ClockThứ Tư, 11/08/2021 14:23

Mưu sinh bằng nghề sửa khóa

TTH - Thầm lặng làm nghề, mưu sinh, những người thợ sửa khóa ngồi lặng lẽ trên những góc phố vẫn luôn tìm thấy những niềm vui và ý nghĩa cuộc sống từ công việc mỗi ngày.

Mưu sinh mùa nắng nóngGiữ nghề đan lướiVượt khó mưu sinh

Ông Hồ Tâm đang tỉ mẩn “đánh” chìa khóa cho khách

Túc tắc kiếm tiền

Qua cầu Trường Tiền, rẽ phải vào đường Trần Hưng Đạo, dễ dàng nhìn thấy ngay chiếc tủ nho nhỏ đặt ở góc vỉa hè có đề mấy chữ “làm chìa khóa”. 47 năm về trước, cũng tại bên hông cầu Trường Tiền này, ông Hồ Tâm (57 tuổi) bắt đầu mưu sinh bằng nghề làm chìa khóa. Năm đó, ông chỉ mới 10 tuổi.

Hồi đó, ông hay lân la học lỏm việc sửa khóa của mấy người lính khi họ vô ra chợ Đông Ba hoặc mấy quán xá liền kề để ăn uống. Hẳn lúc đó, ông không bao giờ ngờ, chút kiến thức ít ỏi ấy, sau ngày đất nước thống nhất, đã giúp ông ngồi bên chân cầu, túc tắc mưu sinh.

Mỗi chiếc chìa khóa được ông “đánh” với giá từ 15 – 20 nghìn đồng. Mỗi ngày mặt trời lên thì dọn hàng, mặt trời lặn thì dẹp “tiệm”, túc tắc làm việc, ông Tâm cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng để trang trải cuộc sống, cùng vợ nuôi ba người con vừa học xong đại học.

Ông Tâm nhớ ngày đầu vào nghề, bộ đồ nghề của ông chỉ là chiếc dũa, chiếc kìm, chiếc cưa… chứ không có máy “xịn” như bây giờ. Ông vừa làm, vừa mày mò tự học, tự nghiên cứu cách sửa chữa. 47 năm vậy mà trôi qua như cái chớp mắt, cho đến bây giờ, khi tóc trên đầu đã hai màu đen trắng, ông Tâm vẫn không ngừng tự học, liên tục cập nhật những mẫu mã mới để bắt kịp với xu hướng thị trường sản xuất khóa ngoài kia.

Khác với ông Tâm, anh Lê Văn Hải (43 tuổi) lại được cha ruột truyền nghề. Bắt đầu theo nghề sửa khóa khi mới 13 tuổi, đến nay anh Hải đã có thâm niên 30 năm trong nghề. Cũng giống như bất cứ một nghề nghiệp trong xã hội, nghề sửa chìa khóa cũng đòi hỏi người làm nghề phải nỗ lực học hỏi mỗi ngày, không ngừng nâng cao tay nghề, để không bị lỗi “mốt”.

Theo anh Hải, công việc sửa chìa khóa nhìn thì nhẹ nhàng, nhưng lại đòi hỏi rất cao ở sự khéo léo, linh hoạt, và cả sự tỉ mẩn, nhẫn nại trong công việc. Có ổ khóa chỉ cần làm chìa vài phút là xong, nhưng có khi phải mất 2 đến 3 tiếng mới hoàn thành. Không ngừng tìm tòi, học hỏi để khiến đôi bàn tay đầy những vết chai sần của mình trở thành đôi tay vạn năng, có thể “xử” bất kỳ một ổ khóa “khó nhằn” nhất, nên khách hàng tìm đến anh Hải còn có cả các cơ quan, doanh nghiệp. Cần mẫn làm việc, mỗi tháng anh Hải có thu nhập ổn định trên dưới chục triệu đồng.

Niềm vui nghề nghiệp

Ngay ngã ba đường Hồ Đắc Di và đường Nguyễn Khánh Toàn, là nơi đặt chiếc tủ sửa chìa khóa của anh Nguyễn Văn Khánh (44 tuổi) gần chục năm nay. Anh Khánh bắt đầu làm nghề chìa khóa từ năm 1991. Có một thời gian, anh Khánh đã bỏ nghề sửa khóa để tìm một công việc khác mưu sinh. Nhưng dường như duyên nợ với nghề cứ nắm níu mãi, để rồi hơn chục năm trước, anh đã quay lại với công việc mà mình từng theo đuổi khi còn trai trẻ.

Anh Khánh kể, nghề làm chìa khóa bình lặng, suốt ngày chỉ ngồi im ở một góc đường, cho đến khi có người mất chìa khóa, họ mới nhớ đến những người như anh. Vui nhất của nghề sửa khóa, là nhìn nụ cười đầy mừng rỡ và tiếng cảm ơn rối rít của khách hàng khi nhờ đôi tay người sửa khóa mới được vào nhà, khi lỡ đêm hôm mưa gió mà lại xui xẻo đánh mất chìa khóa mở cửa. Những lúc như thế, anh Khánh thấy công việc của mình thật ý nghĩa. Niềm vui mà công việc đem lại, đôi khi chỉ là những tiếng cảm ơn rất nhẹ thế thôi.

Còn anh Hải, thì thấy công việc của mình thật ý nghĩa, khi góp phần giúp lực lượng chức năng giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Anh Hải vẫn còn nhớ như in người đàn ông ngoại tỉnh dẫn xe máy đến nhờ anh phá khóa. Lúc đó, anh Hải nghi ngờ là xe do kẻ gian lấy cắp nên đã bí mật chạy theo đến tận nhà trọ, sau đó tố giác tội phạm. Nhờ nhiều lần đề cao cảnh giác, anh Hải đã góp phần giúp lực lượng công an phá án. Năm 2017, anh Hải được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ghi nhận sự đóng góp của anh cho xã hội.

30 năm theo nghề, bây giờ anh Hải đã có người nối nghiệp, chính là người con rể của mình. Còn ông Tâm, hay anh Khánh hoàn toàn không có người kế tục. Theo ông Tâm, nghề sửa chìa khóa, đòi hỏi người làm phải có cái tâm, nếu không, sẽ dễ dàng sa ngã. Từng ấy năm gắn liền với những chiếc ổ khóa lặng thầm mưu sinh trên phố, cũng có người qua kẻ lại xin ông theo học nghề. Nhưng có người tâm không đủ sáng, có người thiếu sự khéo léo, tỉ mẩn… nên ông Tâm vẫn chưa có ai để truyền nghề.

Không giàu, nhưng cũng không nghèo, những người thợ làm nghề sửa khóa ngày ngày vẫn lặng lẽ trên phố mưu sinh, và tự tìm thấy những niềm vui trong công việc của chính mình.

Bài, ảnh: Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Mưu sinh từ rác

Ở thị xã Hương Thủy, đặc biệt là phường Thủy Châu hiện nay có không ít phụ nữ “lo cơm” cho gia đình bằng cách đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Mưu sinh từ rác
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Return to top