ClockChủ Nhật, 24/02/2013 19:24

Mười bảy năm, khẳm một Thuyền Trăng

TTH - Hồ Thế Hà có thơ in báo từ những năm còn ở bộ đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường Cambodia (1978-1982), về học tiếp đại học, tốt nghiệp (1985) rồi ở lại làm giảng viên đại học. Anh liên tiếp cho ra đời những tập thơ chững chạc như Khoảnh khắc (1990), Nghìn trùng (1991), Xác thu (1996). Bỗng nhiên im hơi lặng tiếng, cho đến nay, anh mới cho in tập thơ thứ tư, tập Thuyền trăng (Nxb Văn học, 2013).

Mười bảy năm qua, không phải anh không làm thơ, mà thỉnh thoảng vẫn có thơ xuất hiện trên các báo và có lẽ, anh tập trung công sức cho các công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, có đến 5 đầu sách in riêng, trong đó có những công trình đã nâng tầm vóc tác giả trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, được xã hội thừa nhận là học giả như Tìm trong trang viết (1998), Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004), Những khoảnh khắc đồng hiện (2007)... Chen giữa các công trình khoa học, anh không chỉ có 45 bài thơ chở khẳm Thuyền trăng, mà đây là kết quả của sự tinh tuyển khá kỹ trong hơn mấy trăm bài, sản phẩm của “những khoảnh khắc đồng hiện”, khi thư giãn / khi anh “lui vào bên trong, ứng phó với mình” (Đỗ Lai Thúy).

 

Là một tập thơ tuyển trong một thời gian dài, trước hết nó khẳng định một thi cách không chỉ về cảm quan và tư tưởng, cảm xúc và tư duy, mà cả về thi pháp nghệ thuật. Trước hết, về mặt đề tài, anh không tập trung soi rọi vào một mảng hiện thực đời sống nào cụ thể, mà chủ yếu là nhằm giải bày cảm xúc. Những vầng sáng lấp lánh qua từng con chữ nặng đầy cảm xúc là ý nghĩ tinh khôi về những người thân trong gia đình (các bài mẹ, lặng lẽ tuổi mười sáu con gái tôi, những khu vườn cổ tích), về các bậc tiền nhân, những người thiên cổ (Hồ Xuân Hương, gửi Whitman - lá cỏ, cảm thức Phùng Quán, ngẫu cảm Chế Lan Viên, cảm thức Trịnh Công Sơn, thuyền trăng, khóc Hoàng), ghi lại cảm xúc về một vùng đất, nơi anh đã sống hoặc nơi anh đã từng qua trong và ngoài nước (Huế gọi tôi về, sông Hương, ngược phá Tam Giang, Đà Lạt, sông Tiền sông Hậu, mắc nợ, ghi ở Tây Hồ, bến trăng mơ, những người đàn bà che mặt), hoặc ý nghĩ từ những cảm xúc bất chợt (hư vô, không đề, âm thanh từ gió, với cỏ, tờ lịch)... Nhưng nói đến bất cứ điều gì, anh đều dốc ngược cảm xúc, “lần tách vỏ trong ngôi nhà tâm hồn”.

Những bài thơ hay của anh là những bài nặng đầy cảm xúc, từng con chữ và cả giấy và mực không còn là cái xác vật chất vô hồn, mà nó mang hơi người, mang hơi ấm tâm hồn và thi cách của thi nhân. Nghĩ về bậc sinh thành, anh đau đáu một nỗi niềm: “có cách chi để an ủi mẹ / dù chỉ một lời dịu ngọt / dù chỉ nhổ một sợi tóc sâu” (mẹ); với Phùng Quán, anh nhận ra cốt lõi ở nhà thơ tài danh và một đời lận đận, cả hai dường như đều tột cùng: “ông viết trên giấy có kẻ giòng niềm vui, nỗi đau / dù tình ca, du ca, bi ca hay hùng ca cũng thế / một niềm tin da diết ở con người” (cảm thức Phùng Quán). Hồ Thế Hà có những bài thơ lục bát súc tích, là sự tích hợp thơ ca truyền thống mang bản sắc văn hóa Việt và tư duy thơ hiện đại, tạo nên những bài thơ có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc, như bài Một trước đây, và nay, trong tập thơ mới này, với bài Nến tình, chất trí tuệ và cảm xúc thẩm mỹ hòa quyện một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một thế giới hình tượng sống động, vừa gần vừa xa, vừa âm vang nhịp điệu như nhạc vừa đầy chất tạo hình như họa, tất cả như dậy hẳn lên, thật khó phôi pha: “Tặng nhau nụ nhớ làm gì / hoa tròn búp đợi còn chi đêm dài / người đi lạc hút hình hài / mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh / Ngủ đi trăng nước gặp tình / mai lên đỉnh Ngự soi mình vào sông / sóng thì sóng của cội lòng / xanh thì xanh của mênh mông đất trời / Thì ngồi thả lá mà chơi / may ra gió có mang lời cỏ hoa / nhắn giùm ta chút thật thà / nến tình hao khuyết sương sa hao chờ”.
 
Tuy cả tập thơ chỉ có hai bài anh đề cập trực tiếp đến trăng (thuyền trăng, bến mơ trăng), nhưng có đến 25 lần trong 18 bài, anh bị ám ảnh bởi trăng. Trong lời tựa, nhà phê bình tài danh Đỗ Lai Thúy cho rằng “trăng, với các nhà thơ Bình Định, bao giờ cũng mang tính ám thị”, và Hồ Thế Hà cũng là người Bình Định. Đọc lại các nhà thơ một thời đã làm nên một thi đàn, một trường phái thuộc vào loại nổi tiếng nhất nước ta, là trường thơ loạn ở Bình Định, với các tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, người nào cũng thổi hồn cho trăng, tạo nên những nội dung mỹ cảm và sức sống hình tượng lâu bền trong tâm tưởng người đọc, trong quá trình hiện đại hóa thơ Việt. Hàn từng có câu thơ nhất tự tuyệt bút “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng”, thì ở mức độ nhẹ hơn, thấp hơn, nay Hồ Thế Hà cũng có câu thơ tương tự: “lang thang trăng, trăng là trăng” (hư vô). Tôi nói nhẹ hơn, bởi trăng của Hà chỉ dừng lại ở mức trăng khuyết, trăng chao, trăng mơ, trăng lữ thứ... chứ chưa riết róng đến mức trăng quỳ, trăng ngủ, trăng ngã, trăng thơm, trăng ghen... như các nhà thơ mới. Cũng chính vì Hà say trăng như thế, nên Nguyễn Khắc Thạch có một nhận xét hết sức chính xác soi thấu cõi tâm hồn Hà rằng: “Nơi ấy, trong trường năng của nó, cũng hư ảo đơn thầm như lòng giếng, ôm bóng trăng mà ngỡ là trăng...”. Hồ Thế Hà còn giống với trường thơ loạn một yếu tố nữa, đó là khác với ba tập thơ trước, tập thơ này anh nghiêng về chất thơ trí tuệ, có nhiều bài luận về triết lý nhân sinh (cứu rỗi, hư vô, không đề, trở về tâm linh, những mảnh vỡ, yêu hay ghét, những câu hỏi). Cũng có thể là do “vấn đề địa - tâm thức” như Đỗ Lai Thúy đã nói, hoặc do tư duy nghiên cứu mà có sự xâm nhập, ảnh hưởng một cách không ý thức (luận án tiến sĩ của Hồ Thế Hà là Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên và anh đã có không dưới năm mươi bài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ mới và thơ hiện đại). Vì vậy, đây vừa là ưu điểm, lại vừa là nhược điểm của thơ anh.
 
Hồ Thế Hà sáng tác theo phương pháp truyền thống, không chạy theo các xu thế thời thượng như hậu hiện đại, tân hình thức, nhưng thơ anh vẫn hay. Những nỗ lực đổi mới về thi pháp đã giúp cho thơ anh “đồng hiện” với nhịp điệu tâm hồn của người đọc hiện đại, trong đó, phần lớn anh không phụ thuộc vào vần điệu, hoặc đổi mới nhịp điệu câu thơ, tạo sức sống phái sinh cho hình thức vật chất của từng con chữ, có thể tạo nên giọng điệu thơ ca đậm nét phong cách lãng đãng của thi sĩ Hồ Thế Hà: “Bồng bềnh / Bồng bềnh / Vi vu / Vi vu / Sương mù / Sương mù / Nhẹ rơi / Nhẹ rơi” (Đà Lạt); hoặc có những khổ thơ độc vận như “Thời gian ánh chớp xua tình đơn côi / không gian con mắt nhìn vào thiên thu / hoa vàng nhắn gửi người từ trăm năm / đá buồn thành tượng cội nguồn ăn năn / tình ca thành tiếng biển hát xa xăm!” (cảm thức Trịnh Công Sơn).
 
Chỉ riêng về thi pháp đặt tiêu đề cho tác phẩm, cũng có thể thấy Hồ Thế Hà là một người có ý thức sáng tạo, với tất cả ý nghĩa của từ này. Này nhé, tên các tập thơ là văn chương tưởng tượng, vừa cô đọng, súc tích, vừa thể hiện điểm nhìn về không gian, thời gian của chủ thể: Khoảnh khắc, Nghìn trùng, Xác thu, Thuyền trăng. Vừa hoạt động thực tiễn vừa đề ra lý thuyết, vừa làm được thơ vừa chuyên nghiên cứu phê bình thơ mà lĩnh vực nào cũng được coi là “khả kính” như Hồ Thế Hà thật là đáng ngưỡng mộ biết bao, và với anh cũng không phải là trường hợp duy nhất. Nhưng quá quen nhận xét thơ người, đến khi sáng tác thơ mình, tránh sao khỏi có lúc lý trí “chen ngang”, làm chợn vợn, khô mòn về cảm xúc, nhất là xu hướng lý trí, triết lý đang diễn ra trên thi trình/ái trình của thi nhân hiện nay. Đó là điều anh cần lưu ý và cảnh giác, không chỉ là cái ngưỡng mà còn là cái đỉnh thường xuyên hiện ra trên con đường leo dốc đòi hỏi anh phải vượt qua.
Phạm Phú Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
  • Mua Bán Ký Gửi Cano Giá Rẻ
Return to top