ClockChủ Nhật, 19/06/2016 13:57

Mùa hạ dần qua

TTH - Đình làng hôm nay vắng, sau cơn mưa hàng quán không bày bán. Chỉ còn Cún với anh ngồi lặng bên cái thùng sắt và chiếc xe máy 87. Anh nhìn bầu trời qua những tán lá cây sũng nước.

Trời bắt đầu hửng nắng, những gợn mây xám tan dần báo hiệu một ngày nắng chói chang sau đêm mưa dài. Cún mơ màng châm điếu thuốc rồi rít một hơi đến tận cùng. Anh nén tiếng thở dài. Thôi, đừng hút nữa, đàn bà con gái cứ phì phèo thế. Cún nheo mắt. “Đi rồi, anh còn nhớ đến làng Mai không?” Anh im lặng. Dù ngàn vạn lần muốn nắm bàn tay Cún mà thốt lên. “Làm sao anh quên được”. Nếu nhắm mắt lại, bây giờ anh vẫn thấy rõ từng con đường, từng nóc nhà, mái đình và những cây hoa sữa… cả Cún nữa. Nhưng không hiểu sao lại chẳng thể nói. “Còn em? Em sẽ nhớ anh chứ?” Cún cười: “Anh thừa biết em đâu phải đứa dễ quên, chẳng như bọn đàn ông”.

Nước hồ, trong không một gợn sóng. Cún nhặt một chiếc lá thả xuống. Cá không lên đớp như mọi lần. Cá ngủ quên. Cún buồn bã phủi tay.

“Hôm nay có đi lấy hoa nữa không”? “Có chứ. Nhưng chiều mới lấy”. “Tý nữa anh có qua Thanh Xuân thì chở em quá giang một đoạn, đi làm thủ tục công chứng mấy cái giấy tờ”. Anh xúc động quay sang nhìn sâu vào mắt. “Anh quyết đi thật đấy ư?” Anh gật đầu. “Anh cũng đi rồi, em ở lại với hoa ư?” “Đừng như vậy, anh… khác, em… khác…”

Vòng xe lăn dần lăn dần, Cún ngồi giữa thùng các tông đầy sách cũ, và anh. Dận ga đạp liên hồi, bình ác quy hết điện ằng ặc vang lên, âm thanh như tắc ngang cổ họng khi người ta bối rối. Không ai nói với ai câu nào, đường, cây vụt đi nhanh hơn bình thường thì phải. Chắc anh cũng ngại, chắc là muốn nhanh nhanh thoát khỏi Cún để khỏi phải khó xử. “Em mà sợ anh ư? Em là chủ nhà cơ mà”. Cái câu nói thơ dại ấy cứ như lạc đâu đây mà Cún không tài nào nhặt được, gom lại và cất đi cho riêng mình. Nó là xa rồi. Xa tít ấy. Chẳng ai mà ở trọ mãi được, Cún hiểu cho anh. Anh cũng già rồi đâu còn là cậu học trò ngày xưa nữa. Cún cũng chẳng còn là cô bé suốt ngày chạy qua chạy lại dãy nhà trọ nữa. Nhưng mà anh thấy ngại, giá đừng yêu Cún, đừng để Cún hy vọng có lẽ sẽ tốt hơn. Nếu đêm mưa ấy anh về quê thì đã chẳng thấy Cún đứng đợi mẹ ngoài cổng, Cún buồn, rồi rũ trên vai anh. Anh hư quá, ngàn lần hư quá. Nhưng bây giờ mọi thứ đều hết rồi, anh chịu thôi. Anh đầu hàng số phận. Thằng sinh viên ra trường ba năm vẫn thất nghiệp như anh dám to tiếng với đời ư. Càng vùng vẫy thì càng bị nhấn chìm, sợ Hà Nội, sợ cái mảnh đất bon chen này lắm rồi. Anh về, làm một thầy giáo làng, lấy một cô vợ cùng làng, vậy thôi Cún ạ.

Dòng xe bị chặn ngang bởi đường tàu, ngày nào giờ này tàu cũng chạy qua. Mắt Cún lòa đi bởi một màn nước trong suốt, những âm thanh xình xịch quen thuộc kia gợi cảm giác chia ly mãi mãi. Tàu đi đến đâu? Những bóng người chen chúc vụt đi cùng với những ô cửa. Cún bíu chặt lấy vạt áo anh, hơi siết nhẹ một chút. Một chút thôi nhưng rất nhiều cảm giác, mà chắc rằng anh cũng cảm nhận được. Anh có nhớ em không? Bất giác Cún buột miệng hỏi. Ngập ngừng, hình như anh hơi gật đầu, anh không dám nói bởi nếu nói lên lúc này cũng thành vô nghĩa. Tiếng tàu, tiếng xe ù ù, ập ập thế kia, tiếng anh sẽ trôi đi Cún chẳng nghe thấy được.

“Điếc à, chạy đi, ông nghiền cho chúng mày nát bét bây giờ”. Anh với Cún giật mình quay lại, những cái mặt hằm hằm đầm đìa mồ hôi. Một lão già chở những thùng nhựa to gấp đôi người sặc sụa mùi thức ăn thải. “Đi anh”, Cún giục. “Vượt qua quãng tắc này là đến bến xe Mỹ Đình đấy, anh đi bến nào? Gửi xe về cùng hay sao?” “Không. Anh túc tắc đi xe về quê, 300 cây chứ mấy. Với lại đi một mình cho đỡ buồn”. Giời đất, đi một mình mà lại đỡ buồn, còn buồn gấp đôi mới phải chứ. “Tùy, mỗi người chứ. Anh là vậy, cái số không vui được, càng đông càng buồn”. Cún bật cười. “Chẳng có đôi nào trên đời chia tay nhau mà buồn cười như mình anh nhỉ”. “Ừ. Hay là mình ăn cơm với nhau một tý đã”. Anh gợi ý. Cún ậm ừ. “Em cũng đói. Để xin dấu xong rồi mình đi ăn”.

Mặc như thế này mà đến chỗ cơ quan nhà nước là không được. Người ta lại bảo hớ hênh, nhưng Cún mặc kệ. Tiếp đón Cún là những cái nhìn không mấy thiện cảm.

Sao phải ra đến phường Thanh Xuân mà xin dấu cho lằng nhằng, quận Từ Liêm thì không xin. Chú thông cảm, Từ Liêm toàn người quen nhà cháu làm cả, động tĩnh gì là đến tai bố cháu ngay. Thôi thì trăm sự nhờ các chú, có gì cháu bồi dưỡng thêm. Người đàn ông trạc tuổi bố chép miệng. Thanh niên các cậu thời này thật là… toàn làm theo ý mình, không hỏi qua bố mẹ một tiếng. Mà viết thêm sơ yếu lý lịch gia đình vào trong này chứ, trống không thế này ai dấu diếc cho được.

Cún đưa tờ sơ yếu lý lịch. Hai người đàn ông làm công chứng nhìn nhau. Đâu cần phải ghi rõ vậy. Cô chưa viết sơ yếu lý lịch bao giờ à? Cún lắc đầu. Chỉ cần tuổi tác, tên nghề nghiệp là đủ. Ai lại viết cả thói hư tật xấu vào đây làm gì. Thôi, viết tờ khác đi. Cún ngoảnh đầu quay ra nhìn, Anh đứng bên chiếc xe, nắng và bụi đường mù mịt. “Vậy viết thế này là sai ư?” Người đàn ông chẹp lưỡi, đưa tờ giấy lên. “Thực ra cũng không phải sai, nhưng sẽ khó dễ cho cô nếu đi xin việc, người ta cười đấy”. “Không sai là được rồi, các chú cứ đóng dấu cho cháu đi, bạn cháu đang đứng đợi. Đấy là quý lắm tôi mới nói để cô sửa đấy nhé, sau này có gì tự chịu đừng có trách chúng tôi. Cún gật đầu. Cháu có đi xin việc đâu mà sợ”. Hai người đàn ông nhìn theo Cún với ánh mắt ái ngại.

“Anh đợi có lâu không?” Cún đưa tay xem đồng hồ. Anh lắc đầu, đợi Cún lâu hơn một chút có sao đâu. “Cún xong chưa? Xong rồi, tại mấy cái thủ tục linh tinh em làm không quen lắm. Bây giờ mình đi ăn, em sẽ mời anh. Coi như lần cuối nhé”. Hai người đi dọc phố Thanh Xuân, những rặng cây xà cừ cổ thụ bị chặt trơ lại phần gốc và những hố bê tông mới trộn. Thanh Xuân bây giờ khác thế. Mấy tháng mà đã chẳng còn nhận ra. Chặt hết cây rồi, trường anh cứ trơ trơ kiểu gì ấy. Bụi cũng nhiều. Hình như người ta đang xây đường cao tốc trên cao thì phải. Cún mặc kệ xã hội phát triển có liên quan gì đến mình đâu. Mạnh ai nấy sống, cứ như anh Cường bảo ấy. Hơi đâu mà thương thay khóc mướn cho mấy hàng cây. Rẽ phải đi, ở Khương Trung có món thịt vịt ngon lắm đấy. Thịt vịt cơ à, sang thế. Mà Cún có tiền đâu. Anh khinh Cún thế, nghèo khó gì mời nhau một món ăn. Anh hết đời vẫn mang dáng dấp của một thằng giáo nghèo. Anh ngậm tăm, mặc cho mùi thức ăn hai bên đường quyện lẫn với mùi sông Tô Lịch thành một thứ khó tả.

Cún đưa Anh đến quán vịt trong một ngõ hẻm, giờ này không đông khách. Hai người đàn bà chặt chặt xiên xiên trộn lẫn bát gia vị đỏ lư lử. Người đàn bà phốp pháp có khuôn mặt dư thừa thịt sệ xuống bên quai hàm vừa xua ruồi ở vỉ nướng vừa cười đon đả. Anh chị lên gác hay ngồi dưới nhà? Cún nhìn anh rồi ngước lên gác. Người đàn bà hiểu ý cười khanh khách, lên trên đi, không gian trên ấy thoáng lắm, còn nhìn được ra ngoài hồ cơ. Vừa ăn vừa nhìn nó mới khoái. Cún bụm miệng, khiếp, vừa ăn vừa ngắm sông Tô Lịch thì cảm hứng gì. Người đàn bà tắt cười nhìn theo đôi tình nhân trẻ đi lên gác.

Sàn bệt, hai người ngồi bên chiếc bàn gỗ mốc với chồng bát người ta vừa mang lên còn chưa kịp lau khô. Cún buồn tay xóc ống đựng tăm. Còn anh như chỉ đợi cơm, sau một đêm rượu rũ rượi, mùi nướng, mùi nước mắm càng khiến anh nhũn người. Qua ô cửa nhìn ra hồ, nắng chan đỏ một dãy đường, người người chen chúc. Sau bữa thịt vịt anh sẽ về. Mà về như một người trốn chạy, đáng lẽ phải mời Cún mới đúng, phải mời cô ấy đến Vincom ăn KFC hay món gì đấy đại loại, nhưng… bây giờ không phải là lúc tự ái. Anh cũng khổ lắm, anh thương cho cái thân mình, cho đống sách vở bốn năm trời cùi cũi trên ghế nhà trường. Bây giờ nhiều chữ chưa chắc đã tốt. Bây giờ thì anh thấm lắm, vừa thấm lại vừa đau. Thôi thì từ biệt, dù sao với Cún anh cũng chẳng chuộc được lỗi bằng một bữa ăn. Chỉ có tí rượu, tí men cay thôi mới hợp với kiểu chia li, mới nói hộ được lòng anh. Cún rót một chén, trong mắt không hiện lên sự ngậm ngùi, buồn tủi, mà sự dửng dưng đến ngỡ ngàng. “Em mời anh một chén, dù sao”… Ngập ngừng một lúc. Nốc cạn chén rượu. “Dao đâm vào thịt thì đau...”.” Kìa Cún, đừng nói vậy, tội anh”. Cún toét miệng cười. “Anh uống đi, chén đầu cho thông ruột, đắng miệng để ăn cho ngon. Em cũng đói quá rồi”.

Anh nghe lời Cún, thấy chát thắt lại nơi ruột, như có dao đâm, sắc như lời Cún. Con gái Hà Thành cũng gớm lắm, đừng làm đứa con gái nào đau không thì nó sẽ cắt lòng người ta bằng lời nói ngọt. Anh nhìn Cún e dè. Còn Cún xăn xở xé đùi xé cánh, những ngón tay dài chi chít những vết gai đâm được bôi quệt bởi một màu mỡ béo. Những cắn xé nhồm nhoàm một cách cởi mở, anh cũng gắp gắp, và và một hồi. Thấy lòng dịu lại. “Anh xin lỗi”. Cún đưa cây đũa lên quẹt miệng một cách gọn gàng. “Cũng tốt, dù sao em cũng không muốn lấy anh, anh giáo làng ạ. Anh nên lấy một cô gái quê thay vì đứa con gái ngổ ngáo như em”. “Tháng mấy em đi?” “Sang tháng”. “Em đi rồi bố sẽ ra sao?” “Vẫn sống”. “Anh không thấy bố em bao nhiêu năm nay đâu có sống với mọi người, ông ấy sống với game, sáu phòng trọ cũng đủ để ông ấy tiêu xài, còn anh Cường với anh Mạnh nữa, em là thân gái. Báu bở gì. Anh là đứa cuối cùng ở xóm trọ ra đi. Em còn nhớ cái hồi buôn dừa về làm rượu của bọn anh Duẩn, báo hại cả xóm uống nước dừa vỡ bụng, thế mà cũng đi hết. Chẳng biết bây giờ về đâu”.

Cún chợt đăm chiêu.

Đừng buồn, thỉnh thoảng anh viết thư.

Cún tiễn anh đi, biết lần này chẳng bao giờ gặp lại nữa, Cún dặn mình cũng thôi bâng quâng, thôi nhung nhớ. Dù sao thì cũng có nhau rồi, vậy là đủ, một lần là đủ. Thành phố chia tay anh, không xáo động.

CAO NGUYỆT NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án

Ngày 7/12, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Hòa (SN 1990), Nguyễn Quang Trung (SN 1991, cùng trú tại phường Phú Hậu, TP. Huế) về tội “Trộm cắp tài sản”.

Trộm cổ vật, hai đối tượng lĩnh án
Đình làng Dương Phẩm thành phế tích

Từng là ngôi đình làng nổi tiếng bên dòng sông An Cựu thơ mộng gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân và đô thị Huế hôm nay, nhưng hiện tại, đình làng Dương Phẩm ở tại địa chỉ 153 Phan Đình Phùng TP. Huế chỉ còn là phế tích.

Đình làng Dương Phẩm thành phế tích
Đêm mùa hạ

Những ngày nắng chói chang của mùa hạ, ban ngày bầu trời ngan ngát xanh.

Đêm mùa hạ
Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng

Thời gian qua, bên cạnh gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh nhân… thị xã Hương Trà còn quan tâm trùng tu, sửa chữa những di tích đình làng đã xuống cấp, cần cấp thiết bảo tồn.

Trùng tu, bảo tồn các di tích đình làng
Return to top