ClockThứ Sáu, 09/07/2010 05:22

Muốn diệt bớt cỏ dại, hãy trồng thật nhiều hoa

TTH - Tuy chưa tổ chức cuộc triển lãm nào nhưng sách ảnh Xuân Thì của nhiếp ảnh gia Thái Phiên đã tái bản lần thứ ba. Cuốn sách được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao Cup VAPA và được Đài Tiếng nói Nhân Dân TP. HCM bầu chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm 2008.
Nhân dịp anh về thăm quê, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã trò chuyện với anh - nhiếp ảnh gia chuyên chụp khỏa thân nổi tiếng ở Việt Nam.
 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên
 
Sinh ra ở Huế nhưng rời quê từ nhỏ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên hiện đang lập nghiệp và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Nặng lòng với quê hương, tất cả 6 kỳ Festival Huế, bạn bè, đồng nghiệp đều thấy anh trở về lăn lộn, tác nghiệp với tư cách là phóng viên ảnh thực thụ. Trên website cá nhân, anh dành hẳn một góc giới thiệu ảnh đẹp quê nhà với tên gọi “Huế thương”. Anh tâm sự, trong các thể loại, sáng tác ảnh khỏa thân gặp nhiều khó khăn và thách thức vì định kiến, quan điểm... của xã hội. Là người thích được thử thách nên anh gắn bó với nghề. Đất sống những tác phẩm anh chính là sự úp úp, mở mở mà anh thường đùa với bạn bè là “rất Huế”. Ảnh khỏa thân ở Việt Nam là “món ăn lạ”. Dưới con mắt người phương Tây, ảnh anh vẫn mộc mạc, kín đáo và rất Á Đông .
 
Điều gì anh cho là khó khăn nhất khi sáng tác mảng đề tài ảnh khỏa thân?
 
Khó nhất trong chụp ảnh khỏa thân là phần con người. Người ta thường bảo: “Lực hút của nam - nữ mạnh hơn lực hút của Newton”. Tôi luôn biến lực hút nam - nữ đó thành tình yêu nghệ thuật. Tôi thường nói đùa rằng: bình thường tôi là Trư Bát Giới, nhưng khi sáng tác ảnh khỏa thân bỗng hóa thành Đường Tăng. Chưa bao giờ tôi nói với ai là tôi đã từng chụp người mẫu này, người mẫu kia. Đây là nguyên tắc nghề nghiệp, có lẽ vì vậy mà tôi được người mẫu tin cậy và tìm đến.
 
Người mẫu trong ảnh của anh có lẽ là những người đặc biệt?
 
Khi có nhiều người tìm tới chụp ảnh, tôi nghĩ đó đã là thành công lớn đối với người cầm máy. 18 năm sáng tác mảng đề tài này, tôi nhận thấy họ là những người trí thức, yêu cái đẹp, am hiểu ít nhiều nghệ thuật và tin tưởng vào người mà mình phó thác. Bất cứ ai tự cảm thấy mình đẹp, dám vượt lên thành trì định kiến của xã hội đều có thể trở thành người mẫu trong ảnh của tôi. 
 
Anh nghĩ gì khi một vài người cho rằng, chính vì sự “nhạy cảm” nên ảnh khỏa thân khó được cấp phép triển lãm?
 
 
Từ thời văn hóa Đông Sơn, trên thạp đồng Đào Thịnh đã miêu tả cảnh nam nữ ân ái với nhau. Trong truyền thuyết Chử Đồng Tử và nàng Tiên Dung cũng có cảnh khoả thân. Khoảng 200 năm trước, cụ Nguyễn Du cũng đã tả Thuý Kiều tắm với vẻ đẹp “dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”... Hầu hết trong các bộ môn văn học nghệ thuật đều có cảnh khoả thân, tại sao trong nhiếp ảnh lại không dám nhìn với góc độ nghệ thuật mà cứ vin vào hai chữ “nhạy cảm” nhỉ? Đứng trước một tác phẩm art nude (khỏa thân nghệ thuật), người xem sẽ rung động với nhiều cảm xúc nghệ thuật, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, hướng thiện, hướng mỹ… khác xa với những khao khát dục tính khi xem ảnh sex.
 
Nếu ảnh khỏa thân nghệ thuật được công bố rộng rãi, công chúng sẽ đến được với cái đẹp; cũng giống như muốn diệt bớt cỏ dại hãy trồng thật nhiều hoa vậy. Tôi rất tâm đắc với 2 chữ “sát-na” của nhà Phật, nghĩa là đời người như khoảnh khắc, hãy lưu giữ lại khoảnh khắc đó sao cho có ý nghĩa. Còn nếu đã là nghệ thuật thì muôn đời vẫn là nghệ thuật và sẽ không phụ thuộc vào việc được cấp phép triển lãm hay không! Cuốn sách Xuân Thì đã được công chúng nhiệt tình đón nhận thì tôi tin chắc rằng cuộc triển lãm cũng sẽ thành công thôi!
 
Anh có sống được bằng nghề chụp ảnh khỏa thân?
 
Thật ra, không ai đi kinh doanh ảnh khỏa thân cả. Vì để có một tấm ảnh nude, chúng tôi phải tốn kém rất nhiều. Có lần, tôi và người mẫu phải bay từ Sài Gòn ra Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc lại thuê một chiếc tàu ra đảo xa để chụp hình. Mỗi lần như thế, được một vài tấm ưng ý là vui lắm rồi. Là một cử nhân quản trị kinh doanh, tôi không dại gì đầu tư kiếm lợi nhuận bằng ảnh khỏa thân. Tôi theo đuổi nude nghệ thuật vì đam mê thôi. Công việc chính của tôi là làm báo (biên tập viên cao cấp của mạng xã hội Việt Nam - GoNews), bên cạnh đó tôi còn làm lịch và chụp quảng cáo cho khách hàng trong và ngoài nước.
 
Xin cảm ơn anh!
 
 
“Trong nhà tôi treo khá nhiều ảnh nude, bà xã tôi nói rằng: “Con còn nhỏ, e rằng chưa hiểu nghệ thuật”. Tôi trả lời: “Vì con còn nhỏ, nên mình cần phải treo nhiều ảnh khỏa thân nghệ thuật hơn nữa, để các con hiểu thể nào là nghệ thuật, tự nhiên chúng sẽ tránh xa những trang web xấu.
 
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thái Phiên sinh năm 1960 tại Huế. Anh từng được phong tước hiệu E.VAPA (Excellence Artist of Vietnam Association of Photographic Artist); E.FIAP (Excellence Artist of International Federation of Photographic Art - Fédération Internationale de L’Art Photographique); được Hiệp Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ PSA xếp hạng “Who’s Who?”.
 
Đã đoạt 48 giải thưởng trong nước và quốc tế, ngoài ra còn có trên 300 tác phẩm khác được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hai tác phẩm “Xuân Thì” và “Lối Về” được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nhiếp ảnh nghệ thuật Tây Ban Nha - MIF)
 
Chủ biên bộ sách “NHỮNG TÁC PHẨM NHIẾP ẢNH ĐOẠT GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ”, được Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế chọn đưa vào thư viện của FIAP.
 
Tuệ Ninh ( thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top