ClockThứ Tư, 20/01/2016 14:37

Nấm lạ ở Thủy Biều thuộc chi Boletus

TTH.VN - Thời gian gần đây, người dân khu vực Lương Quán (phường Thủy Biều, TP Huế) xôn xao khi phát hiện rất nhiều cây nấm lạ mọc ở vườn thanh trà. PGS.TS Ngô Anh (khoa Sinh học, Trường ĐHKH-ĐH Huế), chuyên gia nghiên cứu về nấm cho biết: Loài nấm này thuộc chi Boletus.

Có mặt tại vườn thanh trà của ông Đặng Sau (tổ 10, phường Thủy Biều), chúng tôi chứng kiến hàng chục cây nấm lớn nhỏ mọc rải rác trên diện rộng của vườn. Quan sát của chúng tôi, cây nấm có màu vàng nhạt, cuống nấm to, tai nấm có đường kính chừng 20-30cm. Cạnh đó, có những cây nấm lớn khác đang trong thời kì phân hủy, tai nấm mốc meo.

Người dân tò mò đến xem nấm

Theo bà Nguyễn Thị Giỏi (68 tuổi, vợ ông Sau), 2 năm trở lại đây, vào mùa mưa, sau khi làm đất thì loại nấm này bỗng dưng mọc lên. Cây to phát triển một thời gian ngắn rồi chết, những cây con khác sẽ mọc nối tiếp. “Năm ngoái, nấm chỉ mọc vài cây nhưng năm nay số lượng nhiều. Theo tui để ý, đến khoảng tháng 2 (AL), thời tiết nóng thì nấm không còn mọc nữa”, bà Giỏi nói.

Người dân khu vực này cho biết, đây là một loài nấm lạ, chỉ năm nay mới thấy xuất hiện nhiều. Ông Nguyễn Phước Quang (tổ 10, phườngThủy Biều) chia sẻ: “Tui sống ở đây đã mấy chục năm rồi nhưng bây giờ mới thấy loại nấm này. Không biết đây là loại nấm gì nên ai cũng tò mò, nhưng không ai dám hái hay nhổ vứt bỏ”.

Loài nấm lạ ở Thủy Biều

Trao đổi với chúng tôi, ông  Đặng Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, cho hay: “Tại Thủy Biều, loại nấm này mọc ở 3 khu vực là Bến Cây kết, trước Nhà thờ họ Đặng và Phủ thờ Tôn Thất. Chúng tôi chưa xác định được đây là loài nấm gì nhưng đến thời điểm hiện tại, loại nấm này chưa ảnh hưởng đến đời sống của bà con nên chưa đề xuất gì lên cấp trên. Sau khi phát hiện, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên hái, sử dụng loại nấm này. Nếu nấm tồn tại thời gian dài, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên Chi cục Bảo vệ thực vật để tìm hướng nghiên cứu”.

Những cây nấm trong thời kỳ phân hủy

Mang loại nấm trên về phòng thí nghiệm của PGS.TS Ngô Anh, ông nói: “Đây là loại nấm thuộc chi Boletus. Các bào tử phát tán trong không khí và đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ mọc thành cây. Thường mọc vào mùa đông, mọc phổ bến trên các rừng thông, vùng đất ấm. Đường kính tai nấm thường từ 10-30 cm. Nấm mọc độ 2-3 ngày thì tàn”.

PGS.TS Ngô Anh xem qua cây nấm

Trước câu hỏi, loại nấm này có độc hay không?, ông Ngô Anh cho rằng: “Chi Boletus có hàng trăm loài, đây chỉ là một trong những loài thuộc chi này. Muốn biết độc hay không phải xác định được tên loài, phải có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng qua kính hiển vi mới xác định được. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời sau nhưng khi chưa có kết quả, mong người dân không nên sử dụng”.  

Hiện loài nấm này vẫn gây tò mò với người dân và một số du khách đến tham quan ở Thủy Biều. 

Lê Thọ - Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top