ClockThứ Năm, 03/07/2014 13:01

Mưa tháng sáu, máu rồng

TTH - Sau đêm khuya chong mắt dõi xem World Cup, bù lại là giấc ngủ trưa kéo dài sang tận buổi chiều. Lạ thay, mấy hôm rầy nóng bức, nhiệt độ ở Huế cứ ngất ngưởng trên cao, vậy mà chiều nay thức dậy nghe tiếng mưa rả rích lòng mình cảm thấy mát mẻ lạ thường, tâm hồn ngập tràn cảm xúc. Một cuộc hẹn ở nhà anh bạn văn lớn tuổi. Ngồi nhìn mưa rơi trong mơ mộng, bất chợt tôi giật mình khi nghe bà cụ tuổi đã xấp xỉ 90 xuýt xoa: “mưa tháng sáu, máu rồng”. Tháng sáu trời mưa, nghe rồi và ngân vọng mãi trong tôi là câu thơ tình lãng mạn nổi tiếng của thi sĩ Nguyên Sa: “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa”. Thế nhưng có chi đó rất lạ ở Huế, ở miền Trung nắng rát là “mưa tháng sáu, máu rồng” kia.

Trong cái nhìn và nếp nghĩ của người đời, rồng là con vật thiêng, sản phẩm của trí tưởng tượng nên cách cảm nhận về con vật này cũng tùy giới, tùy nơi, tùy tâm trạng mà trở nên rất khác nhau. Với những người nông dân, những con người làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi dân dã như ở Thừa Thiên thì rồng là con vật đem mưa tới. Khi mà “trông trời mà chẳng thấy mưa” thì đó là lúc “rồng đi lấy nước, rồng chưa kịp về”. Tháng sáu là cao điểm của nắng hạn, xứ Huế và miền Trung chờ mưa có khi “dài cả cổ” vậy nên mưa tới, rồng đã đem nước về, thì dù lượng nước có khi ít ỏi nhưng cũng rất có ích cho nhà nông. Nó được ví như “máu rồng” quý hóa lắm thay, hiến cho người đời nơi dương thế những thuận lợi, tránh được cảnh mùa màng thất bát, bệnh tật phát sinh, giữ được tiếng cười nơi đầu làng ngõ xóm. Lại nhớ tới câu thơ của một nhà thơ hiện đại Dương Phượng Toại: “Bây giờ mùa lúa thêm bông/ Nhớ mưa tháng sáu máu rồng lại dâng”.

Huế mình vừa trải qua những ngày nắng nóng kéo dài lại thêm rát bỏng của gió Lào kéo lại, rồng đi “lấy nước” quá lâu, khiến lòng người khắc khoải trong nỗi niềm đợi mong. Cả tháng rồi, đọc báo nghe đài, xem tivi, rồi đi lại đó đây nghe bao lời ca thán về nắng hạn khiến cho đồng đất khô nẻ, cây lúa không chịu nổi phải chết cong queo mà lòng thấy xót xa. Lại nữa, với nhiều vùng đất như Phú Sơn (Hương Thủy) nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước sinh hoạt khi các giếng nước bây chừ cạn khô. Nó gợi lại trong tôi những kỷ niệm của những ngày xưa ấy. Đó là thời điểm sau giải phóng, người dân làng Dạ Lê quê tôi có thói quen dùng nước giếng. Mùa hạ khô nắng kéo dài như thời gian qua, lần lượt các giếng nước trong làng đều khô kiệt. Vậy là muốn có nước dùng phải đi chở xe hàng mấy cây số hay phải thay nhau ngồi chờ “chắt nước”. Mạch giếng nước thì ít mà người múc lại nhiều, vậy nên phải chờ, có khi hàng mấy tiếng đồng hồ với cả hàng chục chiếc gầu. Ban ngày đông người, phải tới khuya mới í ới kêu nhau đi “chắt nước” với bao nỗi sợ. Giọt nước mùa khô hạn chắt được từ giếng nước làng đục ngầu, nhưng quý vô cùng, xem ra chẳng khác chi “máu rồng”.

Chờ mãi cho đến một ngày cơn mưa tháng sáu ập về. Đó là giây phút ngập tràn cảm xúc. Ừ nhớ rồi, ở Huế mưa tháng sáu nhanh đến, nhanh đi, ào ạt xua tan cái nóng hầm hập và làm dịu đi những tâm tư bỏng rát là cách nói của ai đó nghe chừng da diết lạ. Mưa không dai dẳng, lê thê. Mưa đến rồi mưa đi chỉ trong thoáng chốc, thế mà cũng đủ để lại nỗi day dứt và nhớ thương. Mưa tắm mát con đường, hè phố, tưới xanh mỡ màng hàng cây. Mưa thanh sạch lối đi về. Mưa để lại trong tuổi thơ ngày ấy bao kỷ niệm với nào là dầm mưa, nghịch mưa, tắm mưa…Còn với những kẻ như tôi đã chớm tuổi về già, lại mong sao mưa chậm lại một chút để lắng, để ưu tư, để nghe đâu đó tiếng thở thời gian khe khẽ. Từ nay, thôi biết rồi những cơn “mưa tháng sáu, máu rồng” hiếm hoi vào dịp cuối hạ này là mưa quý, mưa yêu. Nó là sắc màu lạ với những đổi thay theo mùa của mưa Huế, nơi có mùa xuân mưa bấc, mùa hạ (tháng sáu) mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm, như có ai đó từng bảo.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top