ClockThứ Hai, 30/05/2016 09:49
BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ:

Năm 2021, chuẩn hóa bốn chức danh nghề nghiệp

TTH - Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ 1/1/2021, các chức danh: điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược hệ trung cấp (hạng IV) được tuyển dụng phải có trình độ cao đẳng chuyên ngành phù hợp trở lên. Riêng đối với viên chức ở những chức danh trên có trình độ trung cấp đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh Nhà nước hạng IV trước ngày 1/1/2021 phải được chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng đúng chuyên ngành tuyển dụng, chậm nhất trước ngày 1/1/2025. Bệnh viện Trung ương Huế (BV) đã có kế hoạch đào tạo để chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp cho các đối tượng nêu trên.

Điều dưỡng Trung tâm Nhi khoa chăm sóc bệnh nhân

“Hiện tại bệnh viện còn 799 người là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, dược sĩ có trình độ trung cấp. Năm năm sau, năm 2021, số người này biến động, có 46 người nghỉ hưu, 122 người đang học liên thông lên đại học. Như vậy BV có 631 người của 54 khoa, phòng, trung tâm được đào tạo có trình độ cao đẳng” . Tiến sĩ, bác sĩ Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BVTƯ Huế nói và đưa cho tôi xem bản kế hoạch đào tạo để chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp vừa triển khai trên toàn BV ngày 22/5. BV tổ chức học 4 khóa, mỗi khóa có từ 1 đến 2 lớp. Thời gian học 2 năm.

Tôi đặt vấn đề với ông Phan Cảnh Chương, Trưởng phòng Điều dưỡng BVTƯ Huế, nếu lực lượng cán bộ đi học đông, có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công việc của toàn BV không? Ông cho biết, theo thống kê, hiện nhiều cơ sở y tế trên cả nước có 75% điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y, dược sĩ thuộc hệ trung cấp. Riêng BVTƯ Huế, nhờ Ban giám đốc tạo điều kiện và sự phấn đấu học tập của nhiều người từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, đại học trong nhiều năm qua, nên BV chỉ còn 58,1% các đối tượng trên là trình độ trung cấp. Đây cũng là truyền thống ham học hỏi của BV, nên là một trong những điều kiện thuận lợi để cán bộ tiếp tục học nghiệp vụ. Thêm một thuận lợi là Trường cao đẳng Y tế Huế đóng trên địa bàn, cùng Trung tâm Đào tạo BV sẽ hỗ trợ tích cực cho những lớp học. Đương nhiên, BVTƯ Huế luôn có số lượng bệnh nhân đông, nếu với trên 600 cán bộ đi học, BV sẽ có những biến động. Ban giám đốc BV đã xếp thời gian học là buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần. Đa số đối tượng đi học đều phụ nữ và nhiều chị đã có gia đình nên khá vất vả vì vừa phải bảo đảm chương trình học, vừa phải lo chăm sóc chu đáo bệnh nhân và đảm đương việc gia đình. “Điều quan trọng là chúng tôi có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, nên sẽ khắc phục khó khăn”. Khi trao đổi với một số điều dưỡng, họ đều trả lời như vậy”. Thực tế theo chương trình đào tạo hệ trung cấp chỉ có 2 năm, thời gian thực tập không nhiều nên so với điều dưỡng hệ cao đẳng thì đối tượng này hạn chế về năng lực chăm sóc bệnh nhân, vì vậy việc đào tạo lại nâng cao trình độ cho điều dưỡng trung cấp của Bộ Y tế là đúng đắn”, ông Chương nói.

Nhiều điều dưỡng chuẩn bị học lên cao đẳng cũng tâm sự: Nhằm phù hợp với tiêu chuẩn và hội nhập quốc tế, ngành y tế đang từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn; trong đó, tập trung “nâng cấp” từ hệ trung cấp lên cao đẳng. Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận khung về thừa nhận lẫn nhau với 10 quốc gia ASEAN về việc công nhận dịch vụ điều dưỡng trong khu vực. Tuy nhiên, trong khi trình độ điều dưỡng của các nước trong khu vực hiện đã là cao đẳng và đại học thì phần lớn điều dưỡng, hộ sinh ở nước ta chỉ ở trình độ trung cấp, sơ cấp. Nước ta đã hội nhập, nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng của các nước cũng có thể được cấp phép hành nghề tại Việt Nam và ngược lại. Họ rất ủng hộ việc chuẩn hóa cán bộ ngành y và quyết tâm học thêm trình độ, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và xã hội.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Return to top