ClockThứ Sáu, 31/01/2020 14:39

Mùa xuân đủ đầy…

TTH - Dạo này ai cũng mơ về một mái ấm riêng. Các bậc phụ huynh lúc này cũng không còn nhiều suy nghĩ truyền thống nên việc “sắm sửa” cho những gia đình nhỏ với hai thế hệ là điều giản thường và đã dần quen thuộc.

“Tết Huế” năm 2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/1

Tôi không rõ đằng sau những cái gật đầu đồng ý kia, các nội, ngoại có nghĩ ngợi gì nhiều về những xúc cảm vương lại sau quyết định của con, cháu mình không. Bởi là thế hệ sau, và cũng sợ sau này sẽ phải như vậy nên thường né tránh, nên tôi chẳng đoán được. Có thể, nửa vì mình không đủ thông tưởng để nhìn thấu, nửa vì những lằn ranh nhăn nheo đã hằn quá sâu, nên dù nội, ngoại có đang nheo mắt, hay thở dài, hoặc tràn đầy trầm ngâm hướng theo vết xe chở “mặt trời một đời của mình” khuất dần về phía xa, thì con cháu lúc này cũng khó mà tỏ được.

Sống trong gia đình gồm ba thế hệ, nên những tưởng là cũng hiểu, nhưng lắm khi được hỏi, hoặc tự hỏi về sự khác nhau giữa các kiểu gia đình, về sự khuôn phép và tự do mà mọi người thường thay nhau định nghĩa, tôi vẫn luôn ậm ự và mập mờ trong suy nghĩ để liền mạch câu chữ. Ấy vậy mà trong phút chốc, rồi qua hành động này, hành động nọ, tôi vẫn thường òa ra ngỡ ngàng: ừ thì khác chỗ này, giống chỗ kia..... Ngày hôm ấy, nắng nhẹ hắt qua khóm chuỗi ngọc trước cửa xuyên vào phòng, bản thân cũng vì câu hỏi cũ mà lại òa lên: “À. Lại khác trong tiếng tivi, vô tuyến truyền hình”.

Vì nhà có nhiều thế hệ, tức có nội, có ngoại đang bước những bước rất chậm, nên mọi âm thanh khi phát ra và thu về đều trở nên ngắt quãng, rời rạc và mong manh đến thắt ruột. Vì vậy, nếu không kể rõ ra thì cũng dễ mà hiểu được trong gia đình, buộc quen với chuyện ăn to, nói lớn không còn là điều gì kỳ lạ. Lúc ngoại bắt đầu yếu đi, kỳ thực là việc phải nói lớn hơn, chậm hơn, kết hợp với lặp lại nhiều lần ngày càng trở thành những hành động quá đỗi thân thuộc. Ở một vài khoảng khắc, hay đúng hơn là rất nhiều khoảnh khắc, sự lặp lại có lúc sẽ bị gằn lên, sẽ chứa chan bực dọc. Trong gia đình có nhiều thế hệ, mọi câu chữ, cuộc trò chuyện đều dễ mà nhìn như tranh cãi. Điều này chắc với những mái ấm nhỏ mà tôi chưa từng thử qua cũng sẽ có lúc gặp phải, nhưng tuyệt nhiên không thể thường xuyên như vậy được.

Ở các thời buổi mà mỗi người có một thế giới ảo nhỏ nằm gọn trong tay, trong túi thì dù có là một thiết bị điển hình, nhưng khó để tivi, vô tuyến lại trở thành một vật phẩm được sử dụng thường xuyên như thời trước. Ở một góc nhìn hơi khác, họa chăng sẽ hiếm ai nghĩ đó là vật nhắc cuộc sống vẫn đang còn đủ đầy, hay chí ít ngay lúc này, đây có thể chỉ là suy nghĩ “lệch nhịp” đầy yêu thương mà tôi tự dành cho định nghĩa sống của riêng mình.

Dù nhà mình, hay ở nhà khác, thì phòng riêng của ông bà luôn nằm ở tầng thấp hơn, gần cửa ra vào để dễ bề di chuyển. Nếu diện tích nhỏ thì chẳng nói làm gì. Chứ chỉ cần một chút thênh thang ra, là hai, ba căn phòng với hai, ba thế hệ sẽ vì những hiện đại mà tưởng gần, nhưng muôn trùng xa cách. Một vài thời điểm, khi tiếng cải lương vẳng lên từ phòng ngoại, vút qua tận mấy bậc cầu thang rồi rơi vào phòng mình, phòng ba mẹ, sau mấy đợt trở người rồi tiếng ba: “Ngoại coi gì mà to dữ”, tôi – phận con cháu mới chợt thấy đây dường như là một trong những kết nối giữa các thành viên khi nhắc về sự hiện diện của nhau.

Nhớ ngày trước, cái hồi mà suy nghĩ còn xanh, mỗi lần nghe tiếng hò dô, luyến láy của các diễn viên, cầu thủ từ vô tuyến của căn phòng tầng dưới, tôi vẫn thường nhăn mặt, vùng vằng phủ nhanh tấm chăn dày lên mình đầy bực dọc. Sau mấy mùa trăng, cuộc sống đổi khác, suy nghĩ cũng vì vậy mà mấy phần luân chuyển. Đặng bữa ngoại còn vu vơ: “Tụi này nói gì tao càng ngày càng nghe không rõ” một cách thảnh thơi trước sự rời bỏ dần của cái tinh tường hồi còn khỏe, cô cháu chỉ ước âm lượng tivi có thể điều chỉnh lớn đến vô cực và kéo dài mãi mãi, để tin rằng cụm chữ “ngày càng không rõ” sẽ được kéo dài ra, để không có một ngày im lìm rồi mất hút theo tiếng tích tắc vô thường của đồng hồ trên mảng tường sơn mịn.

Tết lại đến. Mọi người bắt đầu dần vui vẻ đón nhận và lẩm nhẩm theo mấy bản nhạc xuân với âm lượng to thật to phát ra từ tivi phòng ngoại mà không cảm thán gì nữa. Độ này, bài xuân gì tôi cũng thấy hay hết thảy. Dù là Xuân xuân ơi xuân đã về hay kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông, đến Happy news year, happy new year… đều dễ mà mang đến trong lòng sự phấn chấn. Nhưng “mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi lại thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần” là điều mà tôi thường lảng tránh và không muốn bị bảng lảng trong lòng…

 “Hai hôm nay không còn nghe tiếng chổi quét sân quen thuộc đó nữa, mình biết ngoại đã mệt lắm rồi” là điều mà ba tôi đã viết mấy năm về trước. Vậy là cái mệt lắm rồi đã chực sẵn từ nhiều ngày, nhiều tháng. Con gái nhạy cảm và hay sợ hơn, thế là tết năm nay và muôn vàn cái tết khác nữa, chỉ mong mỗi bận nhạc lên, dù có lấn át cỡ não, thì bực dọc cũng sẽ tan biến đi, để khi mình vờ gọi “Ngoại ơi, ba ơi, mẹ ơi....”, biết là sẽ chậm, nhưng chỉ mong lẫn trong mấy câu thoại hò reo quay sẵn, phát sẵn, cuối cùng vẫn nhận được một lời đáp trả...

Bởi như thế, mùa xuân sẽ thật đủ đầy...

Nhi Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân

Ngày ba mất, mắt mẹ buồn như cơn mưa mùa đông. Mẹ nhìn An như cây nhìn mưa, rũ rượi bên hông cửa. An lặng lẽ xếp từng chùm hoa giấy bỏ vào bao nilon. Năm nay không có tết rồi vì nhà cậu không ai buồn gắn những bông giấy nhỏ xinh để đem lên phố bán cho kịp người ta đưa ông Táo. Khi còn sống, ba An nói: “Cố mà giữ lấy nghề của tổ tiên. Ta không giàu vì những bông giấy Thanh Tiên mà giàu vì hồn quê, vì vốn văn hóa của một thời cha ông để lại”.

Bông giấy vẫn nở dưới mưa xuân
Mùa xuân nhẹ nhàng

2 giờ sáng mồng 8 Tết Giáp Thìn, tuy Huế ban ngày có hửng nắng nhưng đêm và sáng sớm trời vẫn rét căm căm. Ấy cũng là lúc vừa kết thúc một ngày làm việc của tôi như thông lệ kể cả trong những ngày Tết. Ngỡ chỉ có mình tôi trở về giữa đêm xuân trên cung đường vắng lặng, nhưng không, có một bãi rác ngay góc ngã tư Lê Quý Đôn – Bà Triệu còn có một đôi vợ chồng đang cần mẫn với công việc nhặt rác.

Mùa xuân nhẹ nhàng
Return to top