ClockThứ Ba, 10/11/2015 10:58

Mùa mưa lũ & nỗi lo an toàn giao thông đường thủy

TTH - Tại các bến đò ngang hằng ngày có nhiều chuyến đò đưa đón người và hàng hóa qua lại trên sông và đầm phá Tam Giang. Phần lớn các chủ phương tiện chưa có giấy phép, thiếu các trang thiết bị, áo phao, phao cứu sinh…
Đò ngang ở bến Cồn Tộc - VĨnh Tu, hành khách đi đò không mặc áo phao

Chủ quan

Bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu (Quảng Điền) tầm 17h, lúc đang trời âm u, mưa gió. Mệ Nguyễn Thị Cần, khách đi đò cho biết: “Nhà tôi ở xã Quảng Công, thỉnh thoảng sang thăm con ở thị trấn Sịa, muốn đi cho an toàn phải đi vòng qua cầu Tam Giang xa hơn 10km” nên muốn gần phải chấp nhận đi đò, dù biết không an toàn. Tương tự, chị Hà Thị Minh, ở thị trấn Sịa nói: “Hàng ngày tôi qua xã Quảng Ngạn, Quảng Công mua các loại sản phẩm như môn, khoai, dưa hấu… đưa về chợ Sịa bán lại. Chừng16h hàng ngày, tôi lên đò từ bên kia phá Tam Giang sang bên này phá. Có những lúc trời động, mưa gió, ngồi trên đò tôi run, sợ đến thót tim”... Tuy các hành khách ngang các chuyến đò này đều có tâm trạng lo lắng nhưng lại rất chủ quan không mặc áo phao.

Tương tự, ở bến đò Điện Huệ Nam là tuyến đò ngang dẫn vào di tích điện Hòn Chén, các hành khách đều không mang áo phao và các phương tiện cứu trợ, chủ phương tiện cũng không nhắc nhở mỗi khi lên thuyền. Bến đò ngang Bao Vinh – Tiên Nộn cũng nằm trong trong tình trạng như vậy. Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa hành khách lên đò mà không quan tâm đến việc phòng ngừa nếu không may rủi ro xảy ra.

Trở lại bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu, hiện có 4 chủ phương tiện đang hành nghề đưa đón khách qua về phá Tam Giang. Theo quan sát của chúng tôi, cả 4 phương tiện này đều cũ. Người lái đò cho biết: “Mỗi ngày phương tiện đưa đón khoảng 50 lượt khách, qua về 10 chuyến. Hành khách ngoài người dân của ba xã Quảng Lợi, Quảng Ngạng và Quảng Công ra còn có giáo viên và học sinh của Trường THCS Tố Hữu (xã Quảng Công) và Trường tiểu học Quảng Ngạn”. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi chuyến đò bình quân có khoảng 12-15 người và 5 đến 7 chiếc xe máy. Trong khi đó, trên mỗi chiếc đò có khoảng 7 chiếc áo phao và pháo cứu sinh. Sở dĩ, mỗi khi đi đò không có một hành khách nào mặc áo phao; bởi vì, áo phao quá bẩn, bị mất khuy cài và số lượng áo phao ít so với hành khách trên đò…

Giải pháp

Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, hiện trên địa bàn có 99 bến thủy nội địa, hơn một nửa trong số đó là bến đò dân sinh và du lịch. Đến thời điểm này, chỉ có 20 bến được cấp giấy phép hoạt động. Phần lớn các phương tiện đang hoạt động đều không được đăng kiểm, nhưng cũng khó để xử phạt bởi vì đò ngang là phương tiện di chuyển chủ yếu của các hộ dân sống ở khu vực sông nước. Đa số các thuyền thiếu phương tiện cứu trợ như phao cứu hộ, áo phao, mõ neo an toàn, hoặc nếu có cũng không đáp ứng được đủ số lượng khách đi trên phương tiện.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20 CT-TT, yêu cầu chính quyền các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa trên địa bàn, đặc biệt là công tác quản lý điều hành hoạt động của bến khách ngang sông, vận tải khách du lịch. UBND cấp huyện, xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn. Kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tai nạn đò ngang ở địa phương mình.

Từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy và Thanh tra Giao thông đã xử phạt hàng trăm trường hợp phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về ATGT đường thủy vẫn tái diễn. Ông Lê Thế Bính, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế cho rằng, việc xử lý các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm gặp nhiều khó khăn bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có bến bãi để lưu giữ, neo đậu những phương tiện vi phạm; mức xử phạt hành chính thấp (trung bình dưới 1,5 triệu đồng) nên không đủ tính răn đe. Hơn nữa các chủ phương tiện chưa coi trọng công tác ATGT đường thủy nội địa, nên việc chấp hành quy định còn nhiều hạn chế.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Return to top