Thế giới

Mỹ: Doanh số bán lẻ bất ngờ tăng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế

ClockThứ Sáu, 17/09/2021 14:49
TTH.VN - Hãng Thông tấn Reuters ngày hôm nay (17/9) đưa tin, doanh số bán lẻ của Mỹ đã bất ngờ tăng trong tháng 8 vừa qua, có thể đã được thúc đẩy bởi hoạt động mua sắm trong mùa tựu trường và việc thanh toán tín dụng thuế trẻ em từ Chính phủ nước này.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý 2, GDP tăng 6,5%Fed tuyên bố tiếp tục hỗ trợ cho đến khi kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn

Người dân đến mua sắm hàng hoá tại một khu chợ ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Sự phục hồi bất ngờ trong doanh số bán lẻ đã được báo cáo bởi Bộ Thương mại Mỹ; trong đó, doanh số được thúc đẩy nhờ sự tăng vọt trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bù đắp cho sự sụt giảm liên tục tại các đại lý ô tô.

Ông Chris Low, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn tài chính FHN Financial ở thành phố New York, Mỹ cho hay, hoạt động tiêu dùng của quốc gia này không chậm lại nhanh như cách đây một tháng, và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến các ngành cung cấp dịch vụ bán lẻ.

Cụ thể, trong tháng 8, doanh số bán lẻ đã tăng 0,7%. Trong khi đó, số liệu cho tháng 7 đã được điều chỉnh theo xu hướng giảm, cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,8%, thay vì giảm 1,1% như được báo cáo trước đó.

Những con số này đang tăng lên ngay cả khi chi tiêu đang chuyển trở lại từ hàng hóa sang các dịch vụ, như du lịch và giải trí. Doanh số bán lẻ chủ yếu là hàng hóa; các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, du lịch và lưu trú tại khách sạn chiếm phần còn lại trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, doanh số bán lẻ trực tuyến tăng trở lại 5,3%, sau khi giảm 4,6% trong tháng 7. Hầu hết các khu học chính ở Mỹ đã bắt đầu năm học 2021-2022 vào tháng 8, hình thức học trực tiếp được nối lại sau khi được chuyển sang các lớp học trực tuyến vì đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái.

Cùng lúc đó, các hộ gia đình đủ điều kiện vào giữa tháng 7 đã bắt đầu được nhận tiền theo chương trình tín dụng thuế trẻ em mở rộng, và sẽ kéo dài đến tháng 12. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng quần áo tăng 0,1% trong tháng trước. Bên cạnh đó, doanh thu tại các cửa hàng vật liệu xây dựng và đồ nội thất cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh.

Dù vậy, doanh số bán hàng tại các đại lý ô tô đã giảm 3,6%, sau khi giảm 4,6% trong tháng 7. Tình trạng thiếu hụt vi mạch diễn ra trên toàn cầu đang buộc các nhà sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng. Khủng hoảng chất bán dẫn, vốn đã trở nên tồi tệ hơn bởi làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới nhất, cũng đang gây ra tình trạng thiếu hụt đối với một số mặt hàng điện tử.

Ngoài ra còn có tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện tử và thiết bị giảm 3,1%. Doanh thu tại các cửa hàng bán đồ thể thao, sở thích, nhạc cụ và sách cũng thu hẹp. Ngoại trừ ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và các dịch vụ ăn uống, doanh số bán lẻ đã phục hồi 2,5% trong tháng trước, sau khi giảm 1,9% trong tháng 7.

Trong một động thái liên quan, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) nhận định, sự gia tăng của doanh số bán hàng bất chấp những “cơn gió ngược” đã phản ánh sức mạnh không ngừng của người tiêu dùng Mỹ, cũng như khả năng phục hồi nhanh của các nhà bán lẻ ở quốc gia này. "Chúng tôi duy trì niềm tin vào sức mạnh lịch sử của người tiêu dùng và hoàn toàn mong đợi một năm kỷ lục về doanh số bán lẻ, và một mùa lễ hội mạnh mẽ cho các nhà bán lẻ", Chủ tịch NRF, ông Matthew Shay nói thêm.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ

Trong tuần này, Philippines đã nhận được các cam kết đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD từ các công ty Đức và Mỹ vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và năng lượng. Đây có thể được xem là những chiến thắng lớn cho đất nước khi cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực về vốn nước ngoài.

Philippines nhận được cam kết đầu tư 5 tỷ USD từ các công ty Đức, Mỹ
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Mỹ ghi nhận mùa đông ấm nhất lịch sử

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mùa đông này là mùa đông ấm nhất từng được ghi nhận ở lục địa Mỹ - dấu hiệu mới nhất cho thấy thế giới đang hướng tới một kỷ nguyên chưa từng có do khủng hoảng khí hậu.

Mỹ ghi nhận mùa đông ấm nhất lịch sử
Return to top