Thế giới

Mỹ thông báo các nước châu Á kế hoạch tuần tra Biển Đông

ClockThứ Ba, 13/10/2015 10:33
TTH.VN - Ngày 13/10, các quan chức Mỹ tiết lộ Washington đang thông báo cho các nước đồng minh ở châu Á về kế hoạch tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.


Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông - Ảnh: CSIS

Theo Wall Street Journal, các quan chức Mỹ cho biết trong chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, tàu chiến Mỹ sẽ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc.

Mục tiêu của Mỹ là phủ nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc bằng trò bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép.

Trước đó Mỹ vẫn kiềm chế, chưa tuần tra gần các đảo nhân tạo. Hồi tháng 5, một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ bay gần ba đảo nhân tạo nhưng không đi vào vùng 12 hải lý. Khi đó hải quân Trung Quốc ra cảnh báo qua radio, đòi máy bay Mỹ phải dời đi.

Kiểm tra cam kết “không quân sự hóa”

Các quan chức ở Philippines cho biết phía Mỹ đã thông báo kế hoạch tuần tra áp sát các đảo nhân tạo từ vài ngày trước. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes, chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh Philippines, tuyên bố ông hoan nghênh quyết định của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry sẽ thảo luận chiến dịch tuần tra với các quan chức Úc trong hôm nay. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, cũng tham gia các cuộc họp này.

Ông Daniel Krittenbrink, cố vấn cấp cao về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cũng thông báo cho các nhà phân tích Mỹ đang làm việc tại châu Á về kế hoạch tuần tra.

Ông Krittenbrink tiết lộ Mỹ chủ động hoãn các cuộc tuần tra trên Biển Đông cho đến sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận việc Mỹ tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo với lý do đây là “vùng biển chủ quyền của Trung Quốc”.

Khi thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo. Tuy nhiên các quan chức Nhà Trắng cho biết không rõ ý ông Tập là gì, bởi trong các cuộc họp kín với ông Obama, ông Tập không hề nhắc gì đến vấn đề này.

Một quan chức quân sự Mỹ khẳng định một trong các mục tiêu của chiến dịch tuần tra là kiểm nghiệm cam kết của chủ tịch Trung Quốc.

Bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền giả dối

Khi mới lên nắm quyền, tân Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã lên tiếng phản đối hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên WSJ dẫn lời nhà phân tích quân sự Hugh White nhận định có thể ông Turnbull sẽ thận trọng với việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Philippines Trillanes khẳng định Mỹ cần lập tức tuần tra gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp.

“Chúng ta cần biết Trung Quốc sẵn sàng làm những gì đối với các đảo nhân tạo này” - ông Trillanes nhấn mạnh. Ông tin tưởng biện pháp của Mỹ sẽ không gây nguy cơ đối đầu trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cũng cho rằng các chuyến tuần tra của Mỹ sẽ giúp bảo vệ sự ổn định của khu vực.

“Việc không bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền giả dối của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến trật tự khu vực và khiến Trung Quốc nghĩ rằng các đòi hỏi chủ quyền giả dối của họ được chấp nhận như sự đã rồi” - ông Del Rosario cho biết.

Chuyên gia James Hardy thuộc tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết loại tàu hải quân Mỹ chọn để tuần tra sẽ phản ánh quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông của Washington. Hải quân Mỹ có thể triển khai các tàu chiến gần bờ để tuần tra.

Tuy nhiên Mỹ cũng có thể đưa tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke hiện đại cùng các tàu nhỏ hơn tới tuần tra để đưa ra thông điệp cứng rắn hơn.

Ông Hardy cho biết Trung Quốc cũng có thể có nhiều phản ứng như điều máy bay hoặc tàu cảnh sát biển đeo bám tàu Mỹ và khi các tàu Mỹ đi rồi thì hô lớn lên rằng “đã đuổi được Mỹ ra khỏi Biển Đông”.

Hoặc tàu Trung Quốc sẽ dùng trò tung hàng loạt tàu đánh cá cản trở hướng đi của các tàu Mỹ. 

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần

Theo Hãng Thông tấn The Straits Times ngày hôm nay (29/3), hai tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới vừa lên tiếng cảnh báo, nắng nóng khắc nghiệt là một trong những vấn đề gây nguy hiểm nhất do biến đổi khí hậu; mặc dù vậy, vấn đề này ít được quan tâm hơn so với các tác động dây chuyền khác, chẳng hạn như bão và lũ lụt.

Các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nắng nóng khi mùa hè đến gần
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra mắt một mạng lưới mới về các chủng virus corona, CoViNet, để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm và chính xác về SARS-CoV-2, MERS-CoV, cũng như các chủng virus corona mới, có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu để theo dõi các chủng virus corona
1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói

Theo một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 27/3, trong khi 2,4 tỷ người trên thế giới (tương đương 1/3 nhân loại) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng hoặc vừa phải và 783 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói, thì hơn 1 tỷ bữa ăn đang bị lãng phí mỗi ngày.

1,05 tỷ tấn thực phẩm toàn cầu bị lãng phí trong khi hàng trăm triệu người bị đói
Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon

Hãng Thông tấn Reuters ngày 27/3 đưa tin, Brazil và Pháp vừa khởi động một chương trình đầu tư, nhằm mục tiêu bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil và Guyana, với khoản đầu tư trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ USD) từ các nguồn quỹ công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.

Brazil và Pháp ra mắt chương trình bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Return to top