ClockThứ Hai, 15/02/2016 10:59

Năm Thân tìm hiểu những cây thuốc mang tên khỉ

TTH - Nhiều tài liệu về cây thuốc ở trong nước đã công bố hàng ngàn loài cây dược liệu hiện hữu ở các vùng sinh thái khác nhau của nước nhà. Trong số đó, rất nhiều loài mang tên các động vật trong 12 con giáp. Nhân dịp Tết Bính Thân, tôi xin giới thiệu cùng độc giả 6 loài cây thuốc mang tên khỉ.

1. Cây cỏ khỉ 

Tên cỏ khỉ xuất phát từ tên tiếng Anh Monkey grass, ở nước ta thường gọi là Mạch môn, tên khoa học là Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl., thuộc họ Xà thảo - Hemodoraceae.

Cây cỏ khỉ. Ảnh: Internet

Cây thân thảo dạng bụi, sống lâu năm nhờ thân rễ ngắn, có rễ phù thành củ thon. Lá mỏng và hẹp, mọc chụm ở đất. Hoa tự chùm nằm ở trên một trục hoa tròn dài 10-15 cm. Hoa nhỏ, màu trắng, có cuống ngắn, xếp 1-3 cái một ở nách các lá bắc màu trắng. Bao hoa 6 mảnh, rời hay hơi dính ở gốc. Quả mọng, màu tím, chứa 1-2 hạt. Cây được trồng phổ biến làm đường viền cho các bồn hoa ở nơi có bóng râm, ẩm mát.

Là cây thuốc thông dụng trong dân gian, làm thuốc bổ phổi, trị ho, lao, triệu chứng nóng âm ỉ, sốt cao về chiều, tâm phiền khát nước, táo bón, cầm máu chữa thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam… Ngoài ra, còn có tác dụng lợi tiêu hóa, trị, lợi sữa...

2. Cây con khỉ 

Còn được gọi là hoàn ngọc, xuân hoa trắng, tên khoa học là Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk., thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

Cây con khỉ. Ảnh: Internet

Cây bụi cao 1-3m, sống nhiều năm, thân non mềm màu xanh lục, thân già hoá gỗ màu nâu, nhiều cành mảnh. Lá mọc đối, cuống lá dài 1,5-2,5cm, phiến lá mềm, hình mũi mác. Cụm hoa là xim dài 10-16 cm ở đầu cành, mang nhiều hoa màu trắng.

Cây được trồng khá phổ biến ở Việt Nam để làm thuốc.

Thường được dùng điều trị những bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, viêm đại tràng mạn tính, trĩ nội, cầm máu ngoài da. Ngoài ra, nó còn được dùng hỗ trợ để chữa các bệnh phổi, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ, bệnh vẩy nến... Lá xuân hoa không có mùi, không vị, hơi nhớt. Khi dùng thì rửa sạch, nhai với mấy hạt muối rồi chiêu nước. Có thể dùng lá đã phơi khô hoặc nấu canh để ăn. Liều dùng tuỳ thuộc vào bệnh, người lớn ăn 7-9 lá, ngày hai lần. Nếu bị rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, chỉ dùng vài lần là khỏi; bị tiểu tiện rắt, buốt, ra máu, thì dùng 3-4 ngày; bị viêm đại tràng co thắt điều trị khoảng hai tuần.

3. Cây củ khỉ  

Còn được gọi là hồng bì núi, dương tùng, tên khoa học là Clausena indica (Dalz.) Oliv., thuộc họ cam – Rutaceae.

 

Cây bụi cao 2-2,5m, cành non có màu tím đỏ hay đen đen. Lá kép lông chim mọc cách, mang 7-11 lá chét hình trái xoan hay bầu dục dài 3,5-5cm, rộng 1,7-3cm, mọc cách hay gần đối, gân phụ thường 5-7 cặp, rất mảnh, mép lá nguyên hay có răng cưa rất nhỏ. Hoa tự ngù cao 4-5cm ở ngọn nhánh; hoa mẫu 4, cánh hoa màu trắng. Quả hình trái xoan, cao 0,8-1cm, khi chín màu đỏ.

Cây thường mọc trên các núi đá vôi ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, một số tỉnh miền Trung…

Lá và rễ củ khỉ được dùng dưới dạng thuốc sắc để chữa cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, tê thấp. Lá được giả nát đắp ngoài da chữa sai khớp, bong gân hoặc được dùng chưng cất lấy tinh dầu để xoa bóp.

4. Cây lông khỉ

Thường được gọi là Cẩu tích hay Lông cu li, tên khoa học là Cibotium barometz (L.) J. Sim, thuộc họ Cẩu tích – Dicksoniaceae.

Cây có thân đứng to, có thể cao đến 2,5-3m, mang một lớp lông dày màu vàng hoe. Lá có cuống dài 1-2m, màu nâu nâu; phiến dài 2-4 m, rộng 60-80cm, ba lần kép, thùy có răng thưa, mặt dưới mốc mốc. Ổ túi bào tử hai mảnh, màu nâu nâu.

Cây phân bố rộng ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các trảng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần khe suối khắp các tỉnh từ Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh miền Trung đến Lâm Đồng.

Thân rễ được dùng chữa phong hàn, tê thấp, đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau thần kinh tọa, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện dầm, bổ thận, tăng hùng tinh… Lông vàng quanh thân rễ được gọi là Kim mao Cẩu tích, thường được dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu.

5. Cây ngõa khỉ

Còn được gọi là ngái khỉ, tên khoa học là Ficus hirta var. roxburghii (Miq.) King, thuộc họ Dâu tằm – Moraceae

Cây ngõa khỉ. Ảnh: Internet

Cây bụi nhỏ 1-2m, cành có lông cứng. Lá hình trái xoan ngược, có 3 thùy sâu, thon hẹp và tròn ở gốc, có đuôi ngắn ở đỉnh, dài 18-25cm, rộng 7-15cm, có lông nhám, bìa có răng nhỏ, cuống dài 1-4cm. Quả sung dạng tròn dài, có lông phún thưa, khi chín màu vàng, mau rụng.

Cây thường mọc rải rác ở ven rừng thứ sinh và ở các trảng đất ẩm.

Cây được dùng trị cam tích ở trẻ em, phong thấp đau xương, bế kinh, sản hậu ứ huyết, đau bụng, viêm tinh hoàn, đòn ngã tổn thương…

6. Cây sọ khỉ 

Còn được gọi là xà cừ, tên khoa học là Khaya senegalensis A. Juss., thuộc họ Xoan – Meliaceae

Cây sọ khỉ. Ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

Cây gỗ cao 20-30m, thân tròn, to. Vỏ thân lúc non có màu xám, nhẵn, lúc già màu xám nâu, bong vảy tròn như khảm xà cừ. Lá mọc so le, lúc non màu đỏ tím, kép lông chim chẵn, với 4-5 đôi lá chét hình thuẫn, đỉnh có mũi ngắn, mép nguyên. Hoa tự xim kép tròn ở nách lá gần đầu cành. Hoa mẫu 4 đều, nhỏ, màu vàng nhạt. Quả nang hình cầu, vỏ quả hóa gỗ.

Cây nguồn gốc châu Phi, được nhập vào Việt Nam để trồng ở các công viên và đường phố lấy bóng mát.

Dân gian dùng lá nấu nước đặc rửa, lấy bã xát chữa bệnh ghẻ hoặc dùng lá non giã nhỏ, trộn rượu, nướng để đắp ngoài da chữa sưng vú.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top