ClockChủ Nhật, 19/07/2020 11:16

Muôn nẻo luyện thi

TTH - Nắng nóng, lại phải chạy đua cho kịp thời gian, nhiều “sĩ tử” chuẩn bị thi vào lớp 10 mệt nhoài. Vậy nên, chọn trường và luyện thi vừa sức cũng là chiến lược của nhiều phụ huynh khi cuộc đua cận kề.

Luyện trò đi thi trong mùa dịchTự học và tự ôn thi

Học sinh ôn thi trên lớp (Ảnh minh họa). Ảnh: HỮU PHÚC

Chọn trường đúng sức

Không phải dậy sớm chở con đi học như trước, tôi bắt đầu nghi ngờ về độ lười biếng của con. Con bé cười hiền lành, thời đại công nghệ, con ngồi ở đâu mà học chẳng được. Hình như sau đợt dịch COVID - 19, cô giáo U50 của con cũng đã “lên tay” khi chủ động dạy online mà không cần người kèm cặp như trước. Cô trò lập nhóm chat, học giờ nào, môn gì cứ được thông báo liên tục. Cô gửi bài qua nhóm, trò không hiểu bài, cô lại livestream. Chỉ cần trò chịu khó chăm chỉ làm bài, vậy là cũng giải quyết được khâu di chuyển đi lại.

Vất vả ở các lớp luyện thi

Tôi cứ thắc mắc mãi vì sao cùng thi vào lớp 10 nhưng có bạn lại ít học thêm nhưng có bạn lịch học lại dày đặc. Mẹ của bạn con gái tôi tiết lộ, ấy là chị đã biết chọn trường cho con đúng sức của cháu. Bản thân chị không gây áp lực, cô giáo lại đồng tình với quyết định chọn trường nên chỉ cần con giữ phong độ ổn định sẽ “vượt vũ môn” dễ dàng. "Chỉ có những bậc cha mẹ có con chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới cảm thấy việc học của các con quá vất vả, căng thẳng. Bản thân các con phải chịu rất nhiều áp lực. Điều gia đình có thể làm giảm áp lực là tư vấn con chọn vào ngôi trường có điểm đầu vào phù hợp, gần nhà”, chị Yến Anh trải lòng.

Nóng lò luyện thi

Gần ngày thi, không khí luyện thi ở các lò thi nóng dần lên. Bắt đầu từ 5h sáng, trung tâm luyện thi ở đường Nguyễn Huệ đã đón học sinh chuẩn bị lên lớp 10 vào học. Học 2 tiếng đồng hồ, nhiều em lại cuống cuồng đi học tiếp. Buổi chiều, lịch học của các em cũng bắt đầu dày đặc, đơn đơn cũng phải thêm hai, ba suất nữa, có khi đến tối mới về. Tôi hỏi Liên, cô bé học Trường THCS Chu Văn An, đang chuẩn bị thi vào chuyên sinh Trường THPT chuyên Quốc Học về các lớp luyện thi, hình như năm nay cập rập, sát ngày thi mà lịch học vẫn dày đặc. Áp lực thi cử khiến cô bé con 15 tuổi trở nên già dặn; cũng phải chịu khó thôi, dịch COVID - 19 chuyện học gián đoạn nên còn không ít ngày nữa cô cho luyện đề thi hết 64 tỉnh, thành, làm hoài mới quen tay. Em cũng mệt rũ rượi nhưng không làm bài tập ở nhà để cô sửa thì khó mà hiệu quả.

Chiều trong các quán cóc vỉa hè ở phía bắc, nhiều phụ huynh ngồi chờ đón con với vẻ sốt ruột. Lịch học luyện thi dày đặc, nhà lại ở xa, chạy tới chạy lui chi mất công nên nhiều người đành ngồi đợi. Xu hướng chọn thầy cho con có khác hơn trước khi học theo nhóm nhỏ thay vì đến trung tâm học đại trà. Phụ huynh cũng kén chọn việc chọn thầy nên thế mới có chuyện học xa cách mấy cũng đem con đến miễn hiệu quả. Thế nên, trong xe của nhiều người như một siêu thị thu nhỏ, sợ con mệt và cũng không có thời gian để ăn nên đem theo khá nhiều đồ ăn, thức uống. Tôi đã thấy nhiều cái lắc đầu với khuôn mặt phờ phạc không muốn ăn của các em dẫu địa điểm học tiếp theo vẫn phải đến. Con học căng, vất vả và phụ huynh cũng mệt nhoài không kém. Nhiều người phải cắt phép để phục vụ chuyện ăn uống và chở con đi học.

Trở lại câu chuyện vì sao nhiều em học luyện thi chương trình dày đặc trong khi tỷ lệ chọi ở các trường vẫn không cao. Giới học trò kháo nhau, không chủ quan khi danh sách đăng ký vào các trường top đầu đều giỏi, nghĩa là, học lực ở 3 môn thi chính văn, toán, Anh văn đều rất tốt. Hơn nữa, nếu năm trước, lượng thí sinh đăng ký vào Trường chuyên Quốc Học trên 1.000 em thì năm nay con số đó đã lên 1.500 em, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ 420 em như mọi năm. Áp lực là điều có thật, thế nên, có khá nhiều em mỗi môn học học đến hai thầy, riêng môn thi chuyên thường có một thầy đề kèm cặp, ôn tập. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều phụ huynh, phải cho con hoàn thành các khóa học cơ bản thì mới học nâng cao, do đó, những ngày cận kề thời gian luyện các môn chuyên trở nên gấp rút.

Đừng gây áp lực cho con

Trong một nhóm phụ huynh có con học lớp 9, cô giáo nhắn tin khuyến cáo phụ huynh, quan tâm đến các em hơn vì có hiện tượng xuống sức. Thực tế đã xảy ra khi có em có dấu hiệu mệt mỏi, những bài toán đơn giản nhưng lại không tìm ra lời giải, câu chữ cứ tắt tịt khi ngồi cả tiếng đồng hồ vẫn không mở được đề bài cho một đoạn văn. Tôi biết áp lực đè nặng lên vai các em. Nhiều em cũng muốn vào trường chuyên, lớp chọn, phụ huynh lại muốn con có trường tốt để học và những người thầy, ngoài tâm huyết, vẫn còn có người muốn các em có kết quả tốt nhất để họ có thương hiệu.

Sau khi nghe chuyện học trò thời nay học luyện thi vào lớp 10 đầy cam go, bà giáo già đã nghỉ hưu ở đầu ngõ nhà tôi đã khuyên trong lúc này nên để các em ngủ đủ giấc, tránh cố nhồi nhét kiến thức. Sự học là “mưa dầm thấm lâu”, giờ nhồi nhét chỉ khiến các em căng thẳng, giảm trí nhớ. Cha mẹ nên khuyến khích con cố gắng vừa sức mình. Nếu áp lực quá nhiều khi sẽ phản tác dụng. Dẫn chứng của người đã từng đưa đò hơn 30 năm khiến nhiều người giật mình khi học trò cũ của bà vì áp lực quá mà vào thi không làm bài nổi, nhìn đề không hiểu, đến lúc bước ra thì bật khóc, nói với tôi rằng: Ra khỏi phòng rồi nhìn lại đề thấy câu nào cũng có thể làm được, vậy là xôi hỏng, bỏng không.

Cách thức ra đề thi của những năm gần đây cũng đã khác, lối ra đề sẽ tiếp tục được thực hiện theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích học sinh tư duy, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề. Các em học sinh cần ôn tập kiến thức một cách hệ thống, nắm chắc kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề trong chương trình. Không học tủ, học vẹt chắc hẳn sẽ có một kết quả thi cử đánh giá đúng năng lực của người học. Thế nên, giữ sức khỏe cho các em trong mùa nắng nóng khi ngày thi cận kề là việc cần làm của nhiều phụ huynh trong lúc này.

HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Thông tin doanh nghiệp:
Top 5 mẫu balo nữ đi học cấp 1 cấp 2 cấp 3 đẹp và địa chỉ mua tại Hà Nội TP HCM

Balo nữ đi học không đơn thuần chỉ là vật dụng đựng các đồ dùng cá nhân đi học mà nó còn là phụ kiện thời trang cho các bé gái hiện nay. Vậy nên lựa chọn balo đi học nữ cấp 2 cấp 3 và cấp 1 mẫu nào? Địa chỉ mua balo đi học chất lượng, giá rẻ tại Hà Nội và TPHCM ở đâu? Hãy cùng Vietmadeco tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Top 5 mẫu balo nữ đi học cấp 1 cấp 2 cấp 3 đẹp và địa chỉ mua tại Hà Nội TP HCM
Return to top