ClockThứ Tư, 08/12/2021 16:45

Mưu sinh trên sông Ngự Hà

TTH - Những người gắn bó đời mình với sông nước đều bảo, chỉ cần còn sức, thì họ còn dong ghe đi kiếm con ốc, con cá.

Mưu sinh bằng nghề sửa khóaMưu sinh mùa nắng nóngMưu sinh giữa giá rét

“Thành quả” sau thời gian ngâm nước lặn ốc

Chòng chành đời sông nước

Trời lất phất mưa. Ông Nguyễn Văn Là (48 tuổi, ngụ TP. Huế) ngoi lên khỏi mặt nước, lóp ngóp bơi đến cạnh chiếc ghe của mình. Bà Nguyễn Thị Tâm (47 tuổi), vợ ông Là, nâng chiếc mủng tre lên, để chồng thuận tiện đổ vợt ốc vừa cào được vào mủng. Trời mưa và lạnh, ngâm trong nước suốt buổi sáng khiến ông Là lạnh run, răng va vào nhau lập cập. Cơn gió thổi tới khiến ông rùng mình, gương mặt tái mét, hai bàn tay tóp lại trắng nhợt, bắt đầu tê cứng. Ông Là vội trèo lên ghe, khoác vào bộ đồ khô, ngồi co ro cho bớt lạnh.

Bà Tâm ngồi trên ghe, cúi đầu tỉ mẩn nhặt từng chiếc vỏ ốc, hòn đá lẫn trong đám ốc lạo xạo chồng vừa cào được. Mủng ốc lưng lửng chỉ tầm vài ký. Đó là toàn bộ ốc bắt được sáng nay. Trong lúc ném mấy hòn đá xuống lại dòng sông, bà Tâm chợt thấy chiếc vỏ lon bia nằm lấp ló sau vạt cỏ sát mép nước. Khua vội mái chèo cho ghe nép sát vào bờ, bà Tâm dùng mái chèo khều vỏ lon, cho vào chiếc bao đặt ở một góc trong lòng ghe. “Vừa lặn ốc, vừa bủa cá, vừa nhặt ve chai, vậy mà tiền kiếm được chẳng bao nhiêu!”, bà Tâm nói.

Tiếng gõ nhịp mái chèo vọng lại từ giữa sông, khiến mấy con cá rô phi trong lòng ghe bà Tâm cũng nhảy lên long tong. Ông Là nhìn mặt sông nhấp nhô sóng nước, mưa nhè nhẹ phủ xuống như màn sương mờ đục. Xa xa ngoài kia là ghe bạn đang bủa cá. Ông Là than thở: “Bủa lưới toàn dính cá rô phi. Bán ít người mua lắm. Ngồi trên ghe vợt ốc thì chẳng được mấy con. Mà trời mưa lạnh, ngâm lâu dưới nước cào ốc, lạnh chịu không nổi”. Giọng người đàn ông buồn hiu, tan vào trong gió.

Cách ghe ông Là một đoạn là ghe bà Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi). Chồng bà Sáu vẫn đang lặn ngụp trong nước cào ốc. “Chồng tui có mặc bộ đồ nhái trên người, nên lặn xuống nước cũng đỡ lạnh hơn”, bà Sáu nói. Bộ đồ nhái có giá hơn 1 triệu đồng, được người quen sống ở Đà Nẵng gửi ra cho. Nhờ vậy mà những ngày ngâm mình trong dòng nước cũng bớt nhọc nhằn hơn đôi chút. Cần mẫn ngụp lặn trong nước suốt từ sáng đến chiều, hôm nào may mắn, vợ chồng bà mới kiếm được tầm 150- 200 nghìn đồng. Những hôm kém may mắn, cũng chỉ kiếm đủ tiền đong gạo, chật vật sống qua ngày.

Vào mùa nắng, vợ chồng bà Sáu sẽ dong ghe về phía Sịa (huyện Quảng Điền) để lặn trìa, hoặc chèo dọc sông Hương để bủa lưới, vợt ốc. Có hôm thì rẽ qua sông An Cựu, sông Đông Ba, sông Như Ý, sông Lợi Nông… Thời điểm đó, nước trên các con sông còn trong xanh, nên cuộc mưu sinh cũng thuận tiện hơn đôi chút. Khi mùa mưa đến, nước các sông bắt đầu chuyển đục, vợ chồng bà Sáu sẽ chạy ghe về phía dòng Ngự Hà bên trong Thành Nội. Nơi đây nước vẫn trong, dễ dàng cho việc mưu sinh.

Trong những người đang ngụp lặn mưu sinh trên dòng Ngự Hà, có lẽ ông Duy là người già nhất. Ở tuổi 63, người gầy nhom, nhưng ông vẫn còn sức để ngâm mình trong nước từ sáng cho đến chiều. Nhiều năm làm nghề lặn ốc, cứ mùa mưa về, như nhiều người khác ông Duy cũng bơi ghe vào đây. Dòng Ngự Hà đã nâng đỡ ông trong những ngày mưa gió.

Canh cánh nỗi lo

Vợ ông Duy mất đã lâu, nên cuộc mưu sinh của ông cũng đơn độc. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, từ Phú Mậu, ông Duy cặp ghe dọc sông từ Bao Vinh chạy ngược lên, qua sông Đông Ba rồi rẽ vào sông Ngự Hà. Lặn ốc đến tầm 2 giờ chiều, ông Duy chèo ghe qua chợ Đông Ba bán. Một ngày như thế, kiếm vài chục đến hơn 100 nghìn. Bao nhiêu năm gắn bó đời mình với sông nước, ông Duy bảo, khi nào còn sức, thì còn dong ghe đi kiếm con ốc, con cá. Chỉ mong được khỏe mãi, để còn rong ruổi ra sông.

Còn vợ chồng ông Là thì bảo, nghề sông nước chắc sẽ theo họ mãi đến hết đời. Trước khi dong ghe ra sông lặn ốc, sáng sớm ông Là đã cùng con trai út ra đồng mò ốc. Bao ốc đồng vẫn còn đặt trên ghe chưa kịp bán. Vợ chồng ông Là là hộ cận nghèo ở địa phương. Ông bà có ba đứa con, hai trai, một gái. Đứa con gái đã lấy chồng. Đứa con trai đầu, năm nay mới 23 tuổi, đang bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Cả hai quả thận đều bị hư dẫn đến phù phổi nên phải chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Trung ương Huế gần một năm nay. Bao nhiêu tiền bạc gom góp, vay mượn đều dồn vào chữa bệnh cho đứa con trai lớn. Năm học mới vừa khai giảng, đứa con trai út mới học xong lớp 9, vợ chồng ông Là đành cho nghỉ học, ở nhà phụ ba mẹ kiếm tiền.

“Nghèo khổ mấy cũng chịu được, chỉ mong vợ chồng khỏe mạnh để kiếm tiền thuốc thang cho con”, bà Tâm nói mà mắt ươn ướt. Cả ngày vất vả mệt nhọc, tiền kiếm được chỉ ba cọc ba đồng. Trong khi tiền thuốc thang cho con toàn tính bằng tiền triệu. Vợ chồng chạy ngược chạy xuôi, lo đến bạc tóc. Nhiều lúc mệt, đuối sức, chỉ muốn buông tay. Nhưng nhìn con, thương quá, lại gồng lên, lặn lội ra sông ra đồng bắt ốc bắt cá. Những hôm nào chợ ế, hai vợ chồng ông Là lại đạp xe đi nhặt ve chai. Nhưng rồi rong ruổi khắp nơi cũng chẳng có nhiều nhặn gì để nhặt, hai vợ chồng lại quay trở về với sông nước. Cái khổ, như hằn in lên gương mặt già nua của ông Là. Chưa đến 50 tuổi, mà tóc ông đã bạc trắng. “Cực quá mà, còn nặng nợ con cái, nên bạc cả đầu”, ông Là nói.

Vợ chồng bà Sáu, con cái đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Giờ hai vợ chồng bà nương tựa vào nhau, đùm bọc sống qua ngày. “Làm nghề ni, ngâm nước, ngâm nắng, dang gió dang sương nhiều, nên cũng hay đau ốm. Hôm nào bệnh, hoặc mưa to gió lớn hay rét lạnh dữ quá đành phải ở nhà là cứ lo ngay ngáy. Đời sông nước, ăn bữa hôm, lo bữa mai, cực vậy đó. Nên chỉ mong được khỏe mãi, để có sức mà làm lụng kiếm cơm”.

Niềm mong mỏi của bà Sáu, cũng là ước mong của nhiều người đang lặn ngụp trên dòng Ngự Hà mưu sinh giữa mưa gió. Với họ, mỗi ngày chỉ đơn giản là mong khỏe mạnh để dong thuyền ra sông bắt ốc, bắt cá. Và chiều về, mớ ốc, mớ cá bán được đắt hàng. Mong ước tưởng chừng đơn giản là vậy, mà đâu phải hôm nào cũng như nguyện.

Bài, ảnh: Hà Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Mưu sinh từ rác

Ở thị xã Hương Thủy, đặc biệt là phường Thủy Châu hiện nay có không ít phụ nữ “lo cơm” cho gia đình bằng cách đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Mưu sinh từ rác
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Return to top