ClockThứ Năm, 03/03/2016 15:17

Nắm tay con bước tiếp đường dài...

TTH - Chồng không may bệnh nặng rồi mất, bà Trần Thị Xoa - người phụ nữ nghèo tiền bạc nhưng giàu nghị lực ở thôn Thủy Định, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang tiếp tục nắm tay các con bước tiếp đường dài...

Ước nguyện

Ngôi nhà ba gian không đồ đạc tiện nghi, nhưng ngăn nắp sạch sẽ, ấm cúng. Vừa trở về sau một đêm lênh đênh trên phá Tam Giang, người phụ nữ 54 tuổi đã lúi húi với việc nhà việc cửa. Chủ nhật, nhưng chỉ có cậu con trai cả Trần Cao Quanh (đã tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Huế) ở nhà giúp mẹ. Bà Xoa cười rất tươi bảo, con trai thứ Trần Cao Linh cũng đang là sinh viên năm cuối Trường đại học Sư phạm Huế và con trai út Trần Cao Hoàng đang là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Khoa học Huế. Cả hai trọ học, thỉnh thoảng mới về. Em gái kế Quanh thi đại học đỗ vào nguyện vọng hai, nhưng đúng năm đó cha phát hiện bệnh nan y, khuyên mấy nó cũng không chịu đi học mà khăng khăng đi làm công nhân may tại khu công nghiệp Phú Bài để “nhẹ gánh” cho gia đình.

Dù đi về mấy chục cây số nhưng ngày nào người con trai cả cũng về nhà để mẹ đỡ trống trải

Bà Xoa trầm giọng kể, mấy chục năm qua, vợ chồng bà cùng nhau đi từ công trình này đến công trình khác phụ thợ nề mưu sinh. Thằng Quanh còn thường xuyên mang cơm đến tận công trình. Nó bảo không đành lòng để cha mẹ ăn cơm bới theo từ sáng sớm để đến trưa đã nguội ngơ nguội ngắt. Tấm lòng của con như vậy, vợ chồng tui ấm áp lắm.”. Cứ ngỡ cha mẹ, con cái sẽ yên bình bên nhau, cùng đi qua khó khăn, không may mấy năm gần đây, chồng bà Xoa phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư. Biết mắc “bệnh tử”, lúc đầu người cha buồn lắm, lo không được đi cùng các con trên đường dài. Rồi một cách mạnh mẽ, ông xác định không để lãng phí dù chỉ một ngày trong quỹ thời gian ngắn ngủi quý giá còn lại. “Bệnh rứa mà mô có chịu ngồi không, ông bảo sức có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, ủng hộ con được chừng nào hay chừng đó. Vợ chồng tui đổi qua làm nghề chài lưới. Không nặng nhọc bằng đi phụ thợ nề, nhưng đêm hôm vất vả “- bà Xoa không nén nổi nước mắt khi nhớ lại cái đêm chồng phát bệnh nặng ngất xỉu ngay trên phá, bà cùng các con cuống cuồng đưa ông đến bệnh viện. Trong những giây phút thập tử nhất sinh, ông vẫn đau đáu ước nguyện các con đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn...

Mẹ con có nhau

Bao ngày bà tất tả ngược xuôi, ngày ở bệnh viện, đêm “lao” ra đầm phá. Nhiều người dân trong thôn giờ vẫn còn tự hỏi không biết lúc đó bà Xoa lấy đâu ra sức lực đến thế? Bao năm vất vả nặng nhọc, nhưng tiền vợ chồng kiếm được cũng chỉ đủ chắt bóp để nuôi bốn đứa con ăn học. Thời gian chồng bệnh nặng, gia đình bà Xoa còn phải nợ nần lo tiền chạy chữa. Cậu con trai cả tốt nghiệp đại học, làm việc tại Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, hiện nay lương tháng chỉ 2 triệu đồng. Cô con gái thứ hai quyết “cãi lời” cha mẹ, đi làm kiếm được chừng 3 triệu đồng mỗi tháng. Nếu người mẹ không “cứng cỏi”, hai cậu con trai khác đang theo học đại học có nguy cơ dang dở. Các con học hành tử tế, nên người, là ước nguyện của cả hai vợ chồng. Chồng đã mất, người phụ nữ đó quyết định đêm đêm một mình mưu sinh trên phá Tam Giang góp sức nuôi ước mơ cho các con.

“Người ta có vợ có chồng, có thuyền máy thì kiếm được gấp đôi gấp ba. Tui một mình một ghe, vừa đội đèn pin trên đầu soi, vừa thả lưới, có đêm nhiều lắm cũng kiếm được chừng dăm, bảy chục nghìn đồng. Nhưng nhà lúc nào cũng có cá ăn, dù đó chỉ là mớ cá vụn.” Bà Xoa tâm sự, lênh đênh một mình trên sông nước từ đêm cho đến sáng hôm sau, nhất là đêm mưa gió, nhiều khi buồn tủi đến yếu lòng. Nhưng nghĩ đến các con, bà như được tiếp thêm sức mạnh. Hai con trai đang học đại học đều kiếm việc làm thêm, đứa đi dạy kèm, đứa rửa xe máy thuê, phần nào đỡ đần gánh nặng trên vai mẹ. Bình thường, cậu con trai cả ở lại phòng trọ với hai em trên thành phố. Từ ngày cha mất, dù xa mấy chục cây số, nhưng ngày nào Quanh cũng chạy xe đi về để mẹ đỡ trống trải. “Con về sớm, tui đi làm sớm. Con về muộn, tui đi làm muộn. Hôm mô đứa con gái làm ca chiều, phải gần 11 giờ đêm mới về đến nhà. Đợi con về, thấy mặt con, tui mới yên tâm ra phá”- nói về những đứa con, mắt người mẹ ánh lên tình yêu thương rạng rỡ. “Mới đầu tôi được nhận vào học việc, lương tháng chỉ 500 nghìn đồng. Đánh giá công việc tôi làm tốt hơn, trung tâm tăng lên 1 triệu rồi 2 triệu đồng. Vẫn biết đồng lương chưa đáp ứng cuộc sống, nhưng tôi vẫn kiên trì đi theo con đường mình đã chọn và tin rằng một ngày nào đó sẽ đứng vững bởi sự kiên trì nỗ lực. Bằng cách của mình, anh em tôi đứa nào cũng đang cố gắng, để đền đáp tình yêu thương của cha mẹ”, người con trai cả của vợ chồng bà Xoa tâm tình.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghị lực của chị Hàng

Từ một người rụt rè, tự ti, chị Đỗ Thị Hàng (Phú Lộc) đã tìm cho thấy cho mình bến đỗ bình yên. Trên hành trình gian nan ấy, chị đã cùng đồng hành, sẻ chia và tiếp thêm tự tin cho những người chung cảnh ngộ mất đi thị lực.

Nghị lực của chị Hàng
Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới

Tối 8/9 tại Nhà văn hóa xã Hồng Thượng (A Lưới) UBND huyện A Lưới tổ chức chương trình Đêm hội Trăng rằm cho các em học sinh Trường tiểu học Hồng Thượng.

Đêm hội Trăng rằm cho học sinh A Lưới
Phương thuốc yêu thương

Không đến nỗi còn sợ hãi khi mắc COVID-19, bởi hầu hết người dân đã được tiêm từ 2- 3 mũi vắc-xin phòng bệnh...

Phương thuốc yêu thương
Nối dài yêu thương

Trên trang facebook cá nhân, tôi thường đăng những tấm hình vui vẻ, phong cảnh đẹp hoặc có ý nghĩa “ghi dấu” nơi đã từng đến. Facebook của tôi để chế độ công khai. Có nghĩa, không chỉ người đã kết bạn mà ngay cả những người không kết bạn vẫn đọc, like (thích), comment (bình luận) được. Tuy nhiên từ trước đến nay, những bài đăng của tôi chỉ có bạn bè like, comment coi như hỏi thăm động viên nhau, thay vì không mấy lúc gặp được nhau, do khoảng cách địa lý hay những bận rộn của cuộc sống.

Nối dài yêu thương
Return to top