Thế giới

Myanmar: Hy vọng và thách thức sau bầu cử

ClockThứ Năm, 12/11/2015 05:53
TTH - Theo tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ), Ủy ban bầu cử liên bang của Myanmar ngày hôm qua (11/11) thông báo thủ lĩnh đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) - bà Aung San Suu Kyi đã tái đắc cử Hạ nghị sĩ trong cơ quan lập pháp của Myanmar, sau khi đảng NLD của bà giành được gần như tất cả các ghế được công bố trong kết quả mới nhất của cuộc bầu cử nước này, mặc dù quân đội vẫn sẽ duy trì quyền lực đáng kể.

Người dân Myanmar kỳ vọng vào một chế độ dân chủ thực sự dưới thời bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Telesurt

Theo quy định, 25% trong số 664 ghế trong Quốc hội Myanmar được mặc nhiên dành cho quân đội mà không cần phải qua bầu cử, do đó, để giành được chiến thắng và thành lập chính phủ mới, đảng NLD cần có hơn 2/3 số ghế còn lại. Trước đó, vào ngày 10/11, trả lời hãng tin BBC, bà Suu Kyi khẳng định đảng của bà đã vượt qua mốc đó với khoảng 75% số ghế. Tại sao bà Suu Kyi và đảng đối lập NLD của bà có thể nhận được sự ủng hộ lớn đến vậy của người dân Myanmar?

Nelson Mandela của Myanmar?

Đối với người dân Myanmar, bà Aung San Suu Kyi được coi là biểu tượng sống cho cuộc đấu tranh lâu dài cho nền dân chủ của nước này và là chính trị gia được yêu thích nhất của đất nước. Giờ đây, cựu tù nhân 70 tuổi này và đảng của bà đang trên đường làm nên lịch sử khi đang tiến rất gần đến một chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên được tổ chức ở quốc gia này trong 25 năm qua.

Bà Suu Kyi nhận được nhiều sự ủng hộ một phần là do cha của bà, ông Aung San - một sĩ quan quân đội được biết đến là người sáng lập ra quân đội Myanmar hiện đại và góp công giúp Myanmar giành độc lập từ đế quốc Anh năm 1947.

Ông Aung San bị ám sát lúc bà chỉ mới 2 tuổi, và sau khi mẹ qua đời, bà Suu Kyi thề rằng, cũng giống như cha mẹ đã phục vụ nhân dân Miến Điện, bà do đó cũng sẽ nối gót trên con đường này.

Năm 1990, đảng NLD mới thành lập dưới sự lãnh đạo của bà Suu Kyi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng quân đội Myanmar lúc đó bãi bỏ mọi kết quả và buộc bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia trong suốt gần 20 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc cầm tù không thể kiềm hãm những lời kêu gọi cho dân chủ ở Myanmar của bà Suu Kyi, và sự ủng hộ giành cho bà tiếp tục gia tăng trên toàn quốc và trên toàn thế giới. Bà được so sánh với Nelson Mandela - người đã trải qua 27 năm trong tù, chiến đấu để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi trước khi được bầu làm Tổng thống.

Năm 1991, bà đoạt giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không mệt mỏi cho quá trình dân chủ hóa Myanmar, mặc dù cho đến năm 2012 bà mới chính thức được đến NaUy để nhận giải thưởng danh giá này.

Với những lý do đó, nhiều người tin rằng, cuộc bầu cử lần này sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ của chế độ quân sự ở Myanmar, và đặt hy vọng vào một kỷ nguyên mới cho một chế độ dân chủ dưới thời bà Suu Kyi.

Những thách thức phải đối mặt

Theo tờ báo Anh The Guardian, thời điểm này không còn là quá sớm khi cho rằng đây là một chiến thắng xứng đáng cho bà Suu Kyi, người đã cống hiến cả cuộc đời để đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ của Myanmar.

Tuy nhiên, để thành lập chính phủ mới, bà Suu Kyi và đảng của bà sẽ phải đối mặt với những nghi vấn về khả năng để quản lý tất cả mọi thứ, từ các vấn đề kinh tế cho đến mối quan hệ với các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc, các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm sắc tộc vũ trang và giải quyết cảnh ngộ của những người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Thực tế, nhiều thành viên cao cấp của đảng NLD, trong đó có bà Suu Kyi, chỉ có kinh nghiệm hạn chế trong việc điều hành chính phủ sau khi trải qua gần 20 năm bị quản thúc bởi chính quyền hiện hành.

Theo kết quả được đưa ra sáng 11/11 trên trang Bloomberg, Ủy ban Bầu cử Quốc gia cho biết đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành thế áp đảo khi chiếm được 163 trong số 182 ghế được công bố trong Quốc hội tính đến thời điểm đó, trong khi đảng cầm quyền USDP có 10 ghế, và số còn lại thuộc về các ứng cử viên độc lập và các bên đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về mặt quân sự, do quân đội là “tổ chức chính trị quan trọng nhất” của Myanmar, nên bà Suu Kyi sẽ cần phải tìm cách hợp tác thay vì đối đầu, ông Nicholas Farrelly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Myanmar tại Đại học Quốc gia Australia nhận định.

“Để đạt được thành công lâu dài trên cương vị một nhà lãnh đạo chính trị trong hệ thống đặc biệt này, bà Aung Sang Suu Kyi sẽ cần phải hợp tác chặt chẽ với một loạt các nhân vật cấp cao, trong đó có một số thành viên quân đội,” ông Farrelly nói. Đảng NLD của bà cũng phải hết sức thận trọng vì một khi đảng này vấp phải thất bại do thiếu kinh nghiệm, thì phe quân đội sẽ càng dễ bề củng cố sự ủng hộ của người dân.

Kỳ vọng vào một tương lai mới

Bất chấp những thách thức phía trước, kết quả khả quan tính đến thời điểm hiện tại đang thúc đẩy sự hân hoan của những người ủng hộ đảng NLD – những người xem bà Suu Kyi là hy vọng tốt nhất để phá vỡ sự kìm kẹp của chế độ quân sự đã khiến Myanmar trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực Đông Nam Á như hiện nay.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giành chiến thắng”, Ayea Nyeian Thu, một bác sĩ, chia sẻ với CNN ngày hôm qua, và nói thêm rằng “chúng tôi không muốn chứng kiến một chính phủ quân sự nữa”. Một thương nhân tại Yangon bày tỏ sự hân hoan với kết quả này nói, “tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước”.

Bà Suu Kyi và đảng NLD có thể ăn mừng chiến thắng bầu cử vào lúc này. Nhưng những gì đang đợi họ phía trước mới là phần khó của con đường, và đó chính là chìa khóa cho tương lai của Myanmar, tờ The Guardian kết luận.

Tố Quyên (Tổng hợp & lược dịch từ Bloomberg, WSJ & The Guardian)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top