ClockThứ Năm, 06/01/2011 14:16

Mùa xuân - mùa đỗ quyên Bạch Mã

TTH - Có lẽ không khó để nhận ra loài hoa xinh đẹp này giữa vô số kỳ hoa dị thảo của núi rừng, dù ta từng bắt gặp nó ở Đà lạt với màu hỏa hoàng như một quầng lửa hay ở Sa Pa là những màu trắng, màu vàng tinh khiết. Hình ảnh loài hoa đỗ quyên có hình chiếc chuông nhỏ với năm cánh thuôn thuôn luôn mang một vẻ dịu dàng khó tả. Vì vậy, dù đường đến thác Đỗ quyên tại Bạch Mã khá vất vả vẫn thu hút nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng.


Đỗ quyên chuông. Ảnh: Huỳnh Văn Kéo

Điều kỳ thú là đỗ quyên của Bạch Mã lại có màu đỏ như máu, sắc đỏ nồng nàn đến ngỡ ngàng. Không hiểu huyền tích “chim quốc kêu suốt mùa hè đến nhỏ máu mắt mà chết nên còn gọi là chim đỗ quyên có liên quan gì đến loài hoa có màu đỏ của máu cũng mang tên ấy không? Nhưng cái màu đỏ không chói chang đó làm nhìn thấy cứ mang cảm giác ngỡ ngàng rồi xao xuyến, và một chút bâng khuâng... Quả thật, loài hoa này có một chút đỏng đảnh tiểu thư khi nắng không ưa mà mưa cũng không chịu . Nhìn từ xa dòng thác Đỗ quyên khi ra hoa như là chiếc khăn màu đỏ thắm của một cô gái có mái tóc thật dài. Cứ xem dòng thác đang mùa hoa là chiếc khăn gió ấm cho những người giữ rừng vào cuối đông để thấy yêu thêm loài hoa đẹp này. Nhiều tay máy say mê mùa đỗ quyên ra hoa nên cứ tìm lên nơi này vào mùa xuân, không ít người có những bộ sưu tập khá phong phú. Công bằng mà nói những bức ảnh này khó lột tả hết vẻ đẹp của đỗ quyên như khi nhìn hoa nơi đỉnh Bạch Mã. Nhất là khi ta nhìn hoa bằng một tấm lòng.


Mùa hoa Đỗ Quyên. Ảnh: Huỳnh Văn Kéo

Đỗ quyên là hoa bản địa của rừng Bạch Mã nhưng không hiểu sao chưa có gốc nào được xem là cổ thụ? Với nắng ấm mùa xuân hoa chỉ tồn tại hết mùa “trăm hoa đua nở” này là hẹn cuối đông năm sau. Người ta tin rằng nếu đưa đỗ quyên Bạch mã ra khỏi thác Đỗ quyên thì sẽ không trồng được. Hầu như tên và hoa chỉ sống một nơi nhất định. Cũng chưa thấy ai gầy được giống đỗ quyên Bạch Mã... Gần đây, Việt nam ta đang băn khoăn trong việc quyết định quốc hoa thì từ lâu đỗ quyên đã là quốc hoa cho Nepal, xứ sở nhiều đồi núi này. Tất nhiên không ai dám tham vọng loài hoa mình yêu thích sẽ tranh cử cùng các loài hoa danh tiếng khác của nước ta. Tuy nhiên tại sao vườn quốc gia Bạch Mã không chọn đỗ quyên là biểu tượng hoa (state flower) nhỉ? Mấy năm lại đây vườn quốc gia này có thêm giống đỗ quyên chuông (Enkianthis Lour) tương tự như hoa Maguet của Pháp và mang hình quả chuông đậm nét nhất. Với màu hồng, đỗ quyên chuông đã tạo cho nơi này thêm một sắc hoa đẹp, đặc biệt hoa có đời sống dài hơn vì thời gian sinh trưởng sang đến mùa hạ và Bạch Mã lại có thêm điều để du khách khám phá. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình chưng đỗ quyên chậu của Trung quốc có màu đỏ tía khá đẹp mà sao vẫn thấy nhớ màu hoa đỏ rưng rức trên núi cao ấy, để nhớ rằng nơi ấy có mùa hoa đang nở...
Nguyễn Thị Nguyên Hương


 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top