ClockThứ Bảy, 21/12/2019 10:37

Mưu sinh nhờ trên đất thượng thành

TTH.VN - Những khu đất trống rộng lớn, kéo dài dọc theo thượng thành Huế, đoạn đi qua phường Tây Lộc (TP. Huế) hàng chục năm qua được người dân lao động tận dụng mưu sinh bằng việc trồng rau màu. Cánh đồng rau màu trên độ cao khoảng 5m so với mặt đường ít ai biết đến là nguồn sống của nhiều hộ gia đình.

Chủ động đi trướcChủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm gia đình chính sách khu vực Thượng Thành - Eo BầuHỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện các dự án tái định cư phục vụ di dời dân Thượng Thành và Eo Bầu

Và một ngày không xa nữa, họ phải trả lại không gian ấy cho công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản.

Cánh đồng rau trên thượng thành thuộc địa bàn phường Tây Lộc bạt ngàn màu xanh, nơi mà những hộ dân đã nương nhờ mưu sinh

Sống nhờ đất di sản

Men theo bờ thành đường Lương Ngọc Quyến, phường Tây Lộc những chiều cuối năm, chúng tôi leo lên nhiều bậc cấp, đi qua một vài khóm cỏ rậm rạp để tìm đến cánh đồng rau màu với màu xanh bạt ngàn. Khung cảnh hiện ra trước mắt khiến ai cũng ngỡ ngàng: từng luống rau khoai, rau thơm, rau quế, xà lách, cải, hành… được trồng thẳng tắp, ngay ngắn chạy dọc theo bờ gạch rêu phong, cổ kính thượng thành. Ở đó, những người nông dân giữa lòng thành phố miệt mài, chăm chỉ từng đường cuốc trên thửa đất, nhổ cỏ, gieo hạt, thu hoạch chẳng khác gì một miền quê trù phú.

Người ít cũng canh tác ở đây chục năm, người nhiều có thâm niên gần 30 năm. Nhờ những vựa rau này mà người nông dân có đồng ra, đồng vào, nuôi con cái ăn học. Đang cặm cụi nhổ cỏ cho hơn một sào hành đang ở giai đoạn phát triển, bà Phan Thị Huyền (60 tuổi) cho biết đã có thâm niên 20 năm trồng rau nương nhờ vào đất di sản. Hồi tưởng về những ngày đầu lên đây trồng từng luống rau màu bà Huyền bảo rằng, chỉ thấy đất trống, bỏ hoang nên tranh thủ trồng để kiếm thêm mớ rau sạch, phục vụ cho bữa ăn trong gia đình.

Nhưng rồi, vì thấy nhiều người đến hỏi mua, bán có tiền nên quyết định ban phát cỏ, và trồng rộng ra quanh đó. Thời gian trôi qua, cứ thế bà không nhớ đã có bao nhiêu vụ rau màu, bao nhiêu xà lách, hành, cải… được bán đi, đem lại cho gia đình bà một thu nhập đáng kể. “Nếu tính tất cả, mỗi tháng tui cũng kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng, chưa kể những tháng tết, thu nhập còn cao hơn”, bà Huyền tâm sự. Nhờ nguồn rau ấy, mà cả 6 người con của bà được ăn học đến nơi, đến chốn.

Từng luống rau khoai, rau thơm, rau quế, xà lách, cải, hành… được trồng thẳng tắp, ngay ngắn chạy dọc theo bờ gạch rêu phong, cổ kính thượng thành

Người dân trồng rau ở khu vực này bất kể nắng mưa, hết vụ này qua vụ khác quanh năm. Mùa nắng, chủ yếu trồng các loại xà lách, rau khoai, cải, mùa mưa thì trồng hành, boa rô… Nhưng cao điểm và cây phát triển tốt là vào 3 tháng cuối năm, thời tiết ẩm, mưa nhiều.

“Ở đây trồng trên cao, đất đai không được màu mỡ, việc lấy nước tưới gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, tận dụng mùa mưa cuối năm thường chúng tôi tranh thủ trồng thật nhiều”, ông Tô Tửu (65 tuổi) – người dân trồng rau ở khu vực thượng thành phường Tây Lộc tâm sự. Với kinh nghiệm gần 30 năm trồng rau, ông Tửu cho rằng, vì đất đai cằn cỗi, nằm ở trên cao, việc tưới cho cây gặp nhiều khó khăn nên phải lấy công sức, thời gian chăm bón để bù lại. Nhờ thế mà cây rau màu ở đây tươi tốt, được người mua săn đón, đến thu mua tận vườn để phân phối ngược xuôi nhiều chợ khác.

Đến lúc trả lại không gian cho di sản

Câu chuyện với những người nông dân ở đây có khi đứt quãng khi nói về việc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực Thượng thành – di tích Kinh thành Huế. Ánh mắt của họ thi thoảng thể hiện sự lo âu, nhưng trong chốc lát lại mỉm cười.

“Bao nhiêu năm mình trồng rau nhờ đất thượng thành để mưu sinh, giờ nghe giải tỏa trả lại đất cũng buồn chứ, coi như mất đi một nguồn thu. Nhưng khi chính quyền họp dân để nói về dự án lớn này chúng tôi cũng vui vẻ. Chỉ cần trước ngày đi, chính quyền báo trước thì dân tụi tui sẽ hoàn trả lại mặt bằng”, ông Tửu nói như một cách hàm ơn khu đất đã giúp ông trong những năm tháng khốn khó.

Không riêng gì ông Tửu, mà bất kể người dân nào cũng nặng lòng khi nhìn về vườn rau của mình khi ánh chiều khuất dần. Bên dưới phố phường, dòng xe tấp nập nhưng bên trên thượng thành, người nông dân mang dáng dấp thị thành vẫn lặng lẽ, tranh thủ với công việc của mình.

Rau trồng trên thượng thành của người dân được các thương lái thu mua tận vườn

“Thương người dân, gần chục năm nay phường còn miễn thuế, không thu đồng nào. Thành ra, khi rời xa những luống đất mà mình mang ơn này cũng buồn lắm chứ. Nhưng thôi, đã đến lúc trả lại những không gian này cho thành phố, cho di sản”, bà Phạm Thị Gái (65 tuổi) – người có gần 30 năm mưu sinh nhờ đất thượng thành để trồng rau nói với giọng trầm ngâm. Bà kể chính quyền đã đến để đo đạc, thông báo sẽ có chính sách đền bù hỗ trợ cho dân trồng rau khu vực này. “Ít nhiều chi cũng vui hết”, bà Gái nói tiếp. Người trồng rau trên đất di sản này cũng ước nguyện, sẽ thấy được sự đổi thay ở ngay chính nơi mà họ từng bán lưng cho trời, bán mặt cho đất.

Ông Lê Kim Thành, cán bộ địa chính UBND phường Tây Lộc cho biết, khu vực thượng thành mà phường quản lý có 180 thửa đất được 80 hộ gia đình tận dụng để canh tác nông nghiệp, chủ yếu trồng rau màu. Những lô đất này trải dài 2,5km từ cống Thủy Quan đến địa phận giáp ranh địa bàn phường Thuận Lộc.

“Là khu vực thuộc quản lý của di tích nhưng được người dân sử dụng trồng từ khá lâu. Vì thế, phường và phía quản lý di tích rất quan tâm, tạo điều kiện kiếm kế sinh nhai”, ông Thành cho hay và nói thêm, đang nắm thông tin sát sao và có những giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân trước dự án giải phóng mặt bằng, trả lại đất cho di sản.

Bài, ảnh: Phan Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Vàng son một thuở

Lần đầu tiên, hơn 100 tài liệu có lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế được tái hiện sinh động qua triển lãm ngay trên chính khu vực Kỳ đài, Thượng thành, Kinh thành Huế.

Vàng son một thuở
ĐỀ ÁN DI DỜI DÂN CƯ KINH THÀNH HUẾ:
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (DDDC, GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng số hộ bị ảnh hưởng giai đoạn 1 khoảng 5.000 hộ, đến nay TP. Huế đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 2.723 lô, đồng thời tiếp tục huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ giai đoạn II.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II
Return to top