ClockThứ Hai, 16/09/2019 09:36

Mùa nấm tràm

TTH - Thừa Thiên Huế có đến sáu bảy chục ngàn ha rừng trồng, mà chủ yếu là tràm, nên đến mùa nấm tràm nhiều vô kể.

Tôi nhận biết mùa nấm tràm đến từ “chợ xổm” Nam Giao (TP. Huế). "Chợ" không chỉ bán nấm tràm mà nhiều thứ khác. Nhìn qua thấy toàn của miệt vườn: mít, chuối, dứa, măng, thanh long, đu đủ, chè xanh, rau má rừng (có lẽ là ở đồi, ven ruộng thì đúng hơn), một hai chục trứng gà ta (gà thả vườn)… Tôi đoán như vậy, bởi hàng bày bán rất ít, cái kiểu như thu hoạch được gì trong vườn nhà là đem xuống đây bán. Trong chốc lát là xong. Có một nải chuối, trái mít, quả thơm mà mang xuống ngồi chợ là bất tiện, nên cứ “bạ” bán ở đây. Rất dễ nhận ra của nhà vườn.

Bây giờ nói chuyện mùa nấm tràm. Năm nay mùa nấm tràm rơi vào đầu tháng 9, tức gần giữa tháng 7 âm lịch. Mùa nấm tràm năm nào cũng có nhưng không đồng nhất các tháng trong năm. Cứ hễ một vài trận mưa đầu mùa, vài ngày sau là có nấm tràm. Do để ý quan sát nhiều năm nên tôi được biết chỉ dấu để có nấm tràm, thứ nhất là mưa (sau một thời gian nắng nóng kéo dài); thứ hai là các loại cá suối đầu nguồn được bán nhiều ở chợ (trong có có loại cá leo – một loại cá da trơn), mà đặc biệt là chợ “chồm hổm” Nam Giao; và ở chợ có bán ếch đồng. Sở dĩ có các loại thủy sản đặc trưng này là nó “mừng nước”. Cỡ chừng 3 ngày sau có những chỉ dấu này là mùa nấm tràm mọc rộ.

Thừa Thiên Huế có đến sáu bảy chục ngàn ha rừng trồng, mà chủ yếu là tràm, nên đến mùa nấm tràm nhiều vô kể. Chỉ riêng chợ "chồm hổm" Nam Giao thôi mà mỗi ngày ước chừng bán cả chừng tấn nấm. Nấm được hái từ các cánh rừng phía tây như Thủy Bằng, Hương Thọ, Bình Thành, Bình Điền, thậm chí là các vùng xa như Hồng Hạ, Hồng Tiến đổ về. Vì hàng nhiều cho nên hình thành ở đây một cái chợ mua bán hết sức tấp nập. Chợ chỉ hình thành trong một thời gian rất ngắn, chừng hai ba ngày. Khi bông nấm đã to, hàng đã ít đó là dấu hiệu hết mùa nấm tràm.

Nấm tràm đã đưa lại cho người dân một nguồn lợi tự nhiên khá lớn. Tại chợ "chồm hổm" này, một kg nấm búp có giá ba mươi ngàn đồng. Về đến chợ, người bán lẻ ngồi gọt nấm thì giá đội lên khoảng sáu mươi ngàn đồng (vì tính thêm tiền công). Hàng chục ngàn ha rừng tràm, mỗi mùa cho không biết bao nhiều tấn nấm. Người làm rừng, người trong công việc hàng ngày có dính dáng đến rừng, làm gì thì làm nhưng đến mùa nấm tràm là bỏ hết công việc để đi theo thu lượm nấm. Đơn giản là nó cho ngày công cao hơn, có khi trúng mánh thì cao hơn gấp cả chục lần. Hỏi một số người đi thu hoạch nấm, họ không nói đến thu nhập mà họ hay nói: “không đi thì thôi, đã đi hái nấm là mê, có khi quên cả ăn uống”. Tôi hình dung cả một không gian rộng lớn, những vạt nấm cứ lúp búp dưới gốc cây, đúng là có sức “dụ dỗ” bước chân người.

Cái vị đắng của nấm tràm bây giờ làm cho nhiều người nghiện. Những người nghiện bây giờ mua nấm về trữ để ăn dần, bằng cách gọt sạch, luộc lên rồi cấp đông từng phần. Cho nên, nấm tràm bây giờ có bất cứ lúc nào nhưng không đến mùa thì nấm sẽ hơi đắt. Khi còn làm trang trại ở thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng, Hương Thủy), tôi có quen một người, cứ tới mùa nấm tràm là cả nhà tập trung gọt nấm, chuẩn bị than sấy khô rồi đóng hàng qua Mỹ. Bà con Việt kiều bên đó cũng mê nấm tràm như điếu đổ. Vì vậy, năm nào đến mùa nấm tràm cả nhà chị cũng thu được bộn tiền.

Mùa nấm tràm là mùa đón những cơn mưa đầu mùa, có thể là sự dự báo thời tiết chuyển mùa. Mùa nấm tràm là mùa cá ngược dòng lên thượng nguồn, ếch ra khỏi hang “bắt cặp” để duy trì nòi giống (giờ thì người ta biết đặc tính này nên chẳng mấy con được toại nguyện). Mùa nấm tràm là mùa họp chợ “chồm hổm”, cho nên nhịp sống nơi này nơi kia cũng thấy sôi động hẳn lên. Không ít người tìm cách gửi nấm đi xa để biếu bạn bè. Vậy là mùa nấm tràm trở nên dễ thương, tình nghĩa...

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Món quê da diết

Hôm qua thấy thèm thèm, mà cũng thử nấu là lạ xem nó thế nào, tôi nói với em gái trưa nay nấu canh dưa môn.

Món quê da diết
Để làm tốt hơn quản lý xã hội

Chính quyền của chúng ta hiện nay có 4 cấp. Cấp gần dân nhất là cấp phường xã, gọi là cấp cơ sở. Ngoài chỉ đạo điều hành các hoạt động và quản lý ở địa phương, cấp này còn là “cánh tay nối dài” cho cấp trên. Dưới cấp phường xã, không phải là một cấp chính quyền nhưng cũng có thể gọi là một cánh tay nối dài cho phường xã là thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Như vậy, chúng ta thấy, về mặt quản lý Nhà nước là hết sức chặt chẽ (ít nhất là về mặt hệ thống).

Để làm tốt hơn quản lý xã hội
Chia sẻ với Chính phủ, với người dân khó khăn

Báo cáo trước Quốc hội vào sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lương hưu. Lý do Chính phủ đề nghị điều này, theo Thủ tướng là “để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách”.

Chia sẻ với Chính phủ, với người dân khó khăn
Tăng trưởng xanh

Khái niệm phát triển bền vững mà chúng ta thường hay nghe nhắc đến trong thời gian gần đây, ở một khía cạnh nào đó cũng muốn nói đến – tăng trưởng phải nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tăng trưởng xanh
Thương nhớ mai rừng

Làng quê thì có nhiều thứ để nhớ. Như những ngày này, khi gió se se lạnh, vạt nắng cũng ươm vàng; hàng hóa bày bán đầy đường; chợ rộn ràng…dạo phố ngắm hoa, tôi lại nhớ đến mai rừng.

Thương nhớ mai rừng

TIN MỚI

Return to top