ClockThứ Năm, 07/08/2014 09:36

Mùa thơ ấu đã qua

TTH - Nhìn ảnh trái cơm rượu đứa em gái cùng quê đưa lên facebook mà nhớ, mà thèm. Loại trái ni có mùi thơm nồng như rượu và vị ngọt sắc mà ăn quá nhiều thì say. Có lẽ cái tên rất dân gian cơm rượu cũng xuất phát từ hương vị của chính loại trái cây dại này. Những ngày cuối hè, một trong những thú vui vô bờ của đám trẻ con làng mình là vô rú hay lên đập làng, nơi có những lùm cây um tùm tìm những trái cây dại đang chín rộ... Những loài cây mọc trên cát trắng chắt chiu từng giọt nước ngầm nên trái cây nào cây nấy đều rất ngọt và thơm.

Cuối hè, trời thường có những cơn mưa giông vào chập tối. Sáng ra trời mát dịu, cả lũ con nít rủ nhau vô rú hái móc. Loại trái cây này mọc khắp nơi và trái nhiều vô kể ăn vô vừa ngọt vừa chát mà miệng đứa mô đứa nấy xanh lè. Buổi trưa thì lủi vô những lùm cây cao bóng mát tìm trái bù tru chín từng chùm: bù tru tẻ, bù tru mèo, bù tru tày loại mô cũng ngon; nhưng ngon nhất là bù tru tày trái to, cơm nhiều, vừa ngọt vừa thanh. Lại có những cây Bù tru tẻ, chín từng chùm đỏ rất đẹp nhưng không biết răng có mùi tanh khó chịu nên ăn không được mà nghe người lớn nói là bị “ma liếm”. Buổi chiều đi tìm sim chín, thường phải lên tới khu đôộng mã Ngài của làng trên cách xa gần chục cây số mới có nhiều trái sim. Lũ con nít xóm mình cứ chân trần lủi khắp các lùm cây... Có lần, mấy thằng trèo lên mấy cây rỏi đang chín ăn no nê. Đến khi xuống gốc cây cả mấy thằng thấy mắt cứ ríu lại và nằm lăn ra ngủ ngay dưới gốc cây khi nào cũng chẳng biết khiến cả xóm phải đi tìm. Thì ra trái rỏi ngon thiệt nhưng ăn nhiều thì say giống trái cơm rượu...

Nhưng chuyện mình nhớ nhất là có lần theo mấy đứa bạn chăn trâu trong xóm lên đôộng của làng trên hái trái bứa ăn bị mấy người giữ rú đuổi chạy trối chết. Đến khi thoát hiểm, gặp ngay mấy đứa nhỏ làng trên đang hí hửng trở về nhà cùng một xâu con dông chiến lợi phẩm sau một ngày đi bẫy. Thằng Thịnh “Pháp” thân hình phốp pháp phùng mang trợn má hùng hổ tịch thu toàn bộ dông và cả mấy cái bẫy dông. Mấy đứa kia thì khóc lóc: “Em đi ri chơ mạ em đi chợ mua mướp đắng sẵn rồi, chờ em mang dông về nấu canh...”. Thấy tội quá mình bảo thằng Thịnh trả lui cho rồi. Một chặp hắn cũng xiêu lòng trả lui. Trên đường về nhà hắn hậm hực: “Mi không nói thì tau cũng trả lui cho bọn nớ nhưng nhớ là lần sau đừng có xen vô chuyện của tau nghe chưa!”

Đầu thu làng vào mùa gặt. Mùi rơm rạ cứ quyện khắp các con đường làng. Mình nhớ cứ vào mùa gặt cuối tháng 8 là gác lại chuyện vui chơi ngày hè, cầm vội mấy quyển vở cho vào cái cặp cũ đến trường. Mình cầm cặp đi ngang qua ngõ nhà thằng Thịnh “Pháp” nói vọng vô: “Tau bữa ni đi học rồi, ba tau không cho vô rú chơi nữa. Mi nhớ có trái chi ngon ngon hái về tối mang lên nhà tau ăn…”. Thằng Thịnh đang đổ cỏ cho trâu ăn trước sân nhìn mình và thoáng buồn: “Chà được đi học sướng hè!”…

Con đường đi học vàng ươm một màu rơm mới. Có bữa học về nửa buổi gom sách vở lại bên đường mấy đứa chui vào mấy đống rơm chơi trò “ cắt cụp… lính đi, lính bắn”. Thời đó học hành cũng nhẹ nhàng và thực sự là mỗi ngày đến trường là một ngày vui... Xóm mình có 4 đứa học cùng lớp, sáng í ới gọi nhau đi học, trưa lại đi bộ về cùng đường với bao trò vui. Bạn đồng niên bây chừ Cúc đã là mẹ của 5 đứa con ở làng, gầy lắm nhưng nụ cười vẫn “như mùa thu tỏa nắng”; gặp mình khi mô cũng vui: “Răng bữa ni mi mập rứa mi!”. Ba thằng con trai, mình vô Huế học, thằng Chiến ra Bắc học sĩ quan, thằng Sơn phiêu dạt vô TP Hồ Chí Minh may vá kiếm sống…Mỗi đứa một cảnh nhưng vẫn nhớ về nhau…

Mình đã mấy lần hò hẹn qua điện thoại rằng có một ngày hè mô đó, cả bọn cùng về làng để gặp nhau rồi dẫn theo mấy đứa nhỏ vô rú, lên đập làng cho bọn trẻ biết về cái tuổi thơ ngập tràn cây cỏ, hoa trái của ba mẹ chúng. Nhưng cuộc hẹn đó đến chừ vẫn chưa thực hiện được...

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top