. Giờ đây, dịch bệnh COVID-19 ập đến, họ xem như “nghèo lại gặp eo”.  

Vất vả mưu sinh

Chị Nguyễn Ngọc Lan, nhân viên cấp dưỡng Trường tiểu học T. than thở, từ khi học sinh nghỉ học, tôi không được trả lương hàng tháng. Tôi phải xoay xở đủ nghề, mỗi tháng lại phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên 1.200.000 đồng nữa thì quả là rất khó khăn. Nếu không tham gia thì khi tôi sinh con sẽ không được hưởng các chế độ thai sản”.

Những nhân viên hợp đồng như chị Lan được hưởng lương từ nguồn thu phục vụ bán trú. Mỗi tháng, họ nhận bình quân khoảng 3 triệu đồng/người. Từ tháng 2 đến nay, học sinh nghỉ học nên nhà trường không thể chi trả lương. Khi ký hợp đồng lao động, gần như người lao động và chủ sử dụng lao động đều không tính đến tình huống học sinh nghỉ học dài ngày do dịch bệnh nên… lúng túng.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế), cho biết: “Toàn trường có 20 nhân viên cấp dưỡng. Ngân sách chi trả lương cho họ được lấy từ nguồn thu bán trú của phụ huynh đóng góp. Vẫn biết các cô sẽ chật vật trong dịch bệnh nhưng nhà trường vẫn phải động viên họ tham gia BHXH, BHYT”.

Nhiều hỗ trợ

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 700 giáo viên hợp đồng và 1.300 nhân viên cấp dưỡng ở mầm non và tiểu học không được trả lương khi học sinh nghỉ học do dịch COVID -19.

Những ngày qua, chúng tôi đã có dịp về nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh và được biết, các trường đã có nhiều phương án hỗ trợ linh hoạt cho nhóm đối tượng này. Nhiều trường vận động đoàn viên công đoàn hỗ trợ nhu cầu thiết yếu. Có trường cho mượn tiền hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để đóng BHXH. Công đoàn của một số trường hỗ trợ giáo viên, nhân viên cấp dưỡng đang mang thai, có con dưới 1 tuổi hoặc đang bị bệnh, bị giảm thu nhập do dịch COVID -19. Có trường vận động đoàn viên chi đoàn may khẩu trang; xây dựng quỹ bằng việc bán các giấy vụn, chai nhựa hàng tuần hỗ trợ cho con của nhân viên cấp dưỡng.

Cô giáo Hồ Thị Kiều Chinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Xuân (TP. Huế) cho hay: Toàn trường có 12 cấp dưỡng và trường đã đóng hai tháng BHXH cho các cô (1.320.000 đồng/người/tháng). Trường vận động giáo viên trong trường hỗ trợ gạo, mắm muối cho cấp dưỡng. Tuy nhiên, tình hình dịch nghỉ kéo dài thì bắt đầu từ tháng 4 trường phải chốt sổ BHXH.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, sở sẽ rà soát các đối tượng ký hợp đồng phù hợp để có hướng hỗ trợ hợp lý. Trước mắt, chính sách của Chính phủ có hỗ trợ 5 nhóm đối tượng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp để tạo điều kiện cho những đối tượng nào thuộc khung hỗ trợ được nhận hỗ trợ của Chính phủ. Ngành giáo dục tổ chức phát động trong công đoàn ngành hỗ trợ ngày lương cho nhân viên cấp dưỡng, hợp đồng. Một số phòng giáo dục ở các huyện, thị xã, thành phố đã lập danh sách các nhân viên hợp đồng để đưa họ vào phục vụ nấu ăn ở khu cách ly để có thêm chế độ của Chính phủ trong mùa dịch.

Cần sự chính danh

Trong 4 chức danh nghề nghiệp mà các trường học cần, gồm: Cấp dưỡng, thủ quỹ, y tế và bảo vệ, nhà trường phải biết “liệu cơm gắp mắm” khi nhiều trường chỉ có đủ kinh phí để trả lương cho 2/4 chức danh nêu trên. Thế nên, cấp dưỡng có thể kiêm luôn thủ quỹ và bảo vệ kiêm luôn nhân viên y tế. Ở các vùng nông thôn, một nhân viên cấp dưỡng có thể đảm nhận 2 - 3 vai. Trong khi đó, lương hàng tháng chỉ 2,5 triệu đồng, không đủ trang trải cho cuộc sống. Giờ đây nghỉ dịch, các cô gặp rất nhiều khó khăn.

Thu nhập thấp, điều kiện làm việc áp lực cao, thời lượng lại đến gần 10 giờ/ngày… đã thế, lại phải dựa vào nguồn xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh. Trường thu nhiều thì trả nhiều, thu ít đành phải trả ít. Thậm chí, nhiều nhân viên bị nợ lương nếu như nguồn đóng góp của phụ huynh sụt giảm. Một số vùng nông thôn, miền núi, tình trạng phụ huynh nợ tiền ăn của trẻ kéo dài vẫn còn nhiều, giáo viên không dám nhắc nhở sợ phụ huynh cho cháu nghỉ học. Vậy nên, có giáo viên phải tự bỏ tiền túi cho phụ huynh mượn đóng tiền ăn cho con.

Một số cấp dưỡng học trung cấp nấu ăn, có chuyên môn khá tốt, song vào làm thời gian ngắn, thấy thu nhập thấp nên xin nghỉ việc. Đó là lý do đa phần cấp dưỡng đang làm việc ở các trường học đều ở độ tuổi 40 -  55 tuổi. “Lo lắng nhất là sau nghỉ dịch các cô lại bỏ việc vì tìm được việc khác thu nhập ổn định hơn”. Hiệu trưởng ở một trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế, trăn trở.

Lực lượng nhân viên trong trường học là bộ phận gián tiếp. Việc ký kết hợp đồng là thỏa thuận giữa nhân viên cấp dưỡng và phụ huynh, số tiền chi trả do cha mẹ học sinh đóng góp, ngân sách không có khoản nào quy định cho vị trí việc làm này. Đó là điều khiến cho vị thế của nhân viên cấp dưỡng… chông chênh. Thế nhưng, nếu hoạt động của trường mà thiếu bộ phận gián tiếp thì không thể “chạy” được. Hơn lúc nào hết, họ cần sự chính danh không chỉ cải thiện thu nhập mà còn góp phần giảm áp lực làm việc cho lực lượng giáo viên và chăm sóc trẻ tốt hơn.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Return to top