ClockThứ Hai, 18/02/2019 17:06

Năm mới với khát vọng Thần Tài

TTH.VN - Trước khi hỏi Thần Tài là ai, chỉ cần xác định đó là kết quả biểu tượng hóa của một niềm tin và khát vọng no ấm và tài lộc của con người. Theo triết lý Thiên - Nhân cảm ứng phương Đông, con người luôn muốn dựa vào tự nhiên để có được nguồn sống vô biên từ Cha Trời - Mẹ Đất để đáp ứng nhu cầu thường trực đó.

Thiệt ngay sau mua vàng ngày Thần tàiSức mua tăng trong ngày vía Thần Tài

Thần Tài (Maurice Durand, 1960)

Khi Tết Nguyên đán vừa qua đi thì cư dân đô thị lại rộn ràng bởi ngày vía Thần Tài khi nhiều người mua sắm vàng bạc đá quí “cầu may, lấy hên”. Nhìn lại tận cội rễ của niềm tin và khát vọng vật chất đủ đầy qua hình tượng Thần Tài cùng việc mua vàng bạc lấy hên đầu năm, từ Bắc chí Nam mới thấy được sức sống nội tại cùng nhiều giá trị đặc trưng của tín ngưỡng này.

Thần Tài thường được thờ trong một trang nhỏ trong nhà, để dưới mặt đất, hướng thẳng ra cửa. Thực ra, đó là nơi ở chung của cả Ông Địa và Thần Tài vốn có chung chức năng hiện thực hóa khát vọng đủ đầy về vật chất của người dân. Điểm khác biệt là Ông Địa gần gũi với nông dân, còn Thần Tài lại thuộc về đời sống thị dân.

Từ Mẹ Đất gắn liền đời sống nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu và khát vọng vạn vật sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa, cư dân nông nghiệp Á Đông đã xây dựng nên nhiều hình tượng thiêng liêng gắn liền với Đất Mẹ. Tiêu biểu cho vấn đề này là tín ngưỡng Ngũ tự gia đường với các vị thần Trung Lựu (ở giữa nhà, nơi thông linh Trời-Đất, cũng có nghĩa là nơi nước chảy/máng xối, tương ứng Trung thổ trong thuyết Ngũ hành), Táo (thần Bếp), Tĩnh (thần giếng), Môn (thần cổng) và Hộ (thần cửa).

Do có tầm quan trọng đặc biệt nên thần Bếp được gọi là Đệ nhất gia chi chủ, đứng đầu Ngũ tự và người Trung Hoa gọi lễ đưa Vua Bếp về trời ngày 23/12 âm lịch là Tiểu niên (để ngày 30 lại trở về). Nét đặc trưng Việt là Vua Bếp đã biến thành một bà hai ông với truyền thuyết Ông Công Ông Táo rất đặc trưng. Yếu tố Đất Mẹ ngoài việc có sự hiện diện của Bà ở trang Bếp, có thể thấy sự bổ trợ cặp đôi của Ông, đặc biệt là Ông Công trong vai trò Thổ Công được coi như là bổn mạng của gia chủ. Từ Thổ Công ở gian Bếp - được đồng nhất, tích hợp vào với Táo quân, còn có Thổ Địa ở gian Thần Tài (lo khu nhà) và Thổ Kỳ (lo vườn tược, gắn liền và phò trợ chức năng mua bán của người phụ nữ). Càng về sau, do nhu cầu tối ưu hóa và giản tiện hóa, người ta đã có sự tích hợp nhiều chức năng thờ tự vào trang Bếp, nổi bật với Đông Trù Tư mệnh Táo quân, Bản gia Thổ địa Long mạch tôn thần và Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức chính thần như là một đại diện của Ngọc Hoàng thượng đế cho mỗi gia đình dưới hạ giới, là tín ngưỡng dân gian mang đậm màu sắc Đạo giáo.

Trang thờ Táo Quân (“Niên niên tăng phú quý/Nhật nhật thọ vinh hoa”, Maurice Durand, 1960)

Phi thương bất phú phát sinh từ một truyền thống thương mại mạnh mẽ, gắn liền những con đường gốm sứ, con đường tơ lụa xuyên Á - Âu. Hoa thương trên biển có sự bảo trợ của nữ thần Thiên Hậu và Quan Âm Nam Hải. Một khi ổn định cuộc sống và kinh doanh, ông Thần Tài trở thành vị thần bảo trợ thường trực, tối ưu cho việc buôn bán. Thương nghiệp gắn liền đời sống thị dân và quá trình đô thị hóa thì trong gia đình, bài vị tích hợp tập thể các vị gia thần được gọi thành Thần Tài, đầy đủ hơn là Thần Tài Ông Địa. Ở đây có sự cộng cư giữa hai vị thần tài: một của nông dân và một của thương nhân, thông qua linh tượng ông Địa bụng phệ, miệng cười hể hả, ông Thần Tài râu trắng, tóc bạc phơ, cùng nhiều vàng bạc. Chi tiết hơn, chữ nghĩa trang trí ở trang thờ Thần Tài là Tụ bảo đường (ngôi nhà tụ đồ quí giá) gắn liền phương châm “Chiêu Tài, Tiến Bảo”, đặc biệt là ở bài vị tích hợp thờ tự: Ngũ phương, Ngũ thổ Long thần/ Tiền, Hậu địa chủ, Tài Thần.

Ở đây có sự chuyển hóa tên gọi và chức năng thờ tự, từ sự cầu an, cầu phúc, cầu no đủ giản dị khiêm nhường của người nông dân, dần hướng đến cầu tài lộc của thương nhân và thị dân, do xuất phát điểm và nền tảng kinh tế - xã hội tương ứng của các chủ thể văn hóa. Không rõ tự lúc nào, thương nhân đã dệt nên huyền thoại Thần Tài từ Thiên đình bị đày xuống trần gian và có cơ hội trở về thượng giới vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Nhân ngày vía Thần Tài, thị dân có xu hướng đổ xô mua vàng bạc đầu năm để lấy hên, cầu may cho một năm mới phát đạt, đúng nghĩa “tấn tài tấn lộc” sau khi họ đã làm tròn mọi lễ nghi cầu an, cầu phúc trong những ngày đầu năm. Ở Huế, rõ ràng tập tục mua sắm vàng bạc nhân ngày vía Thần Tài ít nhiều cũng liên quan tới nghề kim hoàn nổi tiếng của làng Kế Môn từ tận thế kỷ XVIII, như một sự cộng hưởng nhiều giá trị tín tục và truyền thông mới, một hoạt động kích cầu được thương nhân và thợ kim hoàn cổ súy ngày càng lan rộng trong xã hội.

Cốt lõi của cầu Phước, cầu An Khang rồi cầu Tài Lộc đều nhằm đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người về tinh thần lẫn vật chất. Tất cả cần được xem xét dưới góc độ tín ngưỡng với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc mà không quá nhuốm màu hủ tục, mê tín đến mức mù quáng, sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cao cả cho cuộc sống con người thời hiện đại vốn phải luôn chịu đựng quá nhiều áp lực, nhu cầu và ham muốn. Khát vọng đó mang lại cho mọi người niềm tin an lạc, tấn tài tấn lộc suốt cả năm.

Bài, ảnh: Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khát vọng Thái Hòa

Trong thế giới quan Á Đông, mối quan hệ giữa Trời - Người - Đất được kết nối qua thế giới động, thực vật, với vô vàn quan niệm nhân sinh thiêng liêng để trừ tà, cầu an cho con người và vạn vật. Trong đó, Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) khởi đầu từ Rồng là một biểu trưng của tạo hóa trong khát vọng cầu mùa mãnh liệt của cư dân nông nghiệp gắn liền với nắng, mưa... trong tín ngưỡng phồn thực, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua tan ôn dịch.

Khát vọng Thái Hòa
Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới

Dù thời tiết trời mưa phùn và lạnh nhưng rất nhiều người dân xứ Huế đã tìm đến các ngồi chùa vào sáng mùng 1 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để lễ Phật, cầu một năm mới may mắn bình an, vạn sự hanh thông cho bản thân và gia đình.

Người Huế thong dong đến chùa lễ Phật ngày đầu năm mới
Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương

Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ Quý Mão sang năm mới Giáp Thìn 2024, màn pháo hoa tầm cao được bắn lên trên bầu trời ngay Kỳ đài, phía trước Ngọ Môn trong tiếng reo vui, chúc nhau một năm mới an lành, hạnh phúc.

Dòng người đón Giao thừa bên bờ sông Hương
Cuối năm “vẽ” bình an

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, ngoài đường phố, không khí nhộn nhịp, rộn ràng. Còn ở lớp vẽ nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các học viên đang chăm chú hết mức có thể. Đặt tâm trí vào từng đường cọ, nét bút, họ đang trang trí cho những quả dừa trong workshop “Vẽ dừa trang trí tết”.

Cuối năm “vẽ” bình an

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top