ClockChủ Nhật, 06/02/2011 11:02

Năm mới, văn đàn trẻ thêm một giọng điệu mới

TTH - (Đọc “Hoàng tử và em” - Truyện dài của Meggie Phạm. NXB Trẻ, 2011)

Tập sách dày trên 250 trang, nhưng có lẽ vì khiêm tốn, tác giả không gọi là tiểu thuyết. Một cây bút mới toanh, chỉ hé lộ hai thông tin: tên (hay họ?) Meggie Phạm, một cô gái 19 tuổi. Đề tài không mới - đời sống sinh viên với chuyện tình “tay ba”, “tay tư”… - nhưng nhờ được thể hiện bằng một giọng điệu mới, thật tươi trẻ nên đọc khá hấp dẫn.

Truyện xoay quanh một nhóm sinh viên y-dược: Lân kết đôi với Hồng Bì (có tên gọi ở nhà là Ơtéc), ngay sau khi “thất tình” do bồ cũ là Lan lấy chồng là một “đại gia”; trớ trêu là Tín, bạn thân của Lân lại thầm yêu Hồng Bì. Tình yêu giữa cặp sinh viên tài sắc vẹn toàn Lân-Hồng Bì tưởng có thể đổ vỡ, nhưng như tác giả đã “tự bạch” trong “lời kết” - “Từ nhỏ tôi đã yêu cái đẹp tan vỡ, từng tự nhủ sẽ viết những câu chuyện chia ly… nhưng với Lân và Ơtéc, tôi không nỡ để họ phải chịu đau khổ…” Một cái kết có hậu, không phải vì tác giả “sắp đặt” mà chính vì họ có một tình yêu chân thành, cuồng nhiệt mà vẫn kìm nén được dục vọng. Đúng như lời giới thiệu của Nhà xuất bản: “Một chuyện tình trong như pha lê và đẹp như cổ tích.”

Tôi tóm tắt truyện và hé lộ kết thúc có hậu mà vẫn tin bạn đọc trẻ vẫn tìm đến cuốn sách vì tôi hy vọng lớp trẻ ngày càng có văn hoá cao - họ đọc truyện đâu chỉ vì muốn biết kết cục câu chuyện mà chủ yếu để thưởng thức cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ, trong cách miêu tả tâm lý nhân vật, tức là xem tác giả “viết câu chuyện ấy như thế nào”.
“… Lân ngắm nhìn cô, ánh đèn toả ra từ sau lưng cô, làm Hồng Bì như toả sáng. Lân nhớ lại so sánh của mình về cô, như một nàng thiên sứ, công chúa… Bỗng nhiên anh muốn hôn cô. Tại sao lại không?... Anh thường khẽ hôn lên gò má cô, lên mái tóc đẹp của cô. Nhưng anh gần như muốn tránh đôi môi đó. Tự anh còn không nhận ra mình muốn trốn tránh nó. Anh chỉ cho rằng bản thân mình đang chờ đợi. Giống như chờ đến một thời khắc hoàn hảo…”
Đó là cảnh đôi bạn trẻ trong một đêm Giáng sinh lạnh buốt, trước khi họ đến được với nụ hôn đầu tiên. Tiểu thuyết còn thích hợp với bạn trẻ nhờ cách chia chương hồi ngắn gọn, với những minh hoạ dễ thương, với lời “đề từ” khi chỉ như một mệnh lệnh, một “tin nhắn” trên điện thoại di động (“Đã yêu thì xin đừng trì hoãn”), khi lại khá “già dặn” và đầy vẻ triết lý: “Ái tình rất tự do, rất tuỳ hứng. Nó là đứa trẻ có nhiều vẻ mặt, dễ dụ dỗ. Ai cũng có thể có nó, ai cũng có thể đánh mất nó.”
“Hoàng tử và em” cũng có những “pha” hấp dẫn đầy kịch tính, ngay ở chương đầu và nhất là đoạn cuối, khi Hồng Bì gặp nạn, nhưng theo tôi, cuốn sách có sức thu hút chính là nhờ giọng văn trẻ trung và cách miêu tả tâm lý nhân vật khá tinh tế - trừ Lan, có thể tác giả cho là nhân vật phụ, nên sơ lược, giản đơn.
Tuy vậy, một điều có thể không thuyết phục được bạn đọc là vì sao tên tác giả lại kèm chữ “Tây” và cả mấy chị em trong gia đình Hồng Bì cũng gọi nhau bằng tên “Tây”, dù đó là những cái tên bắt nguồn từ các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp? Tác giả cho đây là cách “làm mới” của mình chăng? Hay đây là “chi tiết” chứng tỏ họ thuộc tầng lớp trí thức, trung lưu? Từ đây, lại có thể nêu một “đề nghị” khác với tác giả: Cả hai nhân vật chính đều là sinh viên thuộc hàng “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai/gái” - tác giả có quyền chọn loại nhân vật này, nhưng có lẽ họ cũng không thiếu dịp gặp gỡ, quan sát những cuộc đời khổ cực, thiếu thốn, có khi chính là bạn bè của họ; vậy nhưng cuốn sách không hề có một trang nào như thế. Có thêm những mối quan hệ như thế, tính tư tưởng và chất nhân văn của truyện hẳn sẽ có điều kiện nâng cao.
Đòi hỏi với một cây bút 19 tuổi vừa trình làng tác phẩm đầu tay như thế có quá nhiều không? Chính vì hy vọng vào cây bút mới này, tôi mới thử “đề nghị” như vậy. Với riêng phong trào văn học ở Huế, việc “Hoàng tử và em” được xuất bản với lượng bản in 3.000 cuốn là một tín hiệu thật vui trong ngày Xuân mới: tôi vừa được biết tác giả là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Khoa học Huế. Cùng với giải thưởng cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên do Tạp chí “Sông Hương” tổ chức vừa được trao, sự xuất hiện tác giả trẻ Meggie Phạm chứng tỏ tiềm năng sáng tạo văn học vùng đất núi ngự sông Hương còn rất dồi dào.
Nguyễn Khắc Phê
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ

Phòng tranh con giáp do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và họa sĩ Đặng Mậu Tựu thực hiện đã đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật những góc nhìn thú vị về rồng - loài linh vật trong truyền thuyết.

Hình tượng rồng qua nét cọ vẽ
Ngắm di sản từ “Vọng Huế”

Hơn 20 tác phẩm hội họa vẽ về đề tài di sản Huế vừa được họa sĩ Lê Hữu Long giới thiệu đến công chúng tại triển lãm có tên “Vọng Huế”, khai mạc chiều 10/1 tại Tạp chí Sông Hương (9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế).

Ngắm di sản từ “Vọng Huế”
Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên

Sáng 9/1, Hội sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Đoàn thanh niên trường tổ chức triển lãm mỹ thuật sinh viên năm 2024 chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2024).

Gần 100 tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật sinh viên
“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu

Đặng Mậu Tựu, một họa sĩ tràn đầy năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi. Trở về với quê hương bản quán Bình Định, với nơi chôn nhau cắt rốn, ông mang theo cả một gánh hành trang nặng trĩu trái tim mình trong những câu chuyện của sắc màu. Vẫn phong cách tươi tắn sôi nổi, nhiệt huyết yêu thương của một họa sĩ của xứ dừa Tam Quan nhưng lỡ say mê sông Hương núi Ngự, ngỡ rằng đang ẩn mình trong cõi chiêm bao, hóa ra lại trần thế như một hạt bụi nhân gian vô thường vậy.

“Quê nẫu” - Tiếng yêu thương trong hành trình trở về của Đặng Mậu Tựu
Return to top