ClockThứ Tư, 27/01/2016 08:32

Mưu sinh trong giá rét

TTH - Trong cái lạnh như cắt da, anh xe đạp thồ, chị mò ốc, người bán hàng rong...vẫn bươn chải, mưu sinh.

Mặc rét buốt, bà Nguyễn Thị Bòn vẫn ra sông vớt ốc (ảnh chụp ngày 26/1)

Ngược xuôi...

Tờ mờ sáng, cánh cửa ngôi nhà nhỏ nằm bên bờ sông hé mở. Cái rét căm căm xô vào. Bà Nguyễn Thị Bòn (phường An Cựu, TP Huế, hằng ngày làm nghề mò, vớt ốc) lấy chiếc áo mưa tròng thêm vào người cho đỡ rét, quả quyết bước ra khỏi nhà, cắm cúi đến nơi buộc con thuyền. Gió từ mặt sông thốc tới khiến người phụ nữ rùng mình.

Con thuyền nặng nề nhích ngược gió. Người phụ nữ vớt ốc liên tục vục và nhấc chiếc vợt. Nước sông lạnh buốt theo từng thao tác bắn lên chiếc áo mưa, thấm qua mấy lớp áo khiến mặt bà Bòn tím tái, răng va vào nhau lập cập. “Cày xới” dọc quãng sông dài mấy tiếng đồng hồ, nhưng nước lạnh quá, chẳng có con ốc nào, bà Bòn đành trở về tay trắng. “Hằng ngày đi từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều mò, vớt được mấy chục ký ốc, có khi bán chưa tới trăm nghìn. Nghỉ ngày mô ngày đó không có gạo nên chỉ trừ ngày bão, những người làm nghề như tui mới ở nhà. Lạnh lẽo, biết vất vả khổ cực lại khó kiếm con ốc, nhưng vẫn...liều mà đi. Hôm ni chỉ lạnh thôi còn đỡ. Hôm qua vừa lạnh vừa mưa quắt cả người, về phải đốt củi lên sưởi mới lại hồn”.

Bà Nguyễn Thị Tế (80 tuổi) bán hàng bên lề đường Phan Bội Châu (ảnh chụp ngày 25/1)

Bên vệ đường phía dưới chân cầu Bến Ngự, mấy chị mấy mệ hàng hoa người nào người nấy ngồi co ro. Không mưa, nhưng rét quá các chị các mệ phải mặc áo mưa che chắn. Chị Trần Thị Hiền (phường Kim Long, TP Huế) bảo, bây giờ còn đỡ, lúc mấy chị lọ mọ ra khỏi nhà từ khuya khoắt 3 giờ sáng đến chợ đầu mối lấy hàng mới khiếp. Lạnh quéo chân quéo tay, cầm ghi đông xe không chặt, nhưng vẫn gồng mình lên mà đi. Tối mịt tối mù, 7, 8 giờ tối bán được hết hoa thì mừng, nếu không phải gói ghém mang về mai bán tiếp. “Có khách mua hàng còn quên đi, mỗi lúc vắng khách cái rét như cứa vô da thịt, chỉ ước được về nhà. Nhưng tui 4 đứa con, chồng làm thuê. Vợ chồng gắng gỏi hết sức mới đủ nuôi gia đình. Rét mướt kiểu chi cũng phải bươn bả.” Gió lạnh khiến mặt mũi, miệng môi chị Hiền tím tái, nhưng chị vẫn cười bảo không riêng mình mình, mấy chị mấy mệ hàng trái, hàng hoa ngồi ven ven khu vực cầu này đều như vậy cả. Có người hơn 60 tuổi rồi, vì mưu sinh cũng phải ráng...

Vất vả nhân đôi

Về đêm, rét mướt càng tê tái. Ai nấy đều quây quần bên mâm cơm gia đình ấm áp. Các chị các mệ... buôn thúng bán bưng nơi vỉa hè góc phố cũng đã trở về nhà. Nhưng lại có không ít người lại bắt đầu bươn giá rét, mưu sinh. Khúc đường lên cầu Dã Viên vắng người qua lại. Cơn gió từ sông lên hun hút khiến bóng chị bán trứng vịt lộn bên ngọn đèn dầu càng nhỏ bé liêu xiêu. Thi thoảng, một chiếc xe máy dừng lại. Khách ngồi nguyên trên xe chờ chị bán hàng trao tận tay bọc trứng nóng kèm lời cảm ơn, rồi vội vã đi ngay. Chị vịt lộn lại một mình co ro giữa giá lạnh khuya khoắt.

Nửa đêm, vẫn lác đác người ăn khuya đến làm khách những hàng cháo bánh canh trên đường Hàn Thuyên (TP Huế). Từ tầm 3 giờ chiều, mấy chủ hàng bánh canh đỗ chiếc xe ba gác lỉnh kỉnh nào cọc, bạt, dây chằng nồi niêu chén bát... bên vệ đường, dựng “trại”, nhóm lửa. Trại chỉ là tấm bạt rộng giằng kéo trên mấy chiếc cọc. Ngày rét, gió tứ phía trống trải thốc những tấm bạt che tạm, xô ánh lửa trên bếp nghiêng ngả. Bà Liên, một phụ nữ có “thâm niên” 25 năm bán cháo bánh canh tại đoạn đường này, chốc chốc lại chăm chút cho bếp lửa không bị tắt, bảo chỉ cần còn khách đến ăn, những người bán hàng như bà thấy như quên đi giá rét, quên đi khuya khoắt. “Ngày mô cũng rứa, hai giờ sáng mới hết khách ăn. Giờ đó tui mới thu dọn hàng quán. Nhà cách đây mấy con đường nên về tới, rửa dọn xong tầm 3 giờ tui được vào giường ngủ. Hôm mô lạnh như ri, vất vả, cực khổ nhân đôi, nhân ba. Rét quá người ta chỉ muốn ở nhà. Đôi khi ngóng cả tiếng đồng hồ mới có khách ghé vào. Ngày xưa một tô bánh canh ở đường Hàn Thuyên giá 1 nghìn đồng, nay 10 nghìn đồng. Người bán chỉ lấy công làm lãi. Vậy nên nếu vắng khách, coi như thu nhập từ nồi cháo bánh canh hôm đó “teo tóp” lại”. Bà Liên tâm sự.

Đêm sâu vào ngày mới. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi một mình thu dọn bếp núc, tháo cột dỡ bạt..., gò lưng lui cui kéo chiếc xe ba gác  trở về nhà trên con đường khuya rét mướt. Và ngoài kia, trên những nẻo đường vẫn còn ai đó vang vọng tiếng rao đêm.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Mưu sinh từ rác

Ở thị xã Hương Thủy, đặc biệt là phường Thủy Châu hiện nay có không ít phụ nữ “lo cơm” cho gia đình bằng cách đến bãi rác tìm ve chai, phế liệu. Phần lớn trong số này có hoàn cảnh khó khăn.

Mưu sinh từ rác
Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh

Toàn tỉnh có hơn 33 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được chi trả lương hưu hàng tháng, chỉ chiếm xấp xỉ 24% tổng số người cao tuổi (NCT) trên địa bàn, số còn lại phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có nguồn thu nhập ổn định.

Không có lương hưu, người cao tuổi chật vật mưu sinh
Return to top